Tổ hợp tên lửa phòng không - Điểm nhấn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT và tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn là những khí tài được nghiên cứu và cải tiến bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), đang thu hút sự chú ý lớn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 đã bước sang ngày thứ 3. Những ngày qua có hàng nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm tại các gian trưng bày của triển lãm. Trong số đó có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu, các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc.

 Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT. Ảnh: Đỗ Quyên

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT. Ảnh: Đỗ Quyên

Với hàng trăm gian trưng bày của hơn 240 doanh nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, triển lãm được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, gây ấn tượng mạnh với người dân và khách tham quan.

Trong đó, người dân và khách tham quan đặc biệt chú ý tới Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT. Tổ hợp S-125-VT là phiên bản hiện đại hóa của hệ thống S-125 Pechora (Liên Xô), được thiết kế với mục tiêu tiêu diệt các phương tiện tấn công đường không, đặc biệt là các mục tiêu bay thấp và có kích thước nhỏ, ngay cả trong điều kiện nhiễu phức tạp. Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa này còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước, hoạt động độc lập hoặc trong đội hình cụm phòng không.

 Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT. Ảnh: Đỗ Quyên

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT. Ảnh: Đỗ Quyên

 Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Đỗ Quyên

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Đỗ Quyên

Theo thông tin được công bố, S-125-VT có tốc độ tối đa 800 m/giây, cho phép tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu với cự ly sát thương lên đến 30 km, và tỷ lệ tiêu diệt máy bay tiêm kích lên tới 90%. Tổ hợp này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 90 km.

Trong tổ hợp, nổi bật là bệ phóng SP73 - VT, giúp cố định tên lửa trên bệ phóng hướng tên lửa về phía mục tiêu. Đồng thời, cấp nguồn, cấp tín hiệu chuẩn bị tên lửa trên bệ phóng và chấp hành tự động lệnh phóng tên lửa theo tín hiệu điều khiển từ xa; triển khai và thu hồi bệ phóng bằng hệ thống chân kích thủy lực tự động.

 Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Đỗ Quyên

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Đỗ Quyên

Tổ hợp Tên lửa đất đối hải Trường Sơn

Ngoài S-125-VT, Viettel cũng giới thiệu Tổ hợp Tên lửa đất đối hải Trường Sơn. Tổ hợp Trường Sơn, cùng với đạn tên lửa hành trình diệt hạm Sông Hồng, được Viettel nghiên cứu và phát triển, là một trong những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tự chủ của Việt Nam.

Tổ hợp được thiết kế để triển khai từ bờ biển, có khả năng bắn các loại đạn tên lửa hành trình đối hạm, có thể tiêu diệt các tàu và phương tiện nổi trên biển.

 Tên lửa đối hạm "Sông Hồng" VSM-01A. Ảnh: Đỗ Quyên

Tên lửa đối hạm "Sông Hồng" VSM-01A. Ảnh: Đỗ Quyên

Các thành phần cấu thành tổ hợp tên lửa Trường Sơn VCS-01 gồm: Xe nạp tên lửa VTRV-01; Xe chỉ huy điều khiển VCPV-01; Xe bệ phóng VLV-01; Radar cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX và tên lửa đối hạm "Sông Hồng" VSM-01A (tầm bắn 80km).

Trong đó, Tên lửa đối hạm Sông Hồng là thành phần chiến đấu chính của tổ hợp này, có nhiệm vụ tiêu diệt các tàu chiến mặt nước, với khối lượng khoảng 600 kg. Đạn tên lửa Sông Hồng sử dụng cơ chế tầng khởi tốc bằng nhiên liệu rắn, cho phép tên lửa rời khỏi khoang bảo quản trước khi khởi động động cơ chính để bay tới mục tiêu. Tầm bắn đạt khoảng 80 km, với hành trình bay thấp bám đỉnh sóng ở pha cuối nhằm giảm thiểu khả năng bị phát hiện và ngăn chặn.

 Xe bảo trì tên lửa, xe chở tên lửa, đài radar dẫn bắn, xe chỉ huy của tổ hợp và bệ phóng tự hành của tổ hợp Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Quyên

Xe bảo trì tên lửa, xe chở tên lửa, đài radar dẫn bắn, xe chỉ huy của tổ hợp và bệ phóng tự hành của tổ hợp Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Quyên

Mỗi xe chỉ huy trong tổ hợp Trường Sơn có khả năng điều khiển đồng thời 8 bệ phóng tự hành, mỗi bệ mang theo 4 đạn tên lửa Sông Hồng, mang lại sức mạnh hỏa lực đáng kể trong các tình huống tác chiến.

Tổ hợp tên lửa Trường Sơn không chỉ thể hiện sự phát triển công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia, thể hiện niềm tự hào của cán bộ và kỹ sư Viettel khi đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/to-hop-ten-lua-phong-khong-diem-nhan-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024-post399953.html