Tổ lái tử nạn khi chở bạn gái tông chết con bò: Chủ bò có đi tù?
Chở bạn gái chạy xe máy tốc độ cao tông trúng con bò lạc, nam thanh niên tử vong trên đường đi cấp cứu ở Ninh Thuận. Chủ con bò không dám tới nhận vật nuôi vì sợ đền bù cho người nạn nhân và chịu trách nhiệm hình sự?
Tối qua, tổ lái chở bạn gái chạy xe tốc độ cao và tông trúng con bò lang thang ngoài đường ở thôn Sơn Hải, xả Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Cú tông quá mạnh khiến con bò chết tại chỗ, nam thanh niên văng ra đường và rơi vào tình trạng nguy kịch, còn cô gái ngồi sau may mắn chỉ bị trầy xước tay chân.
Tổ lái được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi đến bệnh viện.
Lực lượng chức năng và người dân đợi mãi nhưng không thấy chủ con bò tới nhận vật nuôi.
Theo người am hiểu, chủ con bò không dám tới nhận vật nuôi vì sợ bị phạt tiền, chịu trách nhiệm hình sự và đền bù cho người nhà nam thanh niên tử nạn.
Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc: Cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng.
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.
Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.