'Tổ nghề của đời nghệ sĩ' (*): Món quà ý nghĩa kính dâng nghiệp Tổ
Nhiều văn nghệ sĩ đã dành tặng những món quà tri ân Tổ nghiệp một cách thiết thực nhất
NSND Hồng Vân luôn xem cố tác giả Lê Duy Hạnh là người thầy đáng kính. Với bà, dù ông chưa một ngày bước lên bục giảng thị phạm nhưng suốt thời gian 4 nhiệm kỳ ông làm Tổng Thư ký, rồi chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, ông đã bảo ban, định hướng để bà ý thức rõ vai trò của người nghệ sĩ đó là không thể khước từ trách nhiệm với xã hội.
"Tôi nguyện dâng lên thầy Lê Duy Hạnh món quà ý nghĩa nhất, đó là dàn dựng tác phẩm nhạc kịch sử Việt "Nỏ thần" do ông sáng tác. Ông chính là người thầy, người thuyền trưởng lèo lái con thuyền sân khấu TP HCM nhiều thập niên qua, dấu ấn của mỗi tác phẩm trên Sân khấu Kịch Hồng Vân và nhiều sàn diễn khác đều đậm nét phong cách của cố soạn giả Lê Duy Hạnh. Tôi sẽ chú tâm dàn dựng thêm nhiều vở nhạc kịch sử Việt, đây không chỉ là sự tri ân mà còn là kim chỉ nam cho thế hệ học trò của tôi, nhằm phát huy những giá trị đẹp đẽ nhất hướng đến tính nhân văn đầy trí tuệ mà thầy Lê Duy Hạnh đã để lại" - NSND Hồng Vân bộc bạch.
NSƯT Quế Trân cũng cho rằng cha cô - cố NSND Thanh Tòng - đồng thời cũng là người thầy đầy nghiêm khắc đã dành trọn cuộc đời cho sân khấu cải lương tuồng cổ, để từ công trình nghiên cứu khoa học - "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" của ông, để lại cho đời di sản đồ sộ là hàng trăm kịch bản, trình thức vũ đạo, sự đổi mới về âm nhạc tuồng cổ.
"Ngày 28-9, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm "Vai trò của cải lương tuồng cổ TP HCM từ năm 1975 đến nay" - một công trình tiếp nối những nghiên cứu của cha tôi. Là thế hệ hậu bối của cải lương tuồng cổ, tôi sẽ chung sức cùng các đồng nghiệp trẻ làm nên những giá trị vẻ vang này bằng việc sáng tác nhiều hơn, hay hơn kịch bản sử Việt. Bởi đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân" - NSƯT Quế Trân bày tỏ.
NSƯT Lê Trung Thảo tâm sự: "Tôi đã học được rất nhiều từ người thầy đáng kính là NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ, người đã truyền dạy để tôi được vinh danh với vai Lê Văn Duyệt trong vở "Trung thần". Tôi đang ấp ủ kế hoạch xây dựng con đường di sản văn hóa nghệ thuật, theo đó sẽ mang sân khấu cải lương đến gần hơn với công chúng tại sảnh Nhà hát Thành phố hay phố đi bộ Bùi Viện… Tôi cho rằng đây sẽ là món quà tri ân ý nghĩa, thiết thực nhất dành cho các bậc tiền bối, cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ".
Là nghệ sĩ đi học lớp đại học đạo diễn sân khấu khá muộn, bởi đã thành danh với vai trò diễn viên, thế nhưng NSƯT Thành Hội luôn một mực tôn kính NSND Trần Minh Ngọc - người đã âm thầm đứng sau lưng những thành quả nghệ thuật mà anh đạt được. NSND Trần Minh Ngọc xúc động nhắc lại: "Thành Hội đi học đạo diễn chăm chỉ như con ong thợ. Sau đó đã vận dụng kiến thức rất tốt, cho ra nhiều tác phẩm sân khấu mang thương hiệu Kịch Hoàng Thái Thanh".
Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải, học trò của NSND Bạch Tuyết, trải lòng: "Tôi rất hạnh phúc vì những lần tổ chức live show của mình, các bạn trẻ đến xem và cổ vũ thật đông. Thành quả đó có được là từ những chỉ dạy tận tình của cô Bạch Tuyết. Cô đã nhiều lần nói với tôi - mỗi vai diễn đều phải vì lợi ích và tiến bộ chung của xã hội".
Nghệ sĩ hài Tấn Beo từng nhắc đến danh hài NSƯT Bảo Quốc - người thầy đáng kính của làng sân khấu hài TP HCM. "Chú Sáu Bảo Quốc vẫn thường nói với tôi: Nghệ sĩ hài cần bỏ đi cái tật chọc cười nhảm, xàm; tiếng cười phải có trách nhiệm làm đẹp cho đời. Quả thật, tôi cảm thấy mình làm được việc có ích cho xã hội khi mang được tiếng cười "vị nhân sinh" cho đời" - nghệ sĩ Tấn Beo kể.
Có thể nói những thành tựu nghệ thuật mà các nghệ sĩ với vai trò người thầy và các nghệ sĩ hậu bối đã làm được đều đáng quý và đáng trân trọng. Món quà ý nghĩa mà những văn nghệ sĩ kính dâng lên Tổ nghề chính là đã và đang thực hiện các tác phẩm nghệ thuật giá trị cho cuộc sống. Đây là những hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất trong Ngày Sân khấu Việt Nam.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-9