Tổ quốc nơi cột mốc biên cương

Cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ, chiếc xe chở chúng tôi đi từ đồn biên phòng Sì Lờ Lầu mới đến được cột mốc biên giới số 70 thuộc Bản Mới, xã Ma Ly Chải. Đây là một trong hai xã do đồn biên phòng Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu quản lý.

1 cột mốc chủ quyền thiêng liêng do đồn biên phòng Sì Lờ Lầu quản lý.

Gọi là đến cột mốc chứ thực ra xe không thể đi tiếp được nữa, còn phải đi bộ thêm chừng 3 cây số. Con đường chỉ dài hơn 14km nhưng thật khủng khiếp. Xe chúng tôi lúc bò chậm như rùa, lúc phải dừng lại cho người xuống đi bộ từng đoạn dài. Những vũng lầy to gấp ba bốn lần con trâu mộng. Những khe nứt do bị nước mưa đêm qua xói mòn cắt qua mặt đường rộng vài tấc tây. Những khúc “cua ngoặt” rợn người. Những thung lũng sâu thăm thẳm, nhìn xuống đến chóng mặt chóng mày. Thú thật lúc này chả ai còn để ý đến ngắm cảnh nữa. Mây bay ư? Ruộng bậc thang ư? Cây chuối rừng lúc lỉu quả ư? Không có ý nghĩa gì. Tất cả chỉ chăm chú vào con đường trước mặt. Thế mà sáng nay Thượng tá Vũ Cao Hãn - Chính trị viên trưởng đồn biên phòng, cho gọi một người lính dưới quyền mình tên là Nguyễn Văn Khiêm với lời dặn dò: “Cậu đưa các anh chị em đi thăm cột mốc số 70 bằng con đường dễ nhất”.

Cũng cần phải nói qua về Nguyễn Văn Khiêm một chút. Khiêm người dân tộc Kinh, quê Thái Bình, có dáng vóc của một nhà thể thao, một võ sĩ quyền anh hơn là một chiến sĩ biên phòng. Những bắp thịt của anh nổi lên cuồn cuộn, cứng như sắt thép, dẻo như cao su. Khiêm đeo quân hàm cấp bậc Đại úy, đội trưởng đội tuần tra, có bề dầy kinh nghiệm nơi biên giới 12 năm. Thượng tá Vũ Cao Hãn gọi vui là “trưởng bản”. Còn anh em trong đơn vị lại đặt cho Khiêm một cái tên nghe đến cũng đủ phát hãi: “Ma xó”. Nghĩa là Khiêm thuộc nằm lòng địa bàn đơn vị quản lý. Từng gốc cây, từng hòn đá chứ không cần nói đến con đường, cột mốc. Hòn đá hôm trước nằm ra sao, hôm sau, vì lý do nào đó hòn đá nằm ở vị trí khác là Khiêm biết liền. Vậy ra, đến cột mốc số 70 có hơn một con đường. Con đường chúng tôi vừa đi qua là dễ dàng thuận lợi ư? Thật đáng khâm phục, đáng kính nể những chiến sĩ biên phòng nơi đây, vì ngày nào các anh cũng phải đi tuần tra cột mốc, tuần tra biên giới.

Đường tuần tra.

Tôi hỏi Nguyễn Văn Khiêm: “Anh Khiêm bảo đường ra cột mốc 70 này là đơn giản, là dễ dàng, thế khó khăn thì ở cột mốc nào?”. Đại úy Khiêm nói: “Vâng, Đây là đường dễ nhất. Nếu bọn tôi đi tuần tra thì sẽ đi lối khác, tuy khó nhưng lại đủ một vòng tròn khép kín, từ cột 70 đến cột 78 kéo dài gần ba chục cây số. Cột mốc nào đường đi cũng đều khó khăn cả. Rất nhiều đoạn dựng đứng, gót chân người đi trước đập vào mặt người đi sau, chẳng hạn như dốc Tả Páo, Sì Lờ Lầu, theo tiếng địa phương là 12 tầng dốc. Có những con dốc dài chỉ có hơn 5 cây số thôi, nhưng người khỏe vừa đi vừa bò cũng phải mất 6 giờ đồng hồ cả lên dốc lẫn xuống dốc”.

Cột mốc số 70 nằm trong một thung lũng rất nhỏ, sát mép một con suối không tên. Chính giữa con suối này là điểm phân chia cương thổ Việt Nam và Trung Quốc. Cột mốc nằm lẻ loi, đơn độc giữa thung lũng, không dân, không rừng. Ngẩng đầu lên bầu trời nhỏ như cái mâm, núi cao chất ngất xung quanh, mây vờn lưng chừng núi. Trước khi gặp được cột mốc biên giới ở đây, tôi đã từng qua một số cột mốc ở nơi khác. Tôi vẫn cứ hình dung ra cây cột mốc biên giới phải hùng vĩ, được ốp đá bốn mặt, có quốc huy với dòng chữ nổi màu vàng: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nào ngờ... Cột mốc cũng giản đơn như người dân Hà Nhì đang sống trong xã Ma Ly Chải.

Cây cột mốc là một khối bê tông cốt thép, cao khoảng 0,7m nằm chính giữa một tấm bệ cũng bằng bê tông cao 0,2m, mỗi chiều dài chừng 2m. Xung quanh tấm bệ ấy là một khoảng sân rộng, bằng phẳng, đủ để cho một tiểu đội đứng xếp hàng ngang. Mặt trước khắc sâu dòng chữ: Việt Nam và số hiệu cột mốc 70. Nhìn cột mốc, tôi thầm hỏi: Cột mốc nơi đây đã chịu bao nhiêu con lũ quét, lũ ống? Chịu bao nhiêu trận phong ba lở trời long đất? Chịu bao ngày nắng cháy không một hạt mưa không một giọt nước? Thế mà cột mốc vẫn trụ vững như lòng người dân nơi đây. Họ không chỉ chiến đấu cho bản thân mình, không chỉ cho dòng tộc mình, họ sẵn sàng hy sinh vì phía sau lưng họ là Tổ quốc Việt Nam, là dân tộc Việt Nam. Khi nãy, trên đường đi tới đây, tôi cũng bắt gặp một hai tấm biển đề: “Khu vực biên giới”. Chưa bao giờ biên giới lại cụ thể và cũng trừu tượng như thế này. Chắc chắn chỉ có các anh, những người lính biên phòng mới rành rẽ. Còn chúng tôi thấy vẫn là núi đó, vẫn là sông đó, vẫn là trời đất đó, mà giữa con người với con người lại có sự phân định rạch ròi. Xưa nay, mọi sự xâm phạm hay nhầm lẫn đều bị trả giá. Có lẽ vì thế cuộc đời sẽ bình yên khi biết dừng lại trước ranh giới của mình. Trong âm vang của con suối róc rách kề bên, tôi thoáng thấy hình như có cả hơi thở của gió, nhịp đập của đất, vẫn thấy phảng phất cái hương thầm của hoa mận hoa đào.

Cũng là khối bê tông bình thường như bao khối bê tông khác, nhưng ở đây, sao nó thiêng liêng, trân trọng đến thế. Vì nó là điểm xác nhận chủ quyền của chúng ta, là bất khả xâm phạm. Trong đầu tôi bỗng ngân lên lời tuyên ngôn bất hủ của Thái úy Lý Thường Kiệt của gần ngàn năm trước: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Chúng tôi không ai bảo ai, tất cả đều lặng đi. Bầu trời trên đầu xanh cao vời vợi. Dãy núi uy nghi sừng sững sau lưng... Tất cả đã lý giải sức sống mãnh liệt, dẻo dai đến thần kỳ của dân tộc Việt Nam có 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Đại úy Nguyễn Văn Khiêm đứng nghiêm, chào cột mốc theo đúng quy định. Chúng tôi hát Quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước... Tiến lên cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền”. Chúng tôi hát với tất cả nhiệt huyết và sự chân thành nhất của mình. Trong cuộc đời, tôi từng được dự rất nhiều lần các buổi lễ chào cờ, hát Quốc ca. Nhưng lễ chào cờ và hát Quốc ca nơi cột mốc biên cương lại có một cảm giác rất riêng biệt, với biết bao cảm xúc khó tả. Đó là sự hòa quyện niềm tự hào, tin yêu và hy vọng về mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam nơi biên giới. Đã có người trong đoàn khóc. Những giọt nước mắt chứa chan yêu thương xen lẫn sự kính phục rơi xuống cột mốc nơi biên viễn xa xôi hẻo lánh. Thương cột mốc, thương người lính biên phòng, thương người dân Hà Nhì gian nan vất vả, thương Tổ quốc mình chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát mà hạnh phúc không được bao nhiêu. Chưa ở đâu hai tiếng Tổ quốc lại gần gũi, lại giản dị, lại cụ thể đến thế. Bài Quốc ca chúng tôi hát đã kết thúc từ lâu nhưng Khiêm vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu. Đôi mắt anh rưng rưng đau đáu nhìn cột mốc. Hẳn trong tâm trí anh đang hướng về hình ảnh anh dũng của 30 cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 289 (nay là đồn biên phòng Sì Lờ Lầu) cùng hy sinh trong một ngày để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ cột mốc biên cương của Tổ quốc. Cuộc chiến tuy xảy ra cách hôm nay mấy chục năm, thời gian trở nên xa ngái, nhưng tình yêu Tổ quốc, tình yêu dân tộc của các anh không lúc nào phai mờ. Ngày ấy, kẻ xâm lăng dùng chiến thuật biển người, quân số đông hơn ta gấp ngàn lần, hòng đánh nhanh thắng nhanh. Chúng không ngờ lại vấp phải sức đề kháng của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 289 mạnh mẽ quyết liệt đến thế. Các anh đã đánh lui nhiều đợt tấn công của quân xâm lược, tiêu diệt nhiều tên, giữ vững trận địa để quân và dân ta ở phía sau có đủ thời gian lập phòng tuyến mới. Cột mốc biên cương, Tổ quốc thân yêu ở sau lưng các anh, không cho phép các anh lùi bước. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không thể để cho quân xâm lược tiến vào đất của ta. Các anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng, chiến đấu tới người cuối cùng. Kẻ địch dùng loa kêu gọi đầu hàng với nhiều hứa hẹn về tương lai. Không. “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Hết đạn, các anh chiến đấu bằng tất cả vũ khí có trong tay: dao, lưỡi lê, gậy sắt... Những trận đánh giáp lá cà đẫm máu liên tiếp xảy ra. 30 năm sau, khi khởi công xây dựng lại đồn biên phòng trên nền đất cũ, người ta đào được một số hài cốt của cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong cái ngày quyết tử đó. Nhiều người còn trong tư thế tiến công cùng với khẩu AK47, lưỡi lê tuốt trần, có người trong tay còn nắm con dao đi rừng của đồng bào dân tộc. Bây giờ chúng ta thường nghe: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nhưng với người chiến sĩ biên phòng thì không bao giờ được phép quên bài học cảnh giác.

Ma Ly Chải còn nghèo, rất nghèo, người dân Bản Mới ăn chưa đủ no, rượu ngô không đủ uống, hoa không nhiều, không thơm, nên chỉ một chút nắng vàng, một cánh chim bay ngang cũng đủ làm thổn thức lòng người. Tình cảm của đồng bào Hà Nhì lúc nào cũng mặn mòi như giọt mồ hôi của bà mế lúc mùa vụ vội vàng. Tôi như nhìn thấy màu mắt của cô gái Hà Nhì đánh rơi lúc lội qua suối trong cái bạt ngàn của cỏ cây hoa lá. Cái màu dễ nhớ dễ thương như mảnh đất Ma Ly Chải xa ngái trập trùng.

Đêm qua, sau vài trận mưa lớn, bầu trời sáng nay trong văn vắt, làm bừng sáng những khuôn mặt vui tươi hớn hở, khởi sắc. Ma Ly Chải rực rỡ như cô gái dậy thì. Dường như nhịp sống ồn ào chốn thị thành không thể tràn lên lấn át được vẻ ưu tư, trầm mặc nơi vùng biên. Có thể vì đường giao thông còn quá gian nan vất vả, có thể do bản chất người miền núi không dễ bị “đồng hóa”. Nhưng những ai đã nặng lòng với Ma Ly Chải, đến với Ma Ly Chải, dầu chỉ một lần, đều mang chung một ý nghĩ: Mảnh đất này, con người này đã một thời hy sinh chiến đấu và dũng cảm dựng xây. Chỉ thế thôi, rồi chia xa, nhưng đều thấy trào dâng một niềm cảm xúc say đắm khôn nguôi, để mỗi khi nhắc đến cột mốc biên cương lại nhớ về đất và con người Ma Ly Chải.

Đại úy Nguyễn văn Khiêm còn kể cho tôi nghe về cuộc sống của đồng bào Ma Ly Chải: “Vất vả lắm anh à. Cái đói, cái rét luôn đe dọa, hiện hữu. Ma Ly Chải, Sì lờ Lầu và nhiều xã khác của huyện Phong Thổ được xếp vào loại nghèo nhất đất nước. Phải thường xuyên nhận giúp đỡ của Chính phủ và cộng đồng. Các anh các chị rất may, lên đây gặp được vài trận mưa sớm mới có nước dùng đấy. Địa hình ở đây bị chia cắt sâu, độ dốc lớn, nên không giữ được nước. Tình trạng khô hạn, giá rét, sương muối vào mùa đông, mưa đá lũ quét vào mùa mưa, là những điều bất lợi cho đồng bào. Giữ được dân bản định canh định cư đã là một thành công lớn”. Tôi nói: “Chớ có chủ quan. Đấy mới chỉ là bước đầu. Nếu cuộc sống của đồng bào không được nâng cao hơn trước chắc gì họ đã yên tâm ở lại”. Khiêm cười: “Anh nói như Chính trị viên Vũ Cao Hãn”. Tôi cũng cười theo. Sự ổn định nơi ở, ổn định cuộc sống chính là nền tảng của điều kiện cần và đủ để phát huy hiệu quả cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới. Thế mới thấm thía câu người xưa từng dạy: “Thực túc binh cường”. Khi cái bụng được no, thân xác được ủ ấm mới có thể nghĩ tới chuyện khác. Chuyện trò với Nguyễn Văn Khiêm quanh quẩn thế nào lại trở về chuyện cột mốc. Tôi hỏi: “Nghe nói, có dạo người bên kia biên giới thường sang di dời cột mốc vào sâu đất ta phải không?”. Khiêm gật đầu: “Đó là chuyện ngày xưa. Ngày ấy cột mốc đơn giản lắm, dễ nhổ dễ trồng. Chỉ một loáng là có thể nhổ lên trồng xuống được ngay. Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng và đồng bào Hà Nhì nhiều lần đấu tranh yêu cầu đối phương đặt lại cột mốc về đúng vị trí cũ. Chúng ta không có ý định lấn đất của ai, nhưng cũng không bao giờ để người khác lấy đi của dân tộc ta đất đai do tổ tiên để lại. Từ dạo tôi về đây cột mốc được bê tông hóa, không còn dễ dàng di chuyển. Tuy chưa có tiếng súng nổ, chưa đổ máu, nhưng thật căng thẳng và quyết liệt. Thế mới biết lòng tham của con người quả không có đáy”. Nghe Khiêm nói, tôi nhớ tới câu nói của vua Lê Thánh Tông, đại ý: Kẻ nào dám mang một tấc đất, một thước sông của tổ tiên cho giặc thì phải tội tru di.

Như chợt nhớ ra, tôi hỏi: “Cuộc sống của Khiêm và gia đình ra sao? Có ổn định không?”. Khiêm cười thành tiếng, khiến tôi giật mình sợ có điểu gì thất thố trong câu hỏi. Thì ra đó chỉ là tiếng cười hồn nhiên của chàng trai 34 tuổi: “Ban đầu nhớ lắm, lấy vợ chưa kịp quen hơi bén tiếng đã hết phép. Nhiều đêm không tài nào chợp mắt. Cái nhớ đến quay quắt. Cũng phải đấu tranh tư tưởng nhiều, so đọ nhiều. Sau hiểu ra, khó khăn đâu chỉ riêng mình. Trong đơn vị còn rất nhiều người hoàn cảnh còn khó hơn mình. Ngày xưa, bố mẹ tôi lấy nhau cũng chỉ có một tuần phép, rồi ông vào Nam chiến đấu. Sự sống, cái chết cách nhau bằng sợi tóc ông còn chả sợ nữa là”. Tôi tiếp lời: “Nhưng Khiêm cũng có quyền đề nghị lên cấp trên về hoàn cảnh của mình chứ!”. Khiêm đáp: “Nếu ai cũng xin về xuôi thì biên cương này bỏ cho ai? Tôi nghĩ đơn giản thế này, quá khứ hào hùng của lớp cha, anh đi trước là điểm tựa, là khích lệ lớp sau vững tâm bước tiếp, là tấm gương cho thế hệ sau soi vào đó phấn đấu, chứ không phải là cái ô, là bậc thang cho chúng tôi chui vào để tiến thân”. Đúng là Khiêm của tôi. Anh khiêm tốn mà vẫn tự hào. Người vùng cao thật khiêm tốn. Trước ngày lên đây, tôi được biết ngày 19/12/1979 cán bộ và chiến sĩ đồn biên phòng Sì Lờ Lầu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thế mà từ chiều qua đến nay tôi chưa hề nghe thấy ai trong đơn vị khoe điều đó. Cái duyên thầm lặn vào trong, hữu xạ tự nhiên hương. Người vùng cao là vậy. Người chiến sĩ biên phòng là vậy. Nắng lên, trời cao và sáng. Đây đó lấp lóa những vũng nước còn đọng lại sau trận mưa đêm qua. Từng đám cỏ mọc, tôi không biết tên, chĩa những chiếc lá nhọn hoắt ra tứ phía, vẻ đầy cảnh giác.

Chiều biên cương yên bình và tĩnh lặng, lòng tôi bỗng buồn man mác. Ban đầu tôi chưa hiểu vì sao bỗng dưng tôi buồn. Con đường trở về đồn biên phòng cũng gian nan không kém khi đi. Đứng giữa sân đồn biên phòng lộng gió, ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh và tự hào trên đỉnh cột, tôi mới hiểu nguyên nhân nỗi buồn của tôi. Tôi thở dài. Tôi ước ao. Giá như trên cực bắc Sì Lờ Lầu này người ta dựng một tấm bia khắc đầy đủ họ tên, cấp bậc, quê quán, ngày hy sinh, để ghi nhớ toàn bộ 30 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh trong cùng một ngày. Cái ngày đẫm máu của sự phản trắc. (Dù trước khi ngã xuống, các anh không ai nghĩ rằng tên tuổi của mình sẽ được thế hệ sau khắc vào bia đá, dựng tượng đài). Thì những người dân nơi đây, và cả những ai lên thăm Sì Lờ Lầu được thắp những nén hương thơm tưởng nhớ và tri ân những người con anh hùng, biết quý trọng từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong dòng chảy của thời gian và lịch sử, tôi bồi hồi muốn cất lên lời gọi: Cột mốc biên cương của tôi ơi! Tổ quốc thân thương của tôi ơi! Nghĩ đến chuyện chia xa nơi này thấy lòng mình se sắt. Ta có quyền tự hào về một vùng biên cương ổn định. Ta có quyền hy vọng khởi đầu một chặng đường mới với tầm thế cao hơn. Không phải đến bây giờ, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng có một niềm tin vững chắc vào con người, vào cột mốc biên cương.

Chia tay mà lòng vẫn còn dùng dằng ở lại. Ngày mai, tôi sẽ trở về nơi phố thị đông vui với gia đình đầm ấm. Tôi chịu ơn các anh, chịu ơn đồng bào các dân tộc vùng biên viễn âm thầm, lặng lẽ, đã vững tay súng bảo vệ cột mốc, xác định chủ quyền của Tổ quốc. Tổ quốc ta bắt đầu từ chỗ đứng của các anh. Để mùa xuân đến hẹn lại về trên từng con phố, trên từng nụ cười của mỗi chúng ta.

Sỹ Đoàn

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/to-quoc-noi-cot-moc-bien-cuong.html