Triển lãm những kiệt tác của danh họa Katsushika Hokusai

Các triển lãm tác phẩm của nghệ sĩ tranh phù thế lừng danh người Nhật Bản Hokusai luôn thu hút hàng nghìn khán giả tới thưởng ngoạn.

Ngày 12/8 tới đây, một triển lãm nghệ thuật đa giác quan đặc biệt về các kiệt tác của danh họa Katsushika Hokusai sẽ diễn ra tại TPHCM.

Katsushika Hokusai là nghệ sĩ tranh phù thế người Nhật Bản. Năm 2021 ông được tạp chí LIFE tôn vinh là 1 trong số 100 người trên thế giới để lại những thành tựu quan trọng nhất trong 1.000 năm qua.

 Tác phẩm "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa"

Tác phẩm "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa"

Nhắc đến Hokusai là nhắc đến bức tranh khắc gỗ tuyệt phẩm “The Great Wave off Kanagawa” (Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa) cũng như bộ tranh “Thirty Views of Mount Fuji” (Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ).

Những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Hokusai trở nên nổi tiếng không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Đây cũng là những tác phẩm đưa tranh phù thế (ukiyo-e hay còn gọi là tranh khắc gỗ Nhật Bản), vốn bị cho là tầm thường lên một tầm cao mới.

Những tác phẩm mộc bản của Hokusai thường có màu sắc độc đáo, đặc biệt là việc sử dụng màu xanh prussian (xanh phổ), một loại màu đắt đỏ có nguồn gốc từ phương Tây.

Không chỉ nghiên cứu màu sắc, Hokusai còn nghiên cứu và đưa những yếu tố đặc trưng của hội họa châu Âu như luật bố cục xa - gần, điểm tụ sáng - tối… vào tác phẩm của mình.

Trong suốt cuộc đời nghệ thuật 70 năm của mình, với dòng tranh phù thế, các sáng tác của Hokusai rất đa dạng thể loại và chủ để, từ tranh minh họa thơ văn, tranh về cuộc sống đời thường, dân dã đến những tác phẩm mang màu sắc ma quái trong bộ 100 câu chuyện về ma hay các tranh Shunga (Xuân họa).

 Tác phẩm “Câu cá bằng đuốc ở tỉnh Kai” (Fishing by Torchlight in Kai Province) trong series “One Thousand Images of the Sea”

Tác phẩm “Câu cá bằng đuốc ở tỉnh Kai” (Fishing by Torchlight in Kai Province) trong series “One Thousand Images of the Sea”

Ở thời kỳ sáng tác cuối cùng, Hokusai thường vẽ bằng bút lông về nhiều chủ đề gồm có Phật giáo, Trung Hoa xưa và thiên nhiên như phong cảnh, chim chóc, hay những bức tranh cuộn về chủ đề tiều phu, người đánh cá.

Hokusai còn được biết đến là “cha đẻ" của manga, người khởi nguồn nên làn sóng truyện tranh Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến văn hóa đại chúng trên toàn thế giới ngày nay.

Với việc xuất bản 15 tập chứa 4.000 hình vẽ được khắc và in trong khoảng 800 trang truyện từ năm 1814, Hokusai Manga là một trong những manga đầu tiên của nhân loại.

Với 7 thập kỷ đắm mình trong hội họa, Hokusai trở thành một trong những họa sĩ hàng đầu của Nhật Bản thời Mạc phủ Tokugawa. Ông là họa sĩ tuyệt vời nhất trong thời đại của ông, thậm chí là của cả thời Edo. Ông cũng là một trong những họa sĩ được săn đón nhiều nhất trong thời đại của mình và cho đến ngày nay.

Khi Nhật Bản mở cửa biên giới vào những năm 1850, châu Âu nhanh chóng đón nhận nghệ thuật Nhật Bản, đặc biệt là tác phẩm của Hokusai, những tác phẩm nghệ thuật của ông đã rơi vào tay một số nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng nhất trong lịch sử, bao gồm cả Claude Monet, người đã thu thập 23 bản in của nghệ sĩ Nhật Bản. .

 Bức tranh Kamakura no Gengoro bắt giữ Torinoumi Tasaburo

Bức tranh Kamakura no Gengoro bắt giữ Torinoumi Tasaburo

Ngày nay, các tác phẩm của Hokusai vẫn nằm trong những bộ sưu tập tư nhân và được có mức giá cao chót vót. Những triển lãm tác phẩm của ông vẫn thu hút hàng nghìn khán giả tới thưởng ngoạn.

Những tác phẩm của Hokusai vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật đương đại cũng như văn hóa đại chúng đương thời. Không hề nói quá khi cho rằng, Hokusai đã thay đổi nền hội họa của Nhật Bản và thế giới.

Katsushika Hokusai sinh ngày 30/10/1760 - một họa sĩ Nhật Bản chuyên vẽ về ukiyo-e và nhà in tranh nổi tiếng lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, thay đổi tên là thông lệ phổ biến của các nghệ sĩ Nhật Bản, thế nên Katsushika Hokusai đã có hơn 30 cái tên trong suốt sự nghiệp của mình vì ông luôn đổi bút danh mới sau vài năm hành nghề. Những tên của ông bao gồm Shunro, Sori, Kako, Taito, Gakyojin, Manji, và nổi tiếng nhất với tên Katsushika Hokusai - một cái tên mà ông đã giữ trong nửa thế kỷ. “Katsushika” đề cập đến một phần của Edo (tên cũ của Tokyo cho đến năm 1868) nơi ông sinh ra, trong khi “Hokusai” có nghĩa là “xưởng vẽ phía bắc”.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trien-lam-nhung-kiet-tac-cua-danh-hoa-katsushika-hokusai-post306098.html