Tổ quốc nơi đầu sóng!
Chưa đầy 2 ngày lênh đênh trên biển, vượt qua 318 hải lý, tàu KN490 đưa chúng tôi đến vùng biển của cụm đảo Song Tử Tây ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa!
Chuyến hải trình đặc biệt trước thềm năm mới 2023 đưa chúng tôi - những phóng viên khắp mọi miền đất nước theo các chuyến tàu cùng Đoàn công tác của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, đong đầy tình cảm yêu thương từ đất liền, chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, hoa, quà... mang đậm hương vị Tết cổ truyền đến với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa - vùng biển thiêng liêng, thân yêu của Tổ quốc!
HẢI TRÌNH RA TRƯỜNG SA
Phóng viên Báo Lâm Đồng được sắp xếp đi trên con tàu KN490 đến thăm các đảo phía Bắc của quần đảo Trường Sa, gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Len Đao, Cô Lin và Sinh Tồn. Chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng mà quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang phải gánh vác ở nơi đầu sóng giữa trùng khơi để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Biển Đông. Tàu KN490 khởi hành từ quân cảng Cam Ranh hướng lên phía Bắc đến đảo Song Tử Tây. Những chuyến tàu ra Trường Sa dịp này, mang theo rất nhiều hàng hóa; cùng gạo nếp, đậu xanh, nấm hương, mộc nhĩ, cây cảnh, hoa, quà, bánh mứt... cũng là tình cảm của Nhân dân trên đất liền, để Trường Sa gần hơn với đất liền, để CBCS và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa được hưởng không khí Tết cổ truyền như trên đất liền.
Chưa đầy 2 ngày lênh đênh trên biển, vượt qua 318 hải lý, tàu KN490 đưa chúng tôi đến vùng biển của cụm đảo Song Tử Tây ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa! Suốt 3 ngày neo đậu, đảo Song Tử Tây được nhìn thấy rất rõ, nhưng sóng to gió lớn, đội kiểm ngư ngày nào cũng chạy xuồng máy đi thăm dò, xem xét tình hình và đều xác định chưa thể tiếp cận đảo Song Tử Tây được. Đến ngày thứ 4, Trưởng Đoàn công tác là Thượng tá Phạm Văn Thọ - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, quyết định sẽ đưa CBCS và phóng viên trên tàu vào đảo Đá Nam (cách đảo Song Tử Tây 2,6 hải lý) trước.
Trong chuyến công tác của chúng tôi đến các điểm đảo, đảo Đá Nam (thuộc cụm đảo Song Tử Tây) cũng như đảo Cô Lin và Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) vốn là các rạn san hô (đảo chìm). Giữa trùng khơi, đảo Đá Nam chỉ là một căn nhà 3 tầng được xây dựng kiên cố. Sau này, chúng tôi biết được quy mô của các đảo chìm đều có cấu trúc như vậy... Đây là công trình nhà ở, cũng là nơi làm việc, phục vụ sinh hoạt, phục vụ chiến đấu của các CBCS. Tuy vậy, mỗi đảo đều có trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh; nước ngọt, điện năng lượng... đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Đời sống vật chất, tinh thần của CBCS trên đảo được cải thiện rất nhiều. Mỗi đảo đều có tủ sách, báo từ gần 1.000 đến hơn 2.500 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại. Các chiến sĩ có điều kiện trồng rau xanh trong nhà kính và chăn nuôi với nguồn giống và giá thể trồng rau được cung cấp từ đất liền. Ở mỗi đảo chìm, Đoàn công tác chỉ có 2 tiếng gặp gỡ, chúc Tết, trao quà, tiếp tế lương thực... nên các phóng viên phải tranh thủ từng phút tìm hiểu và ghi nhận cuộc sống của các CBCS trước khi quay trở lại tàu.
Ở đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn, Đoàn công tác có thời gian gần một ngày để hiểu và cảm nhận rõ hơn cuộc sống và công việc của CBCS và Nhân dân trên đảo. Song Tử Tây là một đảo nổi có diện tích gần 19 ha ở độ cao 4 m so với mực nước biển và là đảo có điểm nổi cao nhất ở quần đảo Trường Sa. Đảo Sinh Tồn có diện tích 13 ha, cách đất liền 320 hải lý...
Trên đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn đều có các ngọn hải đăng, chùa và trường học, giúp bảo đảm cho con em cư dân được học hành đúng độ tuổi, giúp tàu thuyền của ngư dân hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí một cách an toàn, giúp gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc...; đồng thời, cũng khẳng định một điều hiển nhiên “biển này là của ta, đảo này là của ta”, và hun đúc tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bảo vệ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc...
VỮNG VÀNG THẾ TRẬN GIỮA BIỂN KHƠI
Ở mỗi điểm đảo, đón chúng tôi cùng CBCS và Nhân dân là những loài cây đặc sản, như: phong ba, bàng vuông, bão táp, mù u, phi lao và dừa... cũng là loài cây vững vàng đón gió, đón nắng Trường Sa... Những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay mở rộng... hòa cùng không khí đón Tết sớm ở đảo xa. Trong phòng khách, mâm ngũ quả, bánh kẹo, hoa trái đủ đầy được đặt trang trọng trên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ gia tiên. Giữa hội trường có cây phong ba gắn hoa mai vàng rực rỡ, sum suê và đèn nhấp nháy được kết bằng vỏ sò, vỏ ốc; cùng phông đỏ, chữ vàng “Chúc mừng Năm mới!”... vừa tạo không khí Tết, vừa chào đón Đoàn công tác...
Những hộ dân sinh sống trên đảo cho biết: Ăn Tết ở Trường Sa có đầy đủ và vẫn giữ nguyên nét cổ truyền của dân tộc Việt Nam như ở trong đất liền. Mọi người đều bận rộn dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả, trang trí cây mai trước thềm nhà và nấu các món ăn truyền thống ngày Tết để tiếp khách là các CBCS trên đảo.
Tổ chức các hoạt động đón chào năm mới nhưng CBCS trên đảo luôn đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm chế độ canh gác và trực sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống để đất liền yên tâm vui Tết. Đó là lời tâm sự của Trung tá Lê Ngọc Nam - Phó Chính trị viên đảo Song Tử Tây... Trường Sa là vùng phên dậu tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi đón bình minh sớm nhất của Việt Nam và là nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đất liền. Tất cả những điều ấy đã và đang làm cho Tết ở Trường Sa ấm áp và trở nên đặc biệt để những người lính luôn vững chắc tay súng giữ gìn mùa xuân bình yên của Tổ quốc.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”! Lâu nay, các đảo đều là “điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, hỗ trợ nước ngọt, xăng dầu, khám, chữa bệnh cho ngư dân... Trên quần đảo Trường Sa có 10 bệnh xá, với hơn 100 y, bác sĩ quân y. Bệnh xá Quân dân y trên các xã đảo được đầu tư đồng bộ, được trang bị máy móc hiện đại, từ máy chụp X-quang, máy siêu âm, gây mê... cho đến hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa... Dù điều kiện nơi đảo xa khó khăn hơn trong đất liền, nhưng quân y trên đảo tự trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng, tâm huyết với nghề, làm chủ trang thiết bị y tế hiện đại, xử lý tốt các ca bệnh khó, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân là ngư dân.
Tàu ra là Trường Sa vào Tết” đó là câu ví von vui vẻ của CBCS và người dân trên đảo. Trường Sa đón Tết sớm hơn đất liền cũng là vì vậy!
Công tác cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân trên vùng biển quản lý luôn được CBCS huyện đảo Trường Sa thực hiện kịp thời, hiệu quả và đã góp phần tô thắm hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ - người chiến sỹ Hải quân” trong lòng Nhân dân. Cùng với Trạm xá Quân y và khu làng chài, thì âu tàu ở một số đảo trên quần đảo Trường Sa, có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, luôn là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Trung tâm dịch vụ Hậu cần kỹ thuật nghề cá ở quần đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, cung cấp dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền...
***
Trải lòng sau chuyến đi Trường Sa, Trưởng Đoàn công tác, Thượng tá Phạm Văn Thọ, chia sẻ, với các anh, hạnh phúc giản đơn là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đoàn công tác và bộ đội tại các điểm đảo. Công tác tổ chức được ví von như những người đưa đò, cho dù có bao nhiêu khó khăn, gặp bao sóng gió, bão giông và trải qua bao áp lực công việc... thì, mỗi lần đón Đoàn công tác và CBCS từ các đảo về tàu, từ tàu về đất liền an toàn là mỗi lần chỉ huy, CBCS trên tàu KN490 đều rất vui mừng.
Còn chúng tôi, trở về đất liền đều mang nỗi nhớ miên man như sóng biển về hình ảnh những người CBCS, những người dân trên quần đảo Trường Sa, nhớ những buổi chào cờ, nghe quân và dân hát Quốc ca bên cột mốc chủ quyền, và hô vang lời thề giữ bình yên biển, đảo, nhớ tiếng chuông chùa vọng về từ con sóng, nhớ giọng đồng dao của nhóm trẻ Trường Sa...
Trường Sa - hai tiếng thân thương và gần gũi, thiêng liêng và rất đỗi tự hào!
Xem link nguồn
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/to-quoc-noi-dau-song-post266073.html