Tổ quốc tháng ngày thép nở hoa
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Gia cố lại thành lũy - việc không thể chậm trễ hơn khi ở hai lĩnh vực trọng yếu, nơi vốn dĩ rất hiếm có 'lỗ thủng' là quân đội, ngoại giao, hàng loạt tướng lĩnh, cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam.
Nỗi đau “hậu chiến”
Bởi cơn quần thảo của đại dịch Covid-19, đất nước vừa bước qua những ngày khó khăn chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, với nhiều thời khắc gian nguy như thời chiến. Và điều đau đớn nhất vào lúc hậu chiến này, không chỉ là hàng vạn người dân đã bị tước đoạt sinh mạng, mà còn là bảng danh sách “sao rơi” dài dằng dặc.
Ngày 27/4/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ra sân bay tiễn đoàn cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ tại Liên Hợp quốc.
Liên quan đến vụ án kit xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, hồi tháng 3, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Học viện Quân y; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y.
Tiếp đó, đến đầu tháng 4, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.
Còn liên quan đến vụ án tham ô tài sản tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong tháng 4, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị…
Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân trồng trọt, xóa đói giảm nghèo.
Với ngành ngoại giao, trên những cánh bay vốn dĩ chất chứa đầy ý nghĩa nhân văn đưa đồng bào về nước tránh “bão” đại dịch, tội phạm cổ cồn xuất hiện ăn chặn ngay trên nước mắt và thậm chí là cả sinh mạng của họ. Thể hiện rõ sự không dung thứ, bất kể đó đã là ngày bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm dần, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng… Đến tháng 4, thêm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt.
Cuộc “gột rửa” quyết liệt
Chọn đúng thời điểm đất nước kỷ niệm gần nửa thế kỷ thống nhất non sông, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cho rằng “sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới”, theo Chủ tịch nước, “tình hình đòi hỏi chúng ta phải không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Tỏa sáng hình ảnh đất nước
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, không phải chỉ chăm chăm “đắp hào, xây thành”, mà còn phải thể hiện được trách nhiệm chung trước cộng đồng quốc tế.
Ngày 27/4/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, Thống lĩnh các Lực lượng vũ trang nhân dân - đã trực tiếp đến Lễ xuất quân Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Abyei và Nam Xu - đăng.
Theo người đứng đầu Nhà nước, trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với tinh thần "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập", bảo vệ hòa bình và thống nhất đất nước. Vì vậy, Việt Nam luôn trân trọng và hiểu rõ giá trị của hòa bình đối với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, sự phát triển của đất nước cũng như hiểu rõ giá trị của hòa bình thế giới.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc trong hơn 8 năm qua. Tinh thần cống hiến, làm việc trách nhiệm, tận tụy của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam càng tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, vì cộng đồng nhân loại thịnh vượng và phát triển.
So với 10 năm trước đây, có thể nhìn ra ngay một trong những thách thức tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đó là sự chuệch choạc của một số tướng lĩnh quân đội khi bập vào lĩnh vực kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, quân đội thực hiện chức năng là đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Ở những khu vực khó khăn nhất, các đoàn kinh tế - quốc phòng là lực lượng chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng trong khi ở nơi xa xôi, quân đội tạo ra được những hình ảnh rất đẹp thì ở nơi phồn hoa, sức cám dỗ của đồng tiền đã khiến không ít tướng “rơi sao”. Một cuộc “gột rửa” để trả lại sự trong sạch trong lực lượng này đang diễn ra với mức độ sâu rộng và quyết liệt nhất từ trước đến nay. Có được tinh thần quyết liệt chưa từng có này, cũng phải kể đến sự kiện lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên, Bộ Quốc phòng có hai Đại tướng đều là Ủy viên Bộ Chính trị là Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chuyện cổ tích có thật
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 -1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một câu chuyện cổ tích có thật mang tên “thép nở hoa”.
Nửa thế kỷ trước, Quảng Trị trở thành giới tuyến, gồng mình gánh chịu mưa bom lửa đạn vô cùng ác liệt. Chỉ riêng ở thị xã và Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, với diện tích chưa đầy 3 km2 mà phải oằn mình hứng 328 nghìn tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945.
Nhưng đến với Quảng Trị hôm nay, 50 năm sau ngày giải phóng đã thấy được sự hồi sinh thật khó hình dung từ một vùng đất bom cày đạn xới, cả diện mạo kinh tế và đời sống xã hội tỉnh Quảng Trị không ngừng phát triển, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới. Người đứng đầu Nhà nước khẳng định: “Quảng Trị đã viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “thép nở hoa””.
Chuyện cổ tích “thép nở hoa” không chỉ là câu chuyện riêng ở Quảng Trị, mà ở khắp dọc dài mảnh đất xinh đẹp hình chữ S, nơi vừa trải qua một năm đầy đau đớn, mất mát vì đại dịch Covid-19, đâu đâu cũng thấy hình ảnh “thép nở hoa”. Như ở nơi từng tang tóc nhất cả nước vì dịch bệnh là TP. Hồ Chí Minh, khi tiếp xúc cử tri nơi đây vào những ngày vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông thấy rất cảm động khi được chứng kiến niềm tin yêu của người dân với Đảng và Nhà nước vẫn vẹn nguyên và TP. Hồ Chí Minh vẫn một ý chí quyết là số 1, tiếp tục là đầu tàu kéo cả nền kinh tế về phía trước.
“Thép nở hoa” còn nhìn thấy ở cuộc đua song hành cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế, là sự nghiệp diệt trừ “sâu mọt” với ý chí sắt đá chưa từng có. Diệt trừ “sâu mọt” không chỉ gia cố thành lũy bảo vệ Tổ quốc mà còn thiết lập lại sự công bằng cho toàn dân. Chất “thép” trong quản lý điều hành của Nhà nước để đảm bảo kỷ cương, liêm chính, sự phát triển vững bền, đã mang đến những tháng ngày Tổ quốc nở hoa.