Tơ sen Việt Nam gây chú ý trên báo Mỹ
Tơ sen là một trong những loại vải hiếm nhất thế giới và Việt Nam là một trong số ít nước tạo ra sản phẩm may mặc từ tơ sen. Báo Business Insider đã có video về việc làm tơ sen tại Việt Nam.
Chỉ có một số thợ thủ công lành nghề trên thế giới tạo ra loại sợi tự nhiên này vì công việc không dễ dàng. Để lấy đủ tơ sen cho một chiếc khăn có thể mất tới 2 tháng và thành phẩm cuối cùng có thể đắt gấp 10 lần lụa thông thường. Vậy tơ sen được làm như thế nào và điều gì khiến nó đắt đến vậy?
Gia đình bà Phan Thị Thuận làm lụa từ bao đời nay. Họ nuôi trồng và thu hoạch những sợ tơ tằm để tạo ra những sản phẩm may mặc sang trọng. Những con tằm được để trong những khay lớn và cần cho ăn lá dâu suốt ngày.
Những con sâu tằm tạo ra sợi để làm kén và hàng trăm con mới tạo ra 1kg tơ. Mặc dù cần được chăm sóc cẩn thận nhưng chúng tự làm hầu hết các công việc khó khăn.
Trong khi đó con người phải tự tay lấy phần tơ sen trong thân cây. Mỗi thân cây có một lượng nhỏ các sợi mảnh và được cuộn lại với nhau và sấy khô. Sau đó tơ sen được cân cẩn thận, được đan bằng tay một cách tinh vi và đưa vào khung dệt. Mặc dù những sợi tơ rất mong manh nhưng khi được dệt, sản phẩm có được bền như lụa truyền thống.
Tơ sen cần được xử lý trong vòng 24 giờ khi chúng còn ẩm ướt nếu không sẽ bị đứt. Vì vậy việc thu hoạch sen phải được thực hiện mỗi ngày trong khi cây sen cho thu hoạch trong khoảng tháng 4 đến tháng 10.
Hoa sen được xem là quốc hoa của Việt Nam và là loài thực vật được trồng trên khắp cả nước. Bà Phan Thị Thuận là người bắt đầu làm tơ sen từ năm 2017.
Có 20 công nhân tạo ra tơ sen mỗi ngày tại đây, cho phép họ sản xuất từ 10 đến 20 chiếc khăn mỗi tháng. Mỗi chiếc khăn dài 25cm có thể bán với giá hơn 200 USD. Sản phẩm thu được rất đặc biệt, nó mềm như lụa, thoáng khí như vải lanh và hơi co giãn.
Những đặc điểm trên đã khiến tơ sen trở nên phổ biến với khách du lịch mong có những món quà lưu niệm quý hiếm. Gần đây các thương hiệu thời trang quốc tế cũng săn tìm các loại sợ xa xỉ mới.
Tuy nhiên, quy mô ngành này còn hạn chế vì còn ít người được đào tạo về cách làm những sợi tơ sen. Bà Phan Thị Thuận vẫn hy vọng một ngày nào đó, kỹ năng nghề làm tơ sen có thể trở thành một ngành lớn hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/to-sen-viet-nam-gay-chu-y-tren-bao-my-AG9DB0eMR.html