Tô thắm tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào
Ngày 13.4, tại Sơn La, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào 1953. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm'.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn; Chính ủy Quân khu 2, Trung tướng Phạm Đức Duyên; Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Phạm Hồng Chương; Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang...
Việt Nam - Lào luôn kề vai sát cánh
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên đứng thứ 3 cả nước, đường biên giới tiếp giáp hai tỉnh Houaphanh và Louangphabang nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng sinh sống; tỉnh có 11 huyện, 1 thành phố. Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, đặc biệt là quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được duy trì và phát triển. Công tác xây dựng đảng và củng cố hệ thống chính trị được tăng cường.
Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng chiến đấu chống kẻ thù chung để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Chiến dịch Thượng Lào 1953 là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Thắng lợi của chiến dịch thể hiện tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa quân và dân hai nước, có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình phát triển cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả Việt Nam và Lào; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý được vận dụng trong các chiến dịch tiếp theo cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam và Lào hiện nay.
“Chiến dịch Thượng Lào đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giữ gìn, dày công vun đắp và phát triển toàn diện đến hôm nay”, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh.
Chiến thắng Thượng Lào 1953 là mốc son lịch sử
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh bày tỏ, cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Thượng Lào 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi.
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào. Kết quả của cuộc Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với phương châm “giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại, truyền thống đoàn kết chân thành, hữu nghị, thủy chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; củng cố, phát triển mạnh mẽ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới. Đồng thời, thông qua Hội thảo, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
“Chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Kết quả Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau… Những bài học, kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới”.Thượng tướng Nguyễn Huy Vịnh nhấn mạnh.
Góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử
Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, sự thành công của Hội thảo được thể hiện rõ trong Báo cáo Tổng thuật tham luận đã được trình bày tại Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề:
Một là, hội thảo tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Bộ Chỉ huy chiến dịch và chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch. Đó là nhân tố tiên quyết để quân và dân hai nước Việt Nam, Lào vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm tốt công tác chuẩn bị, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời nắm bắt tình hình chiến trường, làm nên Chiến thắng Thượng Lào 1953.
Hai là, thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 thể hiện tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào; mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước, buộc lực lượng cơ động của Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương phải bị động đối phó, làm phá sản kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của Pháp. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ Chiến thắng Thượng Lào 1953 vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào hiện nay.
Ba là, với quan điểm khách quan, khoa học, các tham luận đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về Chiến thắng Thượng Lào 1953; có những nhìn nhận, phân tích đánh giá, tôn vinh giá trị của thắng lợi lịch sử này. Sau Hội thảo, rất mong các đồng chí tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới Chiến thắng Thượng Lào 1953 để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm về một sự kiện lịch sử quan trọng này.
Bốn là, các tham luận khoa học gửi về tham gia Hội thảo đã được tổng hợp, xuất bản thành sách. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục có giá trị về lịch sử chiến tranh. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoàiQuân đội cần tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị mình.
Năm là, về nội dung và kết quả của Hội thảo hôm nay, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, Quân đội và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước, kể cả quân và dân nước bạn Lào, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Thượng Lào 1953. Qua đó, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị lịch sử của Chiến thắng Thượng Lào 1953.