Tô thêm vẻ đẹp thanh lịch của phụ nữ Hà thành
Ứng xử thanh lịch, văn minh vốn được coi là nét đẹp của người Hà Nội, là giá trị quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cơn bão số 3 đi qua đã để lại nhiều thiệt hại về người và của, nhưng trong khó khăn cũng là lúc xuất hiện những câu chuyện đẹp về tình người. Trong đó, không thể không kể tới lực lượng phụ nữ Thủ đô với tinh thần 'tương thân, tương ái' và trách nhiệm với cộng đồng.
Những ngày qua, hình ảnh một cụ bà đội khăn mỏ quạ ở huyện Quốc Oai đẩy chiếc xe chất đầy cỏ rác trong ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường sau bão không khỏi khiến nhiều người xúc động. Rồi hình ảnh những người phụ nữ ngâm mình dưới đồng lúa ngập úng để hỗ trợ bà con gặt lúa sớm, hay các bà, các mẹ vác những bao tải cát to, nặng để đắp đê canh lũ,… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng.
Tại quận Đống Đa, phụ nữ tích cực phối hợp cùng các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đưa người dân từ các tập thể cao tầng có nguy cơ sập đổ về nơi tránh trú an toàn; tham gia công tác hậu cần trong bão, đặc biệt là kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân đang phải di dời tránh bão.
Với quận Hoàng Mai, phụ nữ tích cực tham gia công tác phòng chống bão; thăm hỏi gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng do bão, đặc biệt cử cán bộ, hội viên tham gia công tác hậu cần, nấu, hỗ trợ bữa ăn, tiếp tế lương thực... cho các hộ dân phải di dời do bão và hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trực chốt.
Hay tại huyện Đông Anh, phụ nữ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trên địa bàn đang thực hiện mô hình chăn nuôi trên đất nông nghiệp di chuyển người về khu dân cư, hỗ trợ người dân rào chắn chuồng trại. Rà soát các trường hợp phụ nữ neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nhập cư, nữ công nhân làm thuê tại các công trình, dự án trên địa bàn... để sẵn sàng phương án hỗ trợ.
Còn tại quận Tây Hồ, Hội Phụ nữ từ quận tới cơ sở đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Thành phố và quận, thường xuyên tuyên truyền tới hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn về công tác phòng tránh bão lũ. Trước khi bão số 3 đến Hà Nội, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã tham gia vận động các hộ dân cư trú tại khu tập thể, nhà nguy hiểm (phường Thụy Khuê, Tứ Liên... và các hộ sống trên thuyền tại phường Phú Thượng) về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời hỗ trợ các hộ dân các bữa ăn và vật dụng cần thiết.
Ngay sau bão, hàng nghìn phụ nữ trên khắp Thủ đô đã ra quân tổng vệ sinh môi trường. Có lẽ, những hình ảnh trong cơn bão và sau cơn bão đều gắn với bóng dáng của phụ nữ, khiến ai ai cũng có cảm giác như những nơi khó khăn đều là “mặt trận” của họ.
Cơn bão số 3 ập đến, để lại những dư chấn, mất mát, đau thương về người, tài sản cho đất nước ta nhưng cũng đọng lại những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết, lòng nhân ái, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp đã có từ lâu của dân tộc ta và đang được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong các cấp hội phụ nữ của Thành phố. Từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến cơn bão số 3, chúng ta chứng kiến phụ nữ Thủ đô kiên cường chống dịch, chống bão, hỗ trợ nhân dân “giải cứu” rau màu, khôi phục đồng ruộng, kinh tế, đùm bọc những mất mát đau thương…
Không chỉ có hành động đẹp trong khó khăn, thiên tai, mà hàng ngày, phụ nữ Thủ đô luôn ứng xử đẹp. Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” đã được nhân rộng, có sức lan tỏa cao, tạo nên những chuyển biến tích cực trong cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh.
Như mô hình “Đường hoa phụ nữ tự quản góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và nhân dân tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các mô hình phụ nữ tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tiếp tục được nhân rộng. Và cũng chính phụ nữ bảo vệ môi trường bằng mô hình “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Tổ ngành hàng nói không với túi nilon” và mô hình “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”.
Để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, các cấp hội phụ nữ Thủ đô tiếp tục duy trì nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ gắn với loại hình nghệ thuật truyền thống như: Câu lạc bộ Chèo ở huyện Phú Xuyên, quận Long Biên, quận Tây Hồ; Câu lạc bộ Ca trù ở huyện Quốc Oai; Câu lạc bộ Cồng chiêng ở huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì...
Các cấp hội còn thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa địa phương như Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch “Gia Lâm trong tôi”; các “Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền về Quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử”; “Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích” tại quận Ba Đình… thu hút nhiều hội viên trẻ tham gia, góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa truyền thống, biến giá trị văn hóa thành động lực cho phát triển du lịch, văn hóa của địa phương.
Các mô hình phụ nữ ứng xử đẹp trong gia đình và cộng đồng cũng phát huy tối đa hiệu quả. Và trong cơn bão vừa qua, là minh chứng sống động cho tính hiệu quả, thiết thực và sức lan tỏa của phong cách “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, góp phần mang đến những điểm sáng cho công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội Thanh lịch, văn minh.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/to-them-ve-dep-thanh-lich-cua-phu-nu-ha-thanh-177664.html