Tổ trưởng dân phố cần mẫn, khéo hòa giải

Không chỉ là một tổ trưởng tổ dân phố mẫn cán, bà Lê Thị Sáu (SN 1953) còn là thành viên tích cực trong tổ hòa giải. Bằng tinh thần trách nhiệm và sự khéo léo của mình, bà đã cùng với các thành viên trong tổ hòa giải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong tổ dân phố.

Bà Lê Thị Sáu (thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên trong tổ hòa giải của tổ dân phố 10, phường Giang Biên đã hòa giải thành nhiều vụ việc mâu thuẫn góp phần mang lại niềm vui và gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi đây. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Sáu (thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên trong tổ hòa giải của tổ dân phố 10, phường Giang Biên đã hòa giải thành nhiều vụ việc mâu thuẫn góp phần mang lại niềm vui và gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi đây. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Sáu sinh ra tại thành phố Hải Phòng. Từ năm 2013, bà chuyển về sống tại tổ 10 phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Với lối sống hòa nhã, giản dị, bà luôn được mọi người tin yêu, quý trọng. Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, bà Sáu là Tổ phó tổ dân phố, Chi hội trưởng hội Người cao tuổi. Từ tháng 7/2020 đến nay, bà là Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Giang Biên.

Với cương vị là Tổ trưởng tổ dân phố, thực hiện Chương trình 02-CT/QU ngày 15/10/2020 của UBNQ quận Long Biên về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn quận, bà Sáu đã cùng Ban lãnh đạo và các chi hội đoàn thể của tổ dân phố số 10 bàn bạc và đưa ra phương thức là kêu gọi quyên góp đối với 296 hộ dân trên địa bàn tổ để làm sân chơi cho trẻ em. Bà cùng Ban lãnh đạo tổ dân phố và các chi hội đoàn thể đi đầu gương mẫu trong việc ủng hộ, sau 3 tháng phát động, đến tháng 10/2022, tổ dân phố số 10 đã thu được 108.540.000 đồng. Tổ dân phố đã mua 2 lư hương hóa vàng đặt tại khu đất trống nhà K16. Sau bao nỗ lực của bà Sáu cùng ban lãnh đạo tổ dân phố, năm 2022, khu nhà vui chơi cho trẻ em đã đi vào hoạt động.

“Điểm vui chơi của tổ dân phố luôn thu hút được đông đảo trẻ em trên địa bàn tổ cũng như các khu nhà chung cư của các tổ khác đến chơi. Điều này khiến cho cho Ban lãnh đạo tổ dân phố vô cùng hạnh phúc”, bà Sáu chia sẻ.

Với tư cách là thành viên tổ hòa giải, lại là phụ nữ nên trong các vụ việc mâu thuẫn, nhất là xích mích trong gia đình, với sự nhẹ nhàng, ôn hòa và kiên nhẫn, bà Sáu luôn có ưu thế là người gần gũi, nắm bắt rõ đời sống của người dân trong khu vực, từ đó tìm ra nguyên nhân, phương hướng giải quyết thích hợp.

Hiểu rõ điều đó, để công việc hòa giải có hiệu quả thường ngày bà Sáu luôn quan tâm, thăm hỏi, đi lại trò chuyện nhiều với mọi người, biết được tâm tư, tính cách, thói quen của các hộ gia đình trong tổ, và từ những chuyện nhỏ chuyện to trong làng, ngoài ngõ mỗi khi có chuyện cần hòa giải giúp bà chủ động hơn, có rất nhiều mâu thuẫn được bà cùng tổ hòa giải thành công ngay tại cơ sở.

Bà Sáu chia sẻ: “Làm công tác hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình, quan tâm chia sẻ, khi thì lựa chuyện hỏi han người này khi tâm sự với người kia để các bên cùng lắng nghe thấu hiểu dần dần hóa giải được mâu thuẫn”.

Theo bà Sáu, trong khi thực hiện hòa giải bà luôn khách quan, công minh, giải quyết và kết luận vấn đề khách quan công bằng không thiên vị và không áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào việc hòa giải tranh chấp.

Trong suốt thời gian tham gia công tác hòa giải, bà Sáu đã hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn nhưng nhiều nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai giữa anh em, mâu thẫn mẹ chồng nàng dâu, giữa vợ, chồng, các chị em dâu rồi hàng xóm láng riềng mâu thuẫn xích mích nhau…

“Sau mỗi lần hòa giải thành vụ việc mâu thuẫn, tôi lại tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm. Tôi không ngừng học hỏi và luôn nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn để trau rồi kiến thức, hiểu biết về pháp luật cũng như trong văn hóa giao tiếp ứng sử để phục vụ tốt hơn cho công việc hòa giải của mình”, bà Sáu tâm niệm.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-truong-dan-pho-can-man-kheo-hoa-giai-323496.html