Tổ vận động xóa bỏ hủ tục 'chìa khóa' mở cửa lòng dân: Kỳ cuối: Khi lòng dân đồng thuận

Xác định thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào người Mông không phải việc có thể làm ngay, nên đưa Nghị quyết 27 “thấm” vào đời sống, Mèo Vạc lấy Tổ vận động làm “mũi tiến công” cùng với các lực lượng vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm để thiết lập nên “thế trận” đẩy lùi hủ tục, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân.

Kết tinh từ sức mạnh tổng hợp

Chuyện thay đổi nhận thức, đánh bật tư duy cổ hủ, lạc hậu đã bám sâu trong đời sống đồng bào người Mông tưởng chừng khó thực hiện nhưng bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với “mũi nhọn” Tổ vận động đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống đã đặt nền móng cho nếp sống văn minh ở Mèo Vạc.

Người dân xã Pả Vi (Mèo Vạc) giúp nhau xóa nhà tạm.

Người dân xã Pả Vi (Mèo Vạc) giúp nhau xóa nhà tạm.

Những ngày đầu Đông, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc với hàng trăm nóc nhà ẩn hiện trong sương sớm. Bao đời nay người Mông nơi đây chưa một lần đưa người chết vào áo quan khi tổ chức đám tang, mà chỉ làm theo phong tục truyền thống là quấn vải lanh, phơi nắng và treo xác trong nhà. Khi được Tổ vận động phân tích rõ những cái xấu, cái đẹp, ông Sùng Sáy Nô, trưởng dòng họ Sùng người Mông trong thôn tiên phong đi đầu, trở thành người duy nhất dám đối đầu với cả dòng họ để quyết tâm xóa bỏ hủ tục.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Nô kể lại: “Năm 2023, anh trai mất, tôi quyết định đưa thi thể anh vào áo quan trước khi cử hành tang lễ theo tinh thần Nghị quyết 27. Điều này khiến cả dòng họ không ai chịu nghe, ngay cả các con của anh và con tôi cũng phản đối kịch liệt, thậm chí còn chửi tôi trước cả dòng họ. Bởi mọi người ai cũng sợ thay đổi phong tục sẽ gây họa cho các gia đình. Khi mời thầy cúng về còn nói làm như vậy thì nửa năm sau tôi sẽ chết, nhưng tôi cương quyết làm, nếu ai không nghe theo thì một mình tôi sẽ bỏ tiền để làm đám tang cho anh trai, mọi người chỉ cần đứng ngoài giúp đón tiếp khách đến phúng viếng. Tôi cũng kiên quyết không nhận lễ viếng và không cho mổ nhiều gia súc. Tôi tuyên bố trước cả dòng họ, nếu xảy ra chuyện gì, mọi trách nhiệm tôi sẽ chịu. Thế mà đến nay đã gần 2 năm anh trai qua đời, cả gia đình tôi vẫn bình an, chẳng làm sao cả!”.

Với đặc thù là địa phương duy nhất của tỉnh tiếp giáp với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) nên để tuyên truyền đồng bào dân tộc Mông xóa bỏ hủ tục, Mèo Vạc xác định lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng với Tổ vận động là “mắt xích” quan trọng. Do đó, những chiến sỹ mang “quân hàm xanh” trở thành thành viên cốt cán trong Tổ vận động xóa bỏ hủ tục trên biên giới. Song song với phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ BĐBP tỉnh tăng cường tại 3 xã biên giới, các đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản, đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ dân ở khu vực biên giới tích cực phối hợp với các Tổ vận động thôn, bản tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân.

Quá trình tuyên truyền được lực lượng BĐBP cùng với Tổ vận động thực hiện thường xuyên, liên tục theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phát huy vai trò Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín, trưởng dòng họ trong công tác vận động Nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục đã giúp đồng bào Mông khu vực biên giới dần thay đổi thói quen, tư duy, ý thức trong đời sống sinh hoạt, không tổ chức cúng bái nhiều khi có người nhà mắc bệnh; hạn chế nạn tự tử trong Nhân dân do tiêu cực cá nhân, mâu thuẫn gia đình. Các xã biên giới của huyện đều xây dựng các mô hình điểm “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”.

Trung tá Giàng Mí Dũng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái (Mèo Vạc) cho biết: “Cùng với Tổ vận động ở các thôn, bản, lực lượng BĐBP đổi mới cách thức tuyên tuyền tới người dân, linh hoạt tuyên tuyền tại các phiên chợ, trường học, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng; tham mưu để cán bộ, đảng viên và Nhân dân ký cam kết thực hiện các nội dung xóa bỏ hủ tục”.

Hủ tục dần được đẩy lùi, người dân huyện Mèo Vạc đầu tư chăn nuôi, xây dựng cuộc sống ấm no.

Hủ tục dần được đẩy lùi, người dân huyện Mèo Vạc đầu tư chăn nuôi, xây dựng cuộc sống ấm no.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, các Tổ vận động xóa bỏ hủ tục ở Mèo Vạc vận động 318/507 đám tang tổ chức không quá 48 tiếng, 369/507 đám tang giết mổ 1 con gia súc, 37/507 đám không giết mổ gia súc; vận động, giải tán thành công 158/163 trường hợp tảo hôn. Thực hiện đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật được 629 cặp; tổ chức đám cưới văn minh được 131 cặp; 100% các đám cưới không thách cưới trên 35 triệu đồng và chỉ tổ chức 1 ngày; thực hiện đúng nội quy hương ước của thôn, tổ dân phố về thực hiện nếp sống văn minh.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trên địa bàn huyện Mèo Vạc có 24 trường hợp tảo hôn. Sau khi cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, nhất là Tổ trưởng Tổ vận động đã trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền vận động, giải tán thành công 100% các trường hợp tảo hôn; toàn huyện không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2024, Ban chỉ đạo các xã, thị trấn và Tổ vận động thôn, tổ dân phố kịp thời tuyên truyền vận động gia đình, dòng họ khi có người chết tổ chức ăn uống hợp vệ sinh, không uống nhiều rượu, không giết mổ nhiều gia súc tránh lãng phí; vận động 74 đám tang là người dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan. Tuyên truyền, vận động 129 hộ dân và 45 gia đình là lãnh đạo thực hiện công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường và làm chuồng trại vệ sinh; cải tạo, di dời 127 chuồng trại gia súc ra xa nhà ở; làm mới 314 nhà tắm; cải tạo, làm mới 319 nhà vệ sinh.

Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị thông qua tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho người dân và chính sách dân số nên chuyện ốm đau không đến khám bệnh tại cơ sở y tế gần như không còn. Năm 2024, Mèo Vạc vận động được 2.711 lượt cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh con không sinh con thứ 3 trở lên; trên 55 nghìn lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh; trên địa bàn huyện không còn tình trạng chữa bệnh bằng hình thức mê tín, dị đoan. 53/53 đơn vị trường học đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy; duy trì 28 lớp xóa mù chữ gồm 508 học viên; tuyên truyền, vận động học sinh đến trường đảm bảo sĩ số; mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống như: Đàn tính, hát Then; múa kiếm, thổi khèn, múa khèn Mông. Đặc biệt, kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng cho dòng họ và gia đình thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi làm lễ tang. Các chi, đảng bộ xử lý 45 cán bộ, đảng viên vi phạm Nghị quyết 27 trong lĩnh vực tang ma và chính sách dân số.

Kinh nghiệm quý để phát triển bền vững

Việc thay đổi được nhận thức của đồng bào Mông ở Mèo Vạc trong việc cưới, việc tang được ví như cuộc “cách mạng” đặt nền móng cho phát triển bền vững tại địa phương, giúp cuộc sống người dân ngày một ấm no; đói, nghèo dần giảm bớt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đưa ra được giải pháp để quyết liệt xử lý các vấn đề còn tồn tại; phương pháp, cách thức thực hiện Nghị quyết 27 chưa rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với từng địa bàn.

Xuất phát từ vốn nhận thức của nhiều đồng bào dân tộc Mông còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất nhận thức, trong khi đó các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn chưa đủ mạnh; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chưa phát huy tốt vai trò phối hợp, thống nhất hành động với Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong việc xây dựng, thống nhất nội dung xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Cá biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thuyết phục được gia đình, dòng họ gương mẫu xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động và thực hiện của người dân ở cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú cho biết: Để khắc phục hạn chế, thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện Nghị quyết 27, Mèo Vạc xác định tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “lấy xây để chống” với quyết tâm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng, thầy khèn; bởi đây đều là những nhân tố đóng vai trò quyết định tạo ra sự thay đổi trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27.

Qua quá trình đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, kinh nghiệm quý được địa phương rút ra đó là các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về việc bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, xác định nhiệm vụ trọng tâm và bố trí lực lượng để tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; phát huy tối đa vai trò của các trưởng dòng họ, người có uy tín, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Xây dựng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiên phong, đi đầu, gắn đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên với trách nhiệm nêu gương bài trừ hủ tục.

“Chìa khóa” mở cửa lòng dân không thể không nói đến các chi bộ ở cơ sở, nhất là bí thư chi bộ làm Tổ trưởng Tổ vận động nên cần xác định việc xóa bỏ hủ tục là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các chi bộ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ chi ủy các chi bộ để lãnh đạo nhiệm vụ đạt hiệu quả. Phương thức tuyên truyền, vận động, chủ thể tiến hành vận động phải phù hợp với từng đối tượng. Lồng ghép các nguồn lực, nhất là gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia để giúp người dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những Tổ vận động, cá nhân cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền, vận động gia đình dòng họ thực hiện tốt công xóa bỏ hủ tục, đặc biệt là cải tiến đám tang; có hình thức kỷ luật, phê bình đối với những cán bộ, đảng viên không chấp hành xóa bỏ hủ tục theo tinh thần Nghị quyết 27.

Theo ông Sùng Sáy Nô, trưởng dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc chia sẻ thêm: “Theo phong tục người Mông, người có tiếng nói, quyết định giết mổ nhiều gia súc và đưa người chết vào áo quan hay không do người trưởng họ và thầy khèn quyết định. Từ thực tiễn của gia đình tôi cho thấy, cần phải tập trung tuyên truyền, vận động và có cơ chế khuyến khích hai người này hưởng ứng, làm theo, nhất là thầy khèn và nêu cao vai trò của lực lượng Công an thì sẽ giải quyết triệt để những hủ tục còn tồn tại trong tang lễ của người Mông”.

Cuộc sống ấm no hôm nay đang hiện hữu khắp bản làng người Mông ở Mèo Vạc khi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu dần được đẩy lùi. Kết tinh thành quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xóa bỏ hủ tục đang đặt nền móng để Mèo Vạc vững tin mục tiêu phát triển bền vững nơi “phên dậu” của Tổ quốc.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202412/to-van-dong-xoa-bo-hu-tuc-chia-khoa-mo-cua-long-dan-ky-cuoi-khi-long-dan-dong-thuan-b98398d/