Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện hiệu quả công tác dân vận
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo tòa án, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' tại Tòa án nhân dân tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Sau khi tiếp thu Chỉ thị 16-CT/ TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 28/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Tòa án nhân dân tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện đến các chi bộ trực thuộc. Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Đảng ủy thường xuyên lồng ghép tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận đến từng đảng viên; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, tổ chức đoàn thể trong từng đơn vị phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận.
Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức và người lao động hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, Đảng bộ Tòa án nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều mô hình giúp hòa giải hiệu quả.
Cùng với “Vận động các đương sự nêu cao thiện chí hòa giải trong các vụ án tranh chấp đất đai” của Chi bộ Tòa Dân sự còn có nhiều mô hình tiêu biểu như: “Tăng cường hòa giải đối thoại tại tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại” của Chi bộ Văn phòng; “Tăng cường đối thoại trong giải quyết án hành chính” của Chi bộ Tòa Hình sự - Hành chính... Mỗi mô hình có những cách thức triển khai riêng để phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị nhưng đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2022, Tòa án tỉnh thụ lý và giải quyết: 105/114 vụ, việc dân sự; đạt 92,1%, thụ lý tăng 54 vụ so với năm 2021 (dân sự sơ thẩm: 54/63 vụ; dân sự phúc thẩm: 51/51 vụ). Hòa giải thành công 7 vụ, việc. Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận được 967 vụ, việc, đơn khiếu kiện theo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án. Đã chuyển sang hòa giải, đối thoại 577 trường hợp (trong đó: tòa án cấp tỉnh 4 vụ việc; tòa án cấp huyện 573 trường hợp. Tổng số vụ hòa giải, đối thoại thành công 418 vụ, việc, chiếm 72% (trong đó: tòa án cấp tỉnh 1 vụ, tòa án cấp huyện 417 vụ). Tòa án tỉnh thụ lý và giải quyết 54/56 vụ hình sự - hành chính, đạt tỉ lệ 96,4 %.
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Thiết Hùng cho biết: “Trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, Thẩm phán luôn nêu cao tinh thần kiên trì, gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan, dành thời gian phù hợp cho các bên đương sự trình bày rõ quan điểm của mình, giải thích vụ việc tranh chấp một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các bên đương sự thương lượng, tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng nhằm giải quyết vụ án.
Trong thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tăng cường chú trọng hơn nữa công tác hòa giải, đối thoại nhằm tăng tỉ lệ hòa giải, đối thoại thành công, đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng công tác và kết quả thi đua của các thẩm phán, thư ký”.
Trong 6 tháng đầu năm thi đua 2023, các thẩm phán Tòa án tỉnh Quảng Trị đã hòa giải thành hơn chục vụ án dân sự tranh chấp đất đai, chia tài sản chung và di sản thừa kế phức tạp. Sau hòa giải các đương sự đã giải quyết được mâu thuẫn, điều đặc biệt là đã ngăn chặn từ xa những khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tạo niềm tin người dân vào hoạt động xét xử của tòa án.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với ngành tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và “Người cán bộ tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”. Mỗi cán bộ, Thẩm phán, Thư ký tòa án không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, trăn trở, nghiên cứu để tìm ra cách hòa giải thấu tình đạt lý để hạn chế xét xử. Từ đó đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết án, thực hiện tốt phong trào “dân vận khéo” trong xét xử tại tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị.