Tòa án Nhân dân tối cao và Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 – 2028

Ngày 23.6, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028.

Dự và chủ trì Lễ ký kết, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Tăng cường phối hợp, thực hiện tốt nhiệm chức năng, nhiệm vụ

Phát biểu tại Lễ ký kết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ vô cùng quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn và cũng là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nói chung, người lao động, người sử dụng lao động nói riêng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Châm

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Châm

Hiện nay, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội… là những văn bản pháp lý quan trọng được áp dụng trong quá trình xử lý tranh chấp lao động giữa các chủ thể; khẳng định vai trò của tổ chức đại diện tập thể lao động trong quan hệ tố tụng lao động. Do đó, Chánh án TAND Tối cáo Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh các đơn vị của Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAND tối cao thời gian qua đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng Chương trình phối hợp giữa hai bên giai đoạn 2023 - 2028.

“Chương trình phối hợp này chính là kết quả của việc củng cố, tăng cường phối hợp giữa TAND tối cao và Tổng LĐLĐ Việt Nam, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Toàn cảnh Lễ ký kết Chương trình phối hợp. Ảnh: Ngọc Châm

Toàn cảnh Lễ ký kết Chương trình phối hợp. Ảnh: Ngọc Châm

Sau lễ ký kết, Chánh án TAND tối cao đề nghị, các đơn vị có liên quan nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện chương trình phối hợp đúng chất lượng và nội dung đặt ra. Đồng thời, tin tưởng việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp trong thực tiễn sẽ có tác động tích cực bảo đảm thông tin trao đổi thường xuyên, định kỳ giữa hai bên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn trong thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động

Tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: vào tháng 3.2016, TAND tối cao và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 431/CTPH-TANDTC-TLĐLĐVN. Trong 7 năm phối hợp thực hiện, chương trình phối hợp công tác đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, đơn vị bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Qua đó, giúp nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, công chức Tòa án các cấp trong việc đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời các vụ việc lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của 2 cơ quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Châm

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Châm

“Với 4 nhóm nội dung quan trọng và cụ thể, rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác tham gia xây dựng văn bản pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cấp tòa án và công đoàn, hai ngành đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nghiêm túc và có hiệu quả”, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Trong quá trình phối hợp thời gian quan, hai bên đã phối hợp tham gia ý kiến, đề xuất, xây dựng, sửa đổi nội dung giải quyết tranh chấp lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019; ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15.8.2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự…

“Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã giúp giải quyết kịp thời các vụ việc lao động tại tòa án, đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mỗi bên”, ông Nguyễn Đình Khang nêu rõ.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Lễ ký kết cũng là dịp để đánh giá, tổng kết những kết quả đã đạt được và đề ra những giải pháp giải quyết những việc còn hạn chế trong công tác phối hợp, đồng thời ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023 - 2028 trong thời điểm năm 2023, năm rất ý nghĩa đối với đối với tổ chức công đoàn, là năm diễn ra đại hội Công đoàn các cấp, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam.

Tại buổi lễ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tòa án" cho các cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam

Tại buổi lễ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tòa án" cho các cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam

Đáng chú ý, chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2028 giữa hai bên đã xác định các giải pháp khắc phục hạn chế của chương trình phối hợp giai đoạn trước, bám sát nhiệm vụ trong tình hình mới như: Thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ về lao động, công đoàn; kịp thời trao đổi, thống nhất hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với những vấn đề mới, nhận thức, áp dụng pháp luật còn khác nhau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật, phổ biến pháp luật về lao động, công đoàn để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn và công chức Tòa án các cấp…

Về nội dung chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAND Tối cao giai đoạn 2023 - 2028, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Hai ngành sẽ tập trung vào công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật như thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ về lao động, công đoàn… Bên cạnh đó, sẽ phối hợp trong một số nhiệm vụ cụ thể như: công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác trao đổi, cung cấp thông tin…

Phi Long - Ngọc Châm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/toa-an-nhan-dan-toi-cao-va-tong-ldld-viet-nam-ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-giai-doan-2023--2028-i333588/