Tòa án sẽ đình chỉ việc chấp hành án phạt tù khi ông Trần Phương Bình qua đời

Sau khi ông Trần Phương Bình chết thì tòa án sẽ phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của ông Bình

Liên quan đến vấn đề ông Trần Phương Bình (SN 1958), cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB), vừa qua đời, dư luận quan tâm trách nhiệm và quyền lợi của gia đình ông Bình sẽ được luật quy định như thế nào?

Khoản 1 điều 56 Luật thi hành án dân sự 2019 quy định thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau: "Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng".

Ông Trần Phương Bình

Ông Trần Phương Bình

Căn cứ khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định việc Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án như sau:

"Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế".

Như vậy, trong trường hợp này, ông Bình chết thì quyền và nghĩa vụ thi hành án dân sự (nghĩa vụ về tài sản) của ông Bình được chuyển giao cho người thừa kế.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án cho người thừa kế được thực hiện như sau:

- Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan thi hành án dân sự ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án giao tài sản cho người được thi hành án.

Hết thời hạn này mà họ không thực hiện thì cơ quan thi hành án dân sự tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại.

Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì:

+ Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án.

+ Ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế.

Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.

- Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại;

Hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.

Khoản 2 điều 56 Luật thi hành án dân sự 2019 quy định: "Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp".

Như vậy, sau khi ông Bình chết thì tòa án sẽ phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của ông Bình.

Đối với tài sản của ông Bình thì sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài sản của ông Bình đối với cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân khác thì tài sản của ông Bình sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Luật sư Mai Thanh Bình - Cty Luật TNHH Luật Mai Thanh Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toa-an-se-dinh-chi-viec-chap-hanh-an-phat-tu-khi-ong-tran-phuong-binh-qua-doi-196240619110440833.htm