Tòa Bắc Giang trả lời vụ cấp sổ đỏ nhầm địa giới hành chính: Hủy sổ đỏ sai phạm thuộc thẩm quyền Tòa án huyện
Cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ án đang thuộc TAND huyện Hiệp Hòa, nên TAND tỉnh Bắc Giang thông báo không thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính của ông Trần Văn Công với Quyết định giao đất của UBND huyện Hiệp Hòa; cũng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị cấp nhầm địa giới hành chính bị tố có sai phạm; mà Báo PLVN đã có bài viết phản ánh.
Tòa tỉnh xác định thẩm quyền thuộc tòa huyện
TAND tỉnh Bắc Giang vừa có thông báo chuyển đơn khởi kiện của ông Trần Văn Công đến TAND huyện Hiệp Hòa để giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Trước đó, ngày 13/6/2019, ông Công có đơn gửi TAND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tòa án giải quyết hủy Quyết định số 12 ngày 5/1/2006 của Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa về việc giao cho ông Lê Văn Hòa được sử dụng 210m2 đất ở thuộc lô 10, khu vực Lò Gạch, thôn Hồng Phong, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa; hủy Sổ đỏ số AD 150005 ngày 7/4/2006 của UBND huyện Hiệp Hòa cấp cho ông Hòa đối với thửa đất nói trên.
Lý do làm đơn khởi kiện, ông Công cho rằng, do vụ án dân sự mà ông là bị đơn, bị TAND huyện Hiệp Hòa dây dưa kéo dài hơn một năm qua không xử lý dứt điểm, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông bị xâm hại nghiêm trọng. Hơn nữa, Quyết định số 12 và sổ đỏ của UBND huyện Hiệp Hòa là hai văn bản hành chính có sai phạm là căn nguyên mấu chốt của vụ việc tranh chấp, cần được xem xét hủy bỏ.
Theo thông báo của TAND tỉnh Bắc Giang, cơ quan này đã tiến hành xem xét đơn khởi kiện của ông Công, yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bắc Giang nhận thấy ông Công đang là bị đơn trong vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất với nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Mười (người nhận chuyển nhượng lô đất của ông Hòa). Vụ án đang được TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý giải quyết. “Trong quá trình giải quyết vụ án này, ông Công đã có yêu cầu hủy Sổ đỏ số AD 150005 ngày 7/4/2006 của UBND huyện Hiệp Hòa cấp. Căn cứ tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự, việc giải quyết yêu cầu của ông Công thuộc thẩm quyền của TAND huyện Hiệp Hòa”, thông báo của TAND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Theo một luật sư, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định, trong trường hợp việc giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết yêu cầu hủy sổ đỏ liên quan đến nhau và có thể giải quyết trong cùng một vụ án, thì tòa căn cứ vào khoản 1 Điều 34 Luật Tố tụng Hành chính, Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự để giải quyết.
Tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng quy định khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, nội dung của ông Công yêu cầu hủy Quyết định số 12 và sổ đỏ mà UBND huyện Hiệp Hòa cấp cho ông Hòa và ông Mười nhận chuyển nhượng lại thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Hiệp Hòa trong vụ án dân sự mà cơ quan này đang giải quyết.
Vụ án liên tục hoãn và kéo dài
Trước đó, như PLVN đã thông tin, đất thuộc địa giới hành chính của xã Đức Thắng và đang được gia đình ông Trần Văn Công sử dụng từ trước năm 1993 đến nay, nhưng vào năm 2006, UBND xã Thường Thắng lại đo vẽ, lập hồ sơ trình UBND huyện Hiệp Hòa cấp sổ đỏ cho ông Hòa, công dân xã Thường Thắng.
Sau nhiều lần hòa giải không thành ở UBND xã Đức Thắng, hai bên người có sổ đỏ thì không có đất, người có đất thì không được cấp sổ đỏ đã phải đưa nhau ra tòa. Vụ án được TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý từ ngày 11/5/2018, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra phán quyết.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, khi xem xét hủy quyết định quy định tại Điều 34, tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vụ án này liên quan mật thiết đến công tác cấp sổ đỏ của UBND huyện Hiệp Hòa, nhưng khi xét xử đại diện UBND huyện Hiệp Hòa, UBND xã Đức Thắng và UBND xã Thường Thắng đều vắng mặt không có lý do.
Theo luật sư bảo vệ cho bị đơn, các cơ quan này được TAND huyện Hiệp Hòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa, nhưng do thẩm phán thiếu kiên quyết và mặc dù luật sư đã gửi văn bản đề nghị thẩm phán chủ tọa lưu ý triệu tập người đại diện của các cơ quan đó, thực tế họ vẫn vắng mặt. Điều này làm ảnh hưởng đến việc làm rõ những sai phạm, nhầm lẫn trong quá trình lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho nguyên đơn khiến vụ án bị kéo dài không được xử lý dứt điểm.
Theo thống kê, vụ án đã kéo dài hơn 14 tháng, qua ít nhất 6 lần dự định mở phiên tòa nhưng đều không được kết thúc. Có phiên tòa đang diễn ra đến phần xét hỏi thì kiểm sát viên và thẩm phán quyết định dừng phiên tòa để thẩm tra chứng cứ. Sau đó phiên tòa mở lại thì vẫn bị dừng tiếp vì việc thẩm tra chưa tiến hành thực hiện, rồi sau đó phiên tòa được mở và lại bị dừng với những lý do khác nhau. Việc phiên tòa bị dừng nhiều lần đã khiến đương sự bức xúc và dư luận hoài nghi vào sự công tâm của Chủ tọa phiên tòa…