Tọa đàm đối thoại chính sách trong lĩnh vực Logistics
Ngày 14-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022) diễn ra từ ngày 13 đến 16-4, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cơ quan Xúc tiến thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Tọa đàm chính sách trong lĩnh vực Logistics với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang đầu tư ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như: Dịch vụ, logistics, tài chính, may mặc, xây dựng… tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu. Ngoài ra, Hàn Quốc hiện còn là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỷ USD trong năm 2021. Sau gần 7 năm thực thi VKFTA, thương mại và đầu tư giữa 2 nước đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ. Hiện nay, Hàn Quốc đang ở vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn lũy kế đến năm 2021 là 74,7 tỷ USD.
Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics trong bối cảnh hiện tại cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao, phát triển trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Hiện nay một số địa phương đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng. Theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% - 16% trong một năm.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hiện nay các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các chính sách như Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics. Hiện nay các giải pháp thúc đẩy ngành logistics cũng đang được thực hiện như: Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics…