Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học sửa đổi
Ngày 14/5, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm tham vấn chính sách phục vụ xây dựng luật Giáo dục đại học sửa đổi (luật sửa đổi). Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Sáu nhóm chính sách lớn làm nền tảng sửa đổi luật
Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, ban soạn thảo luật sửa đổi dự kiến trình Chính phủ nội dung của 6 nhóm chính sách chính. Đây sẽ là căn cứ để đề xuất điều chỉnh toàn diện hệ thống quy định hiện hành, nhằm phù hợp với thực tiễn phát triển của GDĐH trong nước và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp
Cụ thể, sáu nhóm chính sách gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo; úng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH; Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Thay đổi cách tiếp cận trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt tại tọa đàm là chính sách học phí (HP), được đưa vào nhóm chính sách thứ tư. Ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết, chính sách tài chính cho GDĐH sẽ được đổi mới toàn diện theo hướng minh bạch, hiệu quả, đồng thời đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học.
Dự thảo luật sửa đổi dự kiến quy định: Các cơ sở GDĐH, bao gồm cả công lập và tư thục, được tính đúng, tính đủ học phí theo khung quy định của Chính phủ, trên cơ sở bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhà nước vẫn thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách. Đồng thời, mở rộng hệ thống tín dụng ưu đãi dành cho người học có hoàn cảnh khó khăn, nhằm bảo đảm không ai bị mất cơ hội học tập vì lý do tài chính.
Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ ngân sách công cũng sẽ được chuyển từ cấp phát thường xuyên sang đầu tư theo kết quả đầu ra. Cách làm này gắn với các tiêu chí đánh giá khách quan, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong toàn hệ thống.
Ngoài ngân sách nhà nước, các cơ sở GDĐH sẽ được tạo điều kiện để đa dạng hóa nguồn thu thông qua hợp tác công - tư (PPP), hoạt động nghiên cứu, cung cấp dịch vụ và huy động tài trợ xã hội hóa.
Dự thảo cũng quy định các nguyên tắc thống nhất về cơ chế học phí, học bổng và tín dụng ưu đãi, giao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp học bổng có đối ứng từ các cơ sở GDĐH để thu hút người học, nhất là học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành, trình độ đào tạo cần ưu tiên ở tầm quốc gia hoặc từng vùng, mà không gắn với địa chỉ sử dụng nhân lực cụ thể.
Đặc biệt, Nhà nước sẽ ưu tiên miễn học phí và cấp học bổng cho sinh viên theo học ngành đào tạo giáo viên và các ngành trọng điểm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Học phí tính đúng, tính đủ nhưng bảo đảm công bằng. Ảnh minh họa
Toàn cầu hóa trong GDĐH và gắn kết thị trường lao động
Trong nhóm chính sách thứ hai, Bộ GD-ĐT đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm hiện đại hóa chương trình đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Tư duy xây dựng chương trình và phương thức đào tạo sẽ gắn chặt với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu toàn cầu hóa GDĐH.
Hoạt động GDĐH sẽ được tổ chức linh hoạt theo hướng tích lũy tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và không giới hạn thời gian học. Luật sửa đổi dự kiến phân loại hình thức đào tạo thành hai loại: chính quy và thường xuyên.
Hình thức chính quy sẽ đào tạo tập trung toàn thời gian tại các địa điểm đăng ký, theo kế hoạch học tập chuẩn. Hình thức thường xuyên sẽ linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện, năng lực và nhu cầu của người học.
Các cơ sở GDĐH sẽ chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời đảm bảo chuẩn chương trình của ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo tương ứng. Trường đại học được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu, phương thức và tổ chức tuyển sinh trên cơ sở năng lực thực tế và nhu cầu xã hội, miễn là bảo đảm chuẩn cơ sở và chuẩn chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ ban hành quy chế tuyển sinh, quy định các phương thức tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các ngành đặc thù như sư phạm, y tế, pháp luật. Quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch và chất lượng trong công tác tuyển sinh.
Tạo điều kiện liên thông, công nhận kết quả học tập
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong luật sửa đổi là quy định về việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập. Người học có thể được công nhận kết quả học tập nếu đáp ứng yêu cầu về chuẩn đầu ra của các học phần tương ứng. Điều này tạo điều kiện cho việc liên thông giữa các trình độ, hình thức và phương thức đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời.
Ngoài ra, việc tích lũy và công nhận kết quả học tập sẽ được thực hiện không chỉ giữa các chương trình đào tạo trong nước mà còn mở rộng ra với các chương trình quốc tế, trong bối cảnh giáo dục mở và toàn cầu hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc xây dựng luật sửa đổi dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH; đảm bảo phù hợp với Hiến pháp; kế thừa và khắc phục các vướng mắc pháp lý; tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị đại học, nâng cao chất lượng và phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, luật cũng khuyến khích xã hội hóa GDĐH, thúc đẩy hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, phát triển giáo dục mở và học tập suốt đời, phù hợp với các xu thế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.