Tòa đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết giữa Vinafor và Formach
Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết HĐQT giữa Vinafor và CTCP Formach.
Ngày 12/9/2018, CTCP Formach tổ chức họp HĐQT với sự tham gia của 4/4 thành viên. Nội dung cuộc họp về việc góp vốn thành lập CTCP và cử người đại diện quản lý phần vốn trong CTCP dự kiến thành lập.
Nghị quyết HĐQT đã được thông qua với tổng số biểu quyết là 3/4.
Sau đó, CTCP Cơ khí chế tạo 19.3 đã được thành lập.
Ngày 6/12/2018, Tổng CTCP Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), cổ đông sở hữu 27,78% vốn điều lệ của CTCP Formach, đệ đơn ra Tòa án đề nghị Tòa hủy bỏ Biên bản và Nghị quyết HĐQT nói trên do vi phạm Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp.
Vinafor còn đề nghị Tòa án thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh của CTCP Cơ khí chế tạo 19.3 vì không đảm bảo hồ sơ theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu CTCP Formach chấm dứt việc góp vốn vào CCTCP Cơ khí chế tạo 19.3.
Quá trình giải quyết tại tòa án, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì nhận định yêu cầu khởi kiện của Vinafor không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, Tòa ban hành quyết định đình chỉ giải quyết việc kinh doanh thương mại.
Không đồng tình với quyết định này, Vinafor đã kháng cáo.
Ngày 28/2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét đơn kháng cáo của Vinafor. Tòa án cho rằng Vinafor đề nghị Tòa án giải quyết 3 việc: hủy Biên bản và Nghị quyết HĐQT, Thu hồi đăng ký kinh doanh và yêu cầu Formach chấm dứt việc góp vốn.
Chiểu theo Luật Doanh nghiệp, Điều 147, Điều 161 có quy định về việc khởi kiện đề nghị hủy Nghị quyết ĐHCĐ hoặc khởi kiện trách nhiệm dân sự của thành viên HĐQT.
Tòa án cho rằng 3 yêu cầu nói trên của Vinafor không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tòa án phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Vinafor, giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết việc kinh doanh thương mại của tòa sơ thẩm.
Được biết, mối quan hệ giữa Vinafor và Formach trục trặc từ năm 2017, khi Formach quyết định tăng vốn điều lên gấp đôi để bổ sung vốn pháp định cho hoạt động kinh doanh bất động sản và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Vinafor đã khởi kiện đề nghị Tòa hủy Nghị quyết ĐHCĐ về việc tăng vốn do việc tổ chức ĐHCĐ vi phạm trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Tại thời điểm tăng vốn điều lệ, Formach là công ty đại chúng, nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được chấp thuận tăng vốn theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
Vinafor thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 tổng công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp và được cổ phần hóa năm 2016.
Vinafor có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, cổ đông nhà nước nắm 51%, Tập đoàn T&T nắm giữ 40%. Vinafor hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản với quy mô hoạt động trên toàn quốc.