Tọa độ lửa Ngã ba Cò Nòi • Kỳ I: Khúc tráng ca bất tử
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta không thể quên địa chỉ đỏ Ngã ba Cò Nòi, nơi đã từng là 'túi bom' hứng chịu những trận đánh phá ác liệt của thực dân Pháp hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: 'Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua'. Không khuất phục trước những trận bom đạn dịch rải dày đặc, lực lượng TNXP vẫn bảo đảm giao thông trong quá trình diễn ra chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta không thể quên địa chỉ đỏ Ngã ba Cò Nòi, nơi đã từng là “túi bom” hứng chịu những trận đánh phá ác liệt của thực dân Pháp hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Không khuất phục trước những trận bom đạn dịch rải dày đặc, lực lượng TNXP vẫn bảo đảm giao thông trong quá trình diễn ra chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Giọng nữ
Giọng nữ
Giọng nam
“Yết hầu” trên tuyến lửa
Theo các tư liệu lịch sử, Sơn La nằm ở vị trí chiến lược về địa - quân sự, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, là địa bàn cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, nơi có tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngã ba Cò Nòi, là giao điểm đường 13 từ căn cứ địa Việt Bắc sang và đường 41 (nay là quốc lộ 6) từ các tỉnh đồng bằng lên, mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đều phải qua đây. Do đó, địch huy động tối đa lực lượng không quân, bom đạn hòng chặt đứt “yết hầu” tuyến cung cấp hậu cần cho Chiến dịch.
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, không ngày nào Ngã ba Cò Nòi, không có tiếng bom rơi, đạn nổ. Cao điểm, có ngày địch ném xuống hơn 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom na pan, làm cho địa hình ở đây thay đổi từng ngày. Riêng hai tháng trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ công binh phải vẽ lại sơ đồ Ngã ba Cò Nòi tới 19 lần. Ngã ba Cò Nòi trở thành “tọa độ lửa”, nơi được mệnh danh là “chảo lửa”, “túi bom”, “cửa tử” đánh phá của thực dân Pháp.
Tất cả cho tiền tuyến
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sơn La có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có con đường huyết mạch nối liền đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu 3, Khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ và mặt trận Lào yêu nước. Sơn La đồng thời là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, gắn chặt với chiến trường Tây Bắc - Điện Biên Phủ, nên việc vận chuyển, tiếp tế sức người, sức của cho chiến trường chủ yếu phải qua Ngã ba Cò Nòi.
Tháng 12/1952, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ mở rộng, củng cố vùng giải phóng. Chuẩn bị cho Chiến dịch, chủ trương của Đảng quyết tâm bảo vệ con đường huyết mạch độc đạo này. Hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung ở khắp các địa phương huy động lên chiến trường Tây Bắc, kết hợp với bộ đội chủ lực canh giữ, đảm bảo lưu thông, thông suốt con đường.
Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, qua 5 đợt huy động, Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo, 144 tấn thịt, 3 tấn 26 mỡ và gần 140 tấn rau quả các loại. Đồng thời, để bổ sung cho lực lượng chiến đấu, hàng nghìn thanh niên trong tỉnh xung phong nhập ngũ bổ sung cho bộ đội chủ lực và các đơn vị bộ đội địa phương; đồng thời, xây dựng 2 tiểu đoàn bộ đội của tỉnh làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu bảo vệ hậu phương, phối hợp với chiến trường chính.
Vượt lên bom đạn quân thù, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” “Tất cả để chiến thắng”, cùng với bộ đội và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc Sơn La, nhất là vùng Ngã ba Cò Nòi và trên tuyến đường 41, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh mất mát, ngày đêm chiến đấu, đảm bảo mạch máu giao thông cho bộ đội hành quân, xe pháo, phương tiện, lương thực, thực phẩm... tới mặt trận Điện Biên Phủ.
Ai đó đã đúng, khi ví các anh, chị thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi là những người “đội đá và đường”, “lấy gậy chống trời”. Bởi cứ ngớt bom, các anh chị lại lao ra mặt đường, vẫn tay cuốc, tay xẻng, quên đói khát, mệt nhọc, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, yêu cầu giải phóng mặt đường trở thành mệnh lệnh của cuộc sống.
Hồi ức của nhân chứng
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Ngã ba Cò Nòi trở thành địa danh bất tử, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hơn 100 chiến sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại nút giao thông trọng điểm này. Tổ quốc ghi chiến công của các anh, các chị - những dũng sĩ, anh hùng liệt sĩ, những dũng sĩ thương binh, các chiến sĩ thi đua lực lượng thanh niên xung phong, tiêu biểu, như: Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Cam...
Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đến gặp ông Thái Hữu Hoành, năm nay đã 87 tuổi, đang sinh sống tại phường Quyết Thắng, Thành phố Sơn La. Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng những hồi ức, kỷ niệm về những ngày tháng hào hùng của lực lượng TNXP gan góc, dạn dày, anh dũng kiên cường, bảo đảm giao thông nơi “tọa độ lửa” vẫn được ông nhớ như in: Địch ném bom na pan đốt cháy một vùng rộng lớn, rồi ném bom phá cho đất đá, cây cối đổ ập xuống suối nhiều tầng, nhiều lớp khiến cây cầu đổ sập; rồi ném bom nổ chậm và bom bi để gây sát thương cho quân ta. Ngày nào cũng có 1-2 tốp máy bay ném bom phá hoại con đường, nhưng chỉ ngớt tiếng bom là TNXP 3 đại đội lại tiếp tục sửa chữa, khắc phục, đảm bảo thông đường.
Ông Hoành tự hào: Dưới mưa bom, bão đạn, mệt nhọc và thiếu thốn đủ thứ, nhưng thanh niên xung phong ở Ngã ba Cò Nòi vẫn giữ vững tinh thần gang thép, ý chí quật cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, luôn ngẩng cao đầu, một lòng một dạ kiên trung vì Đảng, vì nhân dân, tất cả để đánh thắng quân xâm lược, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
Còn đối với cựu dân quân Lò Văn Pọm, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, giai đoạn 1952-1954 là những ký ức không thể nào quên. Bước sang tuổi 93 tuổi, nhưng trí nhớ của ông Pọm còn khá minh mẫn. Ông rành rọt kể về những năm tháng chiến đấu: Thời điểm năm 1952-1954, ngã ba Cò Nòi không một ngày nào vắng những trận bom oanh tạc. Máy bay địch rải bom từ 7h sáng đến 5-6h chiều. Để chi viện cho tiền tuyến, ban đêm xuống, dân công hỏa tuyến, TNXP lại nhanh chóng san lấp để xe vận tải kịp qua. Do thông thuộc địa hình nên tôi được phân công dẫn đường cho bộ đội lên tận khu vực đèo Pha Đin, rồi lại đón thương binh về. Lúc đó, bộ đội, dân công, TNXP đông lắm, đi rầm rập suốt đêm. Mỗi đêm, mỗi đoàn chỉ đi được khoảng 20 km vì đông người, hàng nặng, đường lên nhiều dốc. Cứ lên dốc cao, những xe đạp thồ nặng phải có 2-3 người đẩy. Hằng ngày, mỗi người được chia 2 nắm cơm để ăn bữa sáng và chiều, nước uống thì lấy ở dưới suối, ngủ thì trải lá cây, muỗi, vắt cắn nhiều người bị sốt rét. Nhưng tất cả mọi người chỉ nghĩ đến làm sao đánh thắng giặc, không màng sống, chết.
Ngã ba Cò Nòi đã chứng kiến và mãi mãi khắc ghi tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày đêm bám sát con đường huyết mạch bảo đảm thông suốt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ. Và Ngã ba Cò Nòi cũng chính là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, biểu tượng của tinh thần và ý chí dũng cảm của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(còn nữa)