Tòa hình sự ICC phản ứng lệnh trừng phạt của ông Trump
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) lên án quyết định của ông Trump khi Tổng thống Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với nhân viên của tòa án này.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_296_51421033/4220eaa6d3e83ab663f9.jpg)
Trụ sở ICC. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, ICC ngày 7/2 tuyên bố sắc lệnh trừng phạt của ông Trump với thành viên ICC sẽ làm suy yếu hoạt động tư pháp của tòa án này. ICC kêu gọi 125 quốc gia thành viên "đoàn kết" vì công lý và nhân quyền.
"Tòa án kiên quyết bảo vệ đội ngũ nhân viên và cam kết tiếp tục mang lại công lý và hy vọng cho hàng triệu nạn nhân vô tội của các hành động bạo lực trên khắp thế giới, trong mọi tình huống", ICC tuyên bố.
Ngày 6/2, ông Trump đã cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế đi lại đối với những cá nhân tham gia vào các cuộc điều tra của ICC nhằm vào công dân Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ như Israel. Động thái này lặp lại biện pháp mà ông từng thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Theo Reuters, quyết định của ông Trump được đưa ra trùng thời điểm với chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người bị ICC ra lệnh bắt giữ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_296_51421033/0fb7a931907f7921206e.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ công bố danh sách những người bị trừng phạt vào thời điểm nào. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump vào năm 2020, Washington từng áp đặt lệnh trừng phạt đối với cựu công tố viên ICC Fatou Bensouda và một trong những trợ lý cấp cao của bà vì cuộc điều tra của ICC về cáo buộc tội ác chiến tranh của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản tại Mỹ của những cá nhân bị chỉ định và cấm họ cùng gia đình nhập cảnh vào Mỹ.
Hà Lan, quốc gia mà ICC đặt trụ sở, "lấy làm tiếc" về các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ICC.
Năm 2023, Nga cấm công tố viên trưởng ICC Karim Khan nhập cảnh và đưa ông cùng 2 thẩm phán ICC vào danh sách truy nã sau khi ICC ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.