Tòa nhà có phòng giao dịch SaiGonbank bị đình chỉ vẫn hoạt động, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy có biết?
Tòa nhà số 18 Duy Tân bị đình chỉ vì vi phạm PCCC, cơ quan chức năng đã dựng rào và dán thông báo đình chỉ hoạt động nhưng phòng giao dịch của SaiGonBank vẫn mở cửa bất chấp lệnh cấm.
Ngày 26/6, nguồn tin Gia đình và Xã hội cho biết, phòng giao dịch Vĩnh Phúc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) nằm ở tòa nhà bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC ở số 18 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy vẫn mở cửa hoạt động.
Cùng ngày, theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, tại tầng 2 toa nhà nêu trên là phòng giao dịch Vĩnh Phúc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương điện vẫn bừng sáng, tại quầy giao dịch nhân viên vẫn làm việc như bình thường.
Bên ngoài cơ sở, tại tầng 1 là khu để xe và có hàng rào chắn cùng thông báo từ UBND - Công an phường Dịch Vọng Hậu về việc cơ sở cơ đã đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.
Mặc dù đã có rào chắn và thông báo từ UBND phường Dịch Vọng Hậu, thế nhưng hiện vẫn thấy phòng giao dịch Vĩnh Phúc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương mở cửa hoạt động, bất chấp các quy định pháp luật. Với việc vi phạm PCCC vẫn mở cửa, chủ tòa nhà và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương đang coi thường sức khỏe và tính mạng của người dân.
Trước đó, ngày 14/6/2024, theo ghi nhận của PV, phòng giao dịch nêu trên cũng vẫn mở cửa hoạt động. Theo bảo vệ tòa nhà cho biết: "Toàn nhà số 18 Duy Tân có tầng 1 là nơi để xe, tầng 2, 3 là ngân hàng thuê lại làm địa điểm giao dịch. Từ tầng 4 đến tầng 7 do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Mỹ Thịnh thuê, sử dụng".
Ghi nhận tại tầng 4 đến tầng 7 tòa nhà 18 Duy Tân, PV thấy tầng 6 điện sáng, bên trong phòng gắn biển Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Mỹ Thịnh, có bàn ghế và một số nhân viên đang ngồi làm việc.
Mới đây, ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra vào ngày 12/9/2023 tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết và gần đây là vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/6/2024 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội làm 04 người chết.
Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là: Tại một số địa phương, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch nơi ở cho người lao động khi xây dựng các khu công nghiệp; một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế.
Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn phổ biến, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về phòng cháy chữa cháy đối với một số đối tượng nhà và công trình còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị, Công điện, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy chữa cháy; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Xây dựng thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh để tham mưu, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả....
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do UBND tỉnh, TP đã ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Chỉ đạo rà soát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các loại hình nêu trên phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Chỉ đạo rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn; việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm an toàn theo quy định...
Trước sự việc tòa nhà số 18 Duy Tân bị đình chỉ do vi phạm PCCC, thế nhưng phòng giao dịch Vĩnh Phúc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương và một số đơn vị đặt văn phòng tại đây vẫn mở cửa hoạt động bất chấp "lệnh cấm" từ UBND phường Dịch Vọng Hậu, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy và UBND TP Hà Nội cần kiểm tra xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật; thực hiện theo đúng chỉ đạo trong Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.
Xem thêm video đang được quan tâm: