Tòa phúc thẩm không nên đổi tội danh nặng hơn?

Án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay nên nếu bị cáo bị tòa phúc thẩm đổi tội danh nặng hơn, tăng hình phạt thì họ không có quyền kháng cáo nữa.

Theo luật, tòa phúc thẩm có quyền xử tội danh nặng hơn đối với bị cáo nếu có kháng nghị, kháng cáo theo hướng này. Nhiều chuyên gia băn khoăn bởi án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay nên vô hình trung đã làm mất quyền được xét xử hai cấp của bị cáo…

Ngày 21-11-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, đổi tội danh của Lê Hoàng Sơn Em từ gây rối trật tự công cộng thành giết người và tăng hình phạt từ hai năm tù lên tám năm tù. Cùng vụ, tòa bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Võ Hoàng Sơn, 14 năm tù đối với Bùi Chí Cường về tội giết người.

Phúc thẩm nặng tội hơn

Theo hồ sơ, tối 10-12-2010, ba bị cáo đến một vũ trường tại TP Vĩnh Long chơi. Trong lúc lên sàn nhảy, nhóm này xảy ra ẩu đả với một thanh niên nhưng được mọi người can ngăn. Trở về chỗ ngồi, Cường kêu một người bạn lên đánh nhạc công, bắt nhạc công tắt nhạc nhưng người này không nghe. Cường tức giận đánh bạn rồi lên đánh cả nhạc công, đập cả dàn đèn, dàn âm thanh của vũ trường.

Thấy bạn bị đánh, nạn nhân Lê Hoàng Luận đã dùng chai rượu đánh vào đầu Cường. Cường quay lại rút dao định đâm Luận thì được mọi người can ra. Tuy nhiên, sau đó Em lại dùng tay đánh Luận nhiều cái khiến nạn nhân ngã, tạo điều kiện cho Cường, Sơn nhào vào đâm anh này tử vong.

Một phiên xử của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Một phiên xử của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

VKS tỉnh Vĩnh Long đã truy tố Cường, Sơn, Em về tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung là có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS). Nhưng TAND tỉnh này lại nhận định Em chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng bởi không biết, không thấy Cường, Sơn mang theo dao. Lúc đánh nhau là bột phát nhất thời, các bị cáo không bàn bạc trước, sự việc xảy ra quá nhanh, ánh sáng tại vũ trường không rõ, chỉ lờ mờ. Khi thấy Cường bị nạn nhân đánh, Em nhảy vào dùng tay đánh nạn nhân, đây là hành vi độc lập, còn nạn nhân chết là do Sơn đâm…

Sau phiên xử, VKS tỉnh đã kháng nghị yêu cầu xét xử Em về tội giết người. Đồng tình, tòa phúc thẩm cho rằng hành vi của Em dù không trực tiếp gây ra hậu quả chết người nhưng đã giúp sức cho các bị cáo khác tấn công nạn nhân. Việc giúp sức của Em đã tạo điều kiện cho bị cáo khác thỏa mãn hành vi phạm tội tới cùng…

Một vụ khác, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên phạt Nguyễn Trí Thông chín năm tù về tội giết người thay vì bảy năm tù về tội cố ý gây thương tích như án sơ thẩm.

Theo hồ sơ, sáng một ngày tháng 12-2008, Thông đang ăn hủ tiếu tại quận 6 (TP.HCM) thì PVT đến đòi tiền góp. Thông hẹn ngày khác trả, T. bực tức chửi bới rồi bỏ về. Chiều, sau một chầu nhậu với những người cùng chạy xe ôm, trên đường về, Thông nhớ lại việc bị chửi hồi sáng nên mua dao đi tìm T., đâm nạn nhân gây tỉ lệ thương tật 61%.

Thông bị truy tố về tội giết người nhưng xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng Thông chỉ phạm tội cố ý gây thương tích. Theo tòa, nguyên nhân sâu xa của vụ án là do nạn nhân dùng lời lẽ thô tục xúc phạm nên Thông bị kích động, hơn nữa Thông cũng không có ý định tước đoạt sinh mạng của nạn nhân.

VKS TP.HCM đã kháng nghị yêu cầu chuyển tội danh, tăng hình phạt đối với Thông. Theo tòa phúc thẩm, Thông gây án không phải ngay lúc bị nạn nhân chửi bới nên hành vi phạm tội có tính chất côn đồ. Việc Thông mua dao đã thể hiện có sự tính toán trước, nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của Thông…

Không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử?

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, áp dụng tội danh nặng hơn, tăng mức hình phạt đối với bị cáo khi có kháng nghị hoặc kháng cáo theo hướng này.

Về mặt pháp luật, đây là một quyền của tòa phúc thẩm theo khoản 3 Điều 249 BLTTHS hiện hành (trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì tòa phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại…). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cảm thấy băn khoăn.

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), án phúc thẩm là án có hiệu lực pháp luật ngay. Do vậy, nếu bị cáo bị tòa phúc thẩm đổi tội danh nặng hơn, tăng hình phạt thì họ không có quyền kháng cáo nữa. Như vậy, vô hình chung bị cáo đã bị xét xử về tội danh mới, với mức hình phạt mới nhưng lại chưa qua hai cấp xét xử như luật định. Bị cáo đơn thân độc thế, bị áp đặt vào hoàn cảnh buộc phải chấp nhận nên không được đảm bảo quyền lợi và chưa thật công bằng.

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) đề xuất: Cần sửa đổi quy định theo hướng khi có kháng cáo, kháng nghị về tội danh nặng hơn, mức hình phạt nặng hơn, tòa phúc thẩm nếu thấy có căn cứ thì nên hủy án điều tra lại hoặc xét xử lại để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử. Dù việc giải quyết án bị kéo dài nhưng sẽ đảm bảo được quyền lợi chính đáng của bị cáo, đồng thời việc xét xử sẽ được chính xác, thuyết phục hơn.

Không được vượt phạm vi truy tố ban đầu

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), quy định về thẩm quyền xử tội danh nặng hơn, tăng mức hình phạt của tòa phúc thẩm không sai nhưng cần phải được hiểu đúng để áp dụng đúng.

Ông Long phân tích: Sau phiên xử sơ thẩm, nếu có kháng nghị, kháng cáo làm xấu hơn tình trạng của bị cáo thì bị cáo cũng đã được thông báo sớm để có thời gian tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Cạnh đó, việc chuyển tội danh, tăng mức hình phạt của tòa phúc thẩm phải trong phạm vi luật cho phép. Đó là tội danh mới, mức hình phạt mới phải nằm trong phạm vi truy tố ban đầu. Chẳng hạn ban đầu VKS ra cáo trạng truy tố tội giết người, tòa sơ thẩm đổi tội danh nhẹ hơn thành cố ý gây thương tích thì tòa phúc thẩm có thể sửa tội danh nặng hơn là giết người. Như vậy, hoàn toàn không có việc vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử bởi ngay từ đầu, bị cáo đã biết mình bị truy tố về tội giết người.

TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), cũng tán thành quan điểm là tòa phúc thẩm được xử tội danh nặng hơn, mức hình phạt nặng hơn nhưng không được vượt quá phạm vi truy tố ban đầu.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20120820121737235p0c1063/toa-phuc-tham-khong-nen-doi-toi-danh-nang-hon.htm