Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Đưa chúng tôi tới một ngôi nhà nhỏ nằm giữa một bên là núi Vân Hoàn và một bên là sông Lèn yên bình, êm ả, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nga Phượng phấn khởi giới thiệu về hội viên Ngô Văn Nho - một điển hình trong lao động sản xuất không chỉ của xã Nga Phượng mà còn của cả huyện Nga Sơn.
Cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn và xã Nga Phượng thăm mô hình của cựu chiến binh Ngô Văn Nho. Ảnh: Tố Phương
Gương mặt điềm đạm, hiền lành, ông Nho vui vẻ chia sẻ về những năm tháng gây dựng cơ nghiệp đầy khó khăn để có được ngày hôm nay. Ông kể: Năm 1986, ông nhập ngũ, sau 3 năm sống và chiến đấu ở chiến trường Lạng Sơn, năm 1989 sau khi cuộc chiến kết thúc, ông rời quân ngũ, trở về sinh sống tại địa phương.
Vùng đất ngoại đê nơi ông đang ở vốn là vùng sình lầy, quanh năm ngập lụt và thường xuyên bị nước mặn xâm lấn, sản xuất không hiệu quả nên người dân đã bỏ hoang. Sau nhiều năm lăn lộn, bươn chải kiếm sống, năm 2006 khi UBND xã thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, CCB Ngô Văn Nho là người duy nhất mạnh dạn nhận thầu toàn bộ 3,5 ha diện tích đất ngoại đê để cải tạo, sản xuất.
Nhớ lại những ngày tháng gian nan ấy, ông Nho cho biết: “Bắt tay vào thực hiện mô hình tôi gặp nhiều cái khó, nhưng khó nhất vẫn là nguồn vốn. Vì không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nên phải vay lãi ngoài của người dân để thực hiện. Máy móc không có, tôi ra tận Ninh Bình mua về và tự học hỏi cách sử dụng. Từ đó, tôi huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình cùng san lấp đồng ruộng, chỗ sâu thì trồng cói, chỗ cao thì trồng mía. Để cây mía phát triển tốt, tôi lên Thạch Thành học kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc. Năm đầu tiên trồng mía, tôi đã thành công, cả nhà vui mừng, phấn khởi vì có số vốn kha khá để lấy “ngắn nuôi dài”. Thế nhưng, không phải khởi đầu lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi. Một năm sau đó, năm 2007 tôi lại thất bại hoàn toàn vì trận lụt đã quét sạch hết đồng ruộng. Ý chí của người lính không cho phép tôi bỏ cuộc, những năm sau đó, tôi và những người thân trong gia đình vẫn cần mẫn, chăm chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và rồi, đất đã không phụ công người, cuộc sống của gia đình tôi cũng dần khấm khá”.
10 năm sau, cây mía và cây cói không còn mang lại hiệu quả cao, CCB Ngô Văn Nho quyết định chuyển hướng làm ăn. Vùng đất ngoại đê này thường xuyên bị nước mặn xâm lấn. Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, năm 2016, ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng cây ăn quả. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông chỉ nuôi 1 ao, rồi 2 ao, đến nay đã lên tới 9 ao nuôi. Để không bị thất bại, ông sang xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) tìm hiểu kỹ thuật nuôi, đồng thời đầu tư máy móc, đào đắp ao nuôi đạt tiêu chuẩn. Cùng với việc bảo đảm nguồn nước, ông chọn mua tôm giống từ Nha Trang để tôm phát triển khỏe mạnh và ít bị dịch bệnh. Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, ông đã thành công với hướng đi mới. Hiện nay với 9 ao nuôi, ông thu hoạch khoảng 16 tấn tôm/năm, mang lại nguồn thu rất khá cho gia đình.
Là người luôn đi tiên phong trong phát triển kinh tế của địa phương, năm 2022, CCB Ngô Văn Nho tiếp tục đăng ký làm điểm mô hình trồng cây ngưu tất của huyện Nga Sơn. Đây là cây trồng mới nên sau khi được huyện tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Thái Bình, 2 vợ chồng ông đã trồng 6 sào cây ngưu tất trên cánh đồng trước nhà. Loại cây dược liệu này dễ trồng, vì thế ngay năm đầu ông đã thu hoạch được hơn 2 tấn sản phẩm, thu về hơn 34 triệu đồng. Hiện nay, xung quanh bờ đồng, bờ ao không chỗ nào còn đất trống... Tất cả được phủ kín bởi 100 gốc ổi, 100 gốc na, 50 gốc dừa xiêm, 30 gốc mít cùng nhiều bưởi, chanh, cau... xanh tốt, trù phú đã cho thu hoạch. Ngoài ra, việc chăn nuôi cũng mang lại nguồn thu nhập tương đối cho gia đình ông. Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, bền bỉ, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nho đã cho quả ngọt với thu nhập mỗi năm từ 350 đến 400 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chủ tịch Hội CCB xã Nga Phượng Nguyễn Văn Thêm cho biết: “Ở xã Nga Phượng nói riêng, huyện Nga Sơn nói chung có nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ, nhưng mô hình của hội viên Ngô Văn Nho là một điển hình tiêu biểu. Bắt đầu từ muôn vàn gian khó, nhưng nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, hội viên Ngô Văn Nho đã có của ăn, của để và là tấm gương sáng cho nhiều hội viên học tập, noi theo”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/toa-sang-pham-chat-bo-doi-cu-ho/183225.htm