Tỏa sáng trong 'vườn hoa' hội nhập
Nối tiếp truyền thống vẻ vang, tự hào của các thế hệ phụ nữ đi trước, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hà Giang nói riêng đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng với 4 phẩm chất đạo đức 'Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang' mà Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đề ra.
Trên con đường hội nhập, xác định người phụ nữ phải có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức và kỹ năng nghề nghiệp để làm chủ mọi lĩnh vực KT - XH. Thực hiện tiêu chí đó, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Tự hào là nơi gắn kết, hỗ trợ hội viên cùng nhau phát triển, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã duy trì 459 tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; dự án “Nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển” tại xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) với 32 hộ tham gia; trên 22.000 hội viên được vay vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 817 tỷ đồng; có 871 hội viên được vay vốn từ nguồn Quỹ tín dụng tiết kiệm với số tiền hơn 15 tỷ đồng để đẩy mạnh sản xuất. Đặc biệt, với sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của Hội LHPN tỉnh, mô hình xây dựng dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng Homestay ở các làng văn hóa du lịch hay việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đã tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng, uy tín, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Văn hăng hái thực hiện toàn diện các phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động do T.Ư, tỉnh phát động. Với sức lan tỏa của chương trình khởi nghiệp và nghị lực vươn lên xây dựng cuộc sống tiến bộ, hạnh phúc, đã có không ít hội viên phụ nữ thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, các chị em đã thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường để làm chủ các hợp tác xã, doanh nghiệp, trở thành những cá nhân giỏi trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh. Dựa vào tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa du lịch vùng Cao nguyên đá, đa số hội viên khởi nghiệp trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như: Cắt may trang phục dân tộc, thêu dệt thổ cẩm. Nhờ đó, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng chục hội viên.
Chị Vàng Thị Mỷ, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) chia sẻ: “Nhà tôi mở xưởng may mặc đồ trang phục phụ nữ người Mông. Khi mới bắt đầu sản xuất quy mô nhỏ, nhưng bây giờ đã thành lập được hợp tác xã, giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, gồm: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La. Bình quân lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm”. Để có những thành công trên, những năm qua, Hội LHPN huyện Đồng Văn thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên theo hình thức cầm tay chỉ việc, giúp những hội viên mù chữ, không biết nói tiếng phổ thông cũng làm được việc. Đồng thời, vận động chị em là đảng viên gương mẫu, tiên phong làm kinh tế trước và là những người đi đầu nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm, lĩnh vực nào có ưu thế, phù hợp và có thể nhân rộng thì hướng dẫn hội viên làm theo. Cùng với đó, Hội phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch đưa những sản phẩm mới, nổi bật tham gia vào các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu.
Trong hàng ngàn bông hoa rực rỡ sắc màu, nhắc đến người phụ nữ hiện đại phải kể đến bà Nguyễn Thị Vi, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). Sau những năm tháng bộn bề, tần tảo, đối với bà thì niềm vui lớn nhất của đời người là nhìn thấy các con có công ăn, việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan học giỏi, gia đình biết đoàn kết, yêu thương nhau. Mặc dù đến tuổi nghỉ ngơi nhưng bà Vi vẫn cùng chồng xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, cho thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm. Không chỉ riêng bà Vi, dưới bàn tay lao động cần cù, siêng năng, chị Lê Thị Hạnh, thôn Đồng Kem, xã Đồng Yên (Bắc Quang) đã biến mảnh đất khô cằn sỏi đá ngày nào thành khu vườn phủ kín màu xanh tươi tốt của cây cam, cây lạc và kết hợp với chăn nuôi lợn, gà để làm giàu cho gia đình. Những tấm gương như thế đã góp phần tô thắm hình ảnh đẹp về người phụ nữ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bước vào thời kỳ đổi mới, thời cơ và thuận lợi rất lớn nhưng cũng có những thách thức đặt ra đối với phong trào phụ nữ và công tác hội. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã và đang tiếp tục tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202003/toa-sang-trong-vuon-hoa-hoi-nhap-756398/