Tỏa sáng từ những điều bình dị

Giá trị Việt - khái niệm mang trên mình bao khát vọng lớn lao, tưởng như rất khó để nhìn, nắm, thấu hiểu và thực thi. Song, trên thực tế, xung quanh chúng ta luôn có những con người không ngừng dấn thân để những điều tốt đẹp được hiển hiện, tỏa sáng giá trị trong mọi mặt đời sống xã hội.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân bình dị…

Mỗi bước chạy trên đường đua của “Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh là một lần, lại một lần cô dùng hết sinh lực để xác tín với cả thế giới về một “phiên bản” đầy nghị lực của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại. Từng có lúc nản lòng, muốn từ bỏ nghiệp chạy vì căn bệnh viêm cầu thận quái ác hành hạ, nhưng rồi cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Oanh vẫn tìm được một khoảng sáng, dù le lói để vươn lên, tiếp tục sống và “thở” với điền kinh. Cô gái nhỏ bé đã in những dấu chân dứt khoát, quyết liệt trên đấu trường quốc tế, giúp môn thể thao nữ hoàng xứ Việt vang danh.

“Ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh là một trong những tác phẩm dự thi năm nay chọn khai thác sự dấn thân mạnh mẽ, quả quyết của thế hệ trẻ. Họ, khi đứng trước những thử thách của chuyên môn, của thời cuộc xô lệch, của bàn cân kinh tế chao nghiêng quá rõ ràng…, đã không chọn quay đầu.

Bằng câu chuyện cụ thể, các tác giả đã vẽ nên chân dung một thế hệ nhà khoa học mới, vừa miệt mài nghiên cứu, có tinh thần tận hiến, vừa không quên sống những tháng ngày rực rỡ của tuổi trẻ. Họ đều là những người trẻ, tự “quàng vào mình” khát vọng làm người tiên phong, trở thành cầu nối đưa y học Việt ra thế giới. PGS-TS-BS Đào Việt Hằng trong bài viết “Duyên nợ” với blouse trắng hoàn thiện từng mảnh ghép cuộc đời bằng những điều đã trao đi…

Hạnh phúc thiêng liêng của người bác sĩ

Hạnh phúc thiêng liêng của người bác sĩ

Hay chàng trai khiếm thị trong “Ngôi trường pháp thuật” của Vinh đã định danh giá trị bằng một hành trình đầy xúc cảm. Đó là khi tác giả dẫn dắt người đọc khám phá ra bên trong “ngôi trường pháp thuật” mà Nguyễn Thành Vinh xây thành lũy cho mình không chỉ có nghị lực vươn lên của một người khiếm thị. “Phép thuật” vĩnh cửu để lấp đầy khiếm khuyết chỉ có thể là sự thông tuệ, là trái tim khi còn đập vẫn không ngừng yêu đời. Hành trình vạn dặm của Nguyễn Thành Vinh không phải bắt đầu từ nước Anh xa xôi, mà bắt đầu từ niềm tin ở hiện tại, ngay trong trái tim mình.

Những CEO trẻ triệu đô

Những CEO trẻ triệu đô

Theo bước chân thiên di của người Việt, những đồng bào xa xứ đã chọn khởi đi giá trị Việt ra quốc tế bằng cách giữ lại những gì truyền thống nhất. “Helen ở Sint-Niklaas ấy à, trong mắt cô ấy thì ai cũng giỏi, ai cũng đáng khen”; “Chẳng ai như Helen Ngô, bảo chồng đi thuê khách sạn ngủ để nhường nhà đón giáo viên, trẻ em vào thí điểm làm trại tiếng Việt”... Đó là Helen Ngô “lạ lùng” trong bài viết Helen Ngô và Trại tiếng Việt dành cho trẻ em ở Bỉ.

Những cây cầu “Vê Ka”

Những cây cầu “Vê Ka”

Khởi đi những giá trị trường tồn

Ngàn năm văn hiến không là ước lệ, lớp lớp thế hệ cha anh đã chứng minh rằng giá trị Việt là hành trình không ngừng tiếp nối. Ngày tác giả Phạm Hoài Nam được gặp sử gia Nguyễn Đình Đầu thì ông đã 102 tuổi. Ở cái tuổi thượng thọ đó, gia tài ông để lại đâu chỉ có kho tàng sử vô giá dày công nghiên cứu, mà ông chính là sử: “Hàng ngày tôi đều đọc báo, để theo dõi thời sự trên các lĩnh vực của TPHCM và cả nước. Một ngày tôi có 8 giờ làm việc, đọc sách báo, nghiên cứu khoa học. Ngay cả trong lúc nghỉ, tôi cũng có những suy nghĩ cho tinh thần, đặt kế hoạch công việc, hoạt động cho những điều hữu ích, tìm tòi, suy tư về những điều mình chưa hiểu hết, chưa làm được cho cuộc đời này, xã hội này. Tôi muốn hiến cả tâm hồn và thể xác cho khoa học, cho thành phố này”. Trong vô vàn những điều cần lan tỏa, có gì giá trị hơn trái tim của sử gia?

Hay như nhà báo Nguyễn Đức Quang, người không mang nhiệm vụ nhưng lại “sắm” cho mình thật nhiều vai trên hành trình trả nghĩa đời. Có ai thúc ép đâu, nhưng ông tự “quàng mình” vào những trọng trách ít ai nghĩ tới: xây đền cho những liệt sĩ nằm xuống nơi biên cương, xây nhà cho người nghèo, xây cầu bắc qua những bờ sông khuất nẻo… Ông làm nhiều nhưng ít ai biết, bởi vì người lính chính là ông.

Tỏa sáng giá trị Việt, một “đề bài” hay nhưng khó. Nhiều tác giả dự thi nhận xét: Mục tiêu và ý nghĩa của cuộc thi rất giá trị, giúp lan tỏa những thành tựu, giá trị tinh túy của dân tộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Việc phát hiện các nhân tố giỏi, câu chuyện hay không khó, nhưng cái khó là truyền tải thông điệp làm sao cho không lên gân, phô trương, hình thức mới là thử thách với người viết… Gần 200 tác phẩm là bài viết và trên 50 tác phẩm là video clip dự thi đã phần nào phác thảo được giá trị Việt trong thời hiện đại, trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó là sự phong phú thể loại so với Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí “Người tốt - Việc tốt” trước đó, từ ký sự, phỏng vấn đến video clip… cho thấy sức hấp dẫn, chất lượng của cuộc thi và việc phát triển những giá trị tốt đẹp luôn được nhiều giới, tầng lớp quan tâm, hưởng ứng.

Những nữ “chiến binh” bóng chuyền

Những nữ “chiến binh” bóng chuyền

Theo nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, Thường trực Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo cuộc thi, các tác phẩm tham dự cuộc thi đã khắc họa rõ nét những con người nghĩa hiệp, hết lòng quan tâm, chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn trong xã hội; những tấm gương giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên; những gương bạn trẻ mang trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa các gương điển hình, việc làm tốt, và đây cũng là một cách để đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu, độc đang xuất hiện rất nhiều, nhất là trên không gian mạng.

Cuộc thi còn rất nhiều bài viết hay, xúc động. Trân trọng mời bạn đọc xem 65 tác phẩm được chọn đăng trên https://www.sggp.org.vn/toasanggiatriviet/

Sáng nay 20-6, tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt” năm 2022-2023 và phát động cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt” năm 2023-2025

Cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt” năm 2022-2023 đã được phát động vào ngày 21-6-2022, vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa những gương điển hình người tốt - việc tốt, đồng thời mở rộng phạm vi đề tài là các nhân tố mới trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa để lan tỏa các giá trị, góp phần phát triển đất nước, xây dựng hình mẫu, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bên cạnh giải thưởng cho tác phẩm là bài viết trên SGGP Nhật báo, cuộc thi còn có thêm hạng mục giải thưởng video clip trên SGGP Online, nhằm phù hợp với những phương thức truyền tải đa phương tiện hiện nay. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 200 tác phẩm là bài viết và trên 50 tác phẩm là video clip của nhiều cây bút chuyên nghiệp (nhà văn, nhà báo) cùng nhiều cây bút không chuyên trên khắp mọi miền đất nước gửi tham dự. Qua một năm phát động, đã có 65 bài viết và 12 video clip được chọn đăng trên các ấn phẩm của SGGP.

Tiếp nối thành công của cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt” năm 2022-2023; với mong muốn tiếp tục nâng cuộc thi lên tầm cao mới, thiết thực kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hôm nay 20-6, Báo SGGP phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động cuộc thi “Tỏa sáng giá trị Việt” năm 2023-2025. Buổi lễ diễn ra từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 sáng hôm nay tại Tòa nhà Sài Gòn Giải Phóng, livestream trên các trang điện tử của Trung ương Đoàn (Ứng dụng Thanh niên Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn, Cổng thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn) và Fanpage SGGP Online.

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/toa-sang-tu-nhung-dieu-binh-di-post694317.html