Tòa Tu Di Thời Lý: 'Từ thực đến ảo, từ ảo đến thực'
Từ những mảnh vỡ cách đây gần 1.000 năm còn sót lại, nhóm nhà khoa học Sen Heritage đã nghiên cứu và áp dụng các công nghệ 4.0 để phục dựng thành công tòa Tu Di thời Lý, từ đó đưa di sản này trở thành những vật phẩm thực tế, có tính ứng dụng cao.
1. Tại Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cuối tháng 4/2022, bài tham luận về quá trình phục dựng và ứng dụng tòa Tu Di thời Lý của PGS.TS Trần Trọng Dương được Ban Tổ chức sắp xếp trình bày thứ hai. Nhưng chủ trì Hội thảo là PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu đã tinh ý nhận ra đây là một báo cáo có giá trị đặc biệt và ông đã quyết định “để dành” vào cuối buổi.
Quả nhiên, tham luận của PGS.TS Trần Trọng Dương đã thu hút sự quan tâm của tất cả những nhà khoa học tại Hội thảo. Khi diễn giả dừng lời cũng là lúc những tràng pháo tay vang lên giòn giã và không khí buổi thảo luận sinh động hẳn. Có ý kiến sau đó đề nghị làm rõ thêm; có ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị; có ý kiến đề nghị nhóm tác giả mở rộng thêm phạm vi ứng dụng… nhưng tựu trung, mọi người đều thống nhất với PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, đây là một báo cáo rất hay, rất hấp dẫn.
Hôm đó, các đại biểu hào hứng thảo luận đến nỗi “đã hết giờ, bên ngoài gọi cơm nhưng bên trong vẫn chưa muốn kết thúc”, như lời nhận xét tổng kết Hội thảo của PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu. Thậm chí, trao đổi bên lề Hội thảo, có ý kiến còn tỏ ý “lo ngại” khi dự báo rằng, khoảng 10 năm nữa, xã hội sẽ chỉ chấp nhận một long trụ thời Lý có cấu trúc, hình dạng như nhóm Sen Heritage phục dựng mà không chấp nhận những đề xuất, những mô hình khác nữa…
Những điều ấy đã phần nào cho thấy sự thuyết phục cũng như hấp lực đáng nể và tính ứng dụng cao của công trình phục dựng tòa Tu Di thời Lý mà nhóm Sen Heritage thực hiện.
2. Chia sẻ về quá trình phục dựng tòa Tu Di, PGS.TS Trần Trọng Dương - người đồng sáng lập nhóm Sen Heritage cho biết, khi nghiên cứu 3 hiện vật khảo cổ thời Lý là trụ đá Bách Thảo, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh… các thành viên Sen Heritage nhận thấy có mối liên hệ nào đó giữa ba hiện vật này.
Tuy nhiên, mối liên hệ này không rõ nét vì trải qua gần 1.000 năm, cả ba hiện vật này đều đã hư hại, mất mát. Trong đó, trụ đá Bách Thảo còn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã bị cụt mất đầu rồng và hoa sen, chân đế tại chùa Phật Tích và đỉnh sen tại Bảo tàng Bắc Ninh đều đã vỡ mất một nửa, may mắn thay còn vài bức ảnh do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp chụp mặt trước của đầu rồng.
GS.TS Trần Trọng Dương và nhóm Sen Heritage ra mắt sản phẩm Tu Di đài là hiện vật thật.
“Tuy các hiện vật này không nằm trên một di tích nhưng có những đặc điểm chung là cùng một chất liệu, đều là điêu khắc dạng trụ và thống nhất về mô típ hoa văn tạo hình. Ngoài ra, có một điểm rất đáng chú ý là trên trụ đá Bách Thảo còn có “ngõng” (một chi tiết để lắp ghép các bộ phận rời với nhau). Từ đó, chúng tôi cho rằng, ba hiện vật này có thể là các mảnh rời của một hiện vật hoàn chỉnh”, PGS.TS Trần Trọng Dương chia sẻ.
Theo hướng nghiên cứu này, cùng với sự tham gia cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc và TS. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Sen Heritage đã nghiên cứu, phục dựng lại hiện vật hoàn chỉnh Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh - di sản quan trọng được đặt trung tâm của nghi lễ tắm Phật thời Lý.
3. Trong quá trình phục dựng hiện vật, nhóm Sen Heritage đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) nhờ đó đã giải quyết được nhiều vấn đề về kỹ thuật, lịch sử, kiến trúc và đưa ra hoặc điều chỉnh các giả thuyết tốt hơn. Công nghệ ảo giúp các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra được độ chính xác của công trình cũng như có thể tháo dỡ các chi tiết để chỉnh sửa và có thể đưa ra nhiều bản phỏng dựng dựa theo những giả thuyết khác nhau.
Đồng thời, công nghệ thực tế VR giúp người xem ở thế kỷ XXI có thể “xuyên không” 900 năm để trải nghiệm không gian 3D chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý, nơi diễn ra nghi lễ tắm Phật như văn bia Sùng Thiện Diên Linh mô tả. Từ đây, người xem vừa được tham quan ngôi chùa cổ, vừa có thể hình dung về nơi diễn ra những nghi lễ Phật giáo trong không gian lộng lẫy của phong cách kiến trúc hoàng gia triều Lý. Ngôi chùa vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ nhiều thế kỷ trước bỗng hiện lên đầy sống động trước mắt người xem với tháp chuông Quy Điền, hồ Bích Trì, tháp Bạch Manh… Dù tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo nhưng các thành phần kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đều được xử lý, tính toán dựa trên số liệu cụ thể nhằm mang đến cảm nhận chân thực và sinh động nhất.
Người xem“xuyên không” 900 năm để trải nghiệm không gian 3D chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý.
“Mặc dù đã có sự giúp sức của công nghệ, hơn 10 anh em nhóm Sen Heritage vẫn mất hơn 6 tháng với gần chục đồ án để tạo ra những hình ảnh 3D thuyết phục nhất”, PGS.TS Trần Trọng Dương tiết lộ.
4. Sau khi phục dựng Tu Di tòa thành công, Sen Heritage đã nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu này vào đời sống. Từ việc áp dụng công nghệ VR “ảo hóa” hiện vật, giờ đây, Sen Heritage lại áp dụng công nghệ in 3D, tái tạo lại các hiện vật thật từ mô hình ảo để ứng dụng trong đời sống. Hiện vật thật được tái tạo với kích thước bằng hiện vật nguyên bản với chiều cao là 1,61m hoặc thu nhỏ xuống 28 hoặc 36cm tùy theo yêu cầu sử dụng. Chất liệu hiện vật có thể là composite, đồng, đá, thậm chí là vàng, bạc...
Năm 2021, bản phục dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý thành hiện vật thực tế đầu tiên do Sen Heritage thực hiện theo tỷ lệ nguyên gốc đã được đặt ở trung tâm pháp hội tắm Phật của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ. Mới đây, một bản phục dựng cũng được Sen Heritage chuyển đến chùa Phật Tích (Bắc Ninh) để phục vụ lễ tắm Phật 2022.
Ngoài ra, một số giáo sư tại Đại học Quốc gia, Đại học Columbia, Đại học Cornell (Mỹ) đã đề nghị chia sẻ bản phim 3D làm bài giảng cho các chương trình giảng dạy Việt Nam học của trường. Hiện Sen Heritage cũng đã đưa ra những bản phục dựng Tu Di tòa với kích thước nhỏ hơn để làm đồ trang trí, quà tặng…
“Từ ảo thành thật, việc đưa một hiện vật đi từ di sản thời Lý 900 năm trước ra đời sống thực tại, đó chỉ là kết quả ban đầu của Sen Heritage trong mục tiêu phỏng dựng nhiều hiện vật cổ khác trong thời gian tới của nhóm chúng tôi, như đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí…”, ông Dương nói.
Theo PGS.TS Trần Trọng Dương, kiến trúc, mỹ thuật thời Lý luôn được xem là thời kỳ vàng son của mỹ thuật Việt, với nhiều công trình vừa quy mô, vừa tinh xảo. Đó là lý do những nhà nghiên cứu của nhóm Sen Heritage tiến hành hành trình tìm lại những nét đẹp văn hóa thời Lý để đưa vào cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật thời Lý chủ yếu là phế tích. Việc đưa ra một phiên bản phục dựng Tu Di tòa thời Lý cũng gặp phải những luồng ý kiến khác nhau, trong đó, có ý kiến cho rằng việc phục dựng là chưa đủ cứ liệu.
“Chúng ta chưa tìm được một Tu Di tòa, hay tượng Thích Ca sơ sinh hoàn chỉnh thời Lý, nên không thể đòi hỏi việc phục dựng giống 100% thực tế. Vì thế, Sen Heritage đã phải nghiên cứu về phong cách tượng pháp trên các tư liệu khảo cổ Phật giáo để sáng tạo nên hình tượng đức Thế tôn đản sinh theo phong cách “Phật ướt áo” truyền thống. Sản phẩm phục chế, phỏng dựng của chúng tôi cố gắng đem mỹ thuật thời Lý trở lại cuộc sống bằng những sản phẩm cụ thể, có tính ứng dụng, với tâm niệm tái lập văn minh Đại Việt, đưa quá khứ tới tương lai. Bằng việc làm của mình, chúng tôi mong muốn khi thực hiện các nghi thức Phật giáo, trang trí Phật giáo, chúng ta nên hướng về nguồn cội, để khẳng định vẻ đẹp, tôn vinh, lan tỏa văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ, đó là điều quan trọng mà Sen Heritage đã làm được”, PGS.TS Trần Trọng Dương chia sẻ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toa-tu-di-thoi-ly-tu-thuc-den-ao-tu-ao-den-thuc-post199553.html