Toàn bộ tên lửa Stinger đã đến điểm nóng
Thủ tướng Latvia, Krisjanis Karins gây bất ngờ khi tuyên bố, toàn bộ tên lửa phòng không vác vai Stinger của nước này đã được chuyển cho Ukraine.
Tuyên bố được ông Krisjanis Karins đưa ra khi phát biểu tại một hội nghị ở London hôm 21/6: "Tất cả các tên lửa Stinger của chúng tôi hiện đang ở Ukraine. Ngoài ra, chúng tôi còn có phi đội trực thăng quân sự rất tốt và sẽ sớm được chuyển cho Kiev".
Trước khi ông Krisjanis Karins đưa ra xác nhận trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Latvia Inara Murniece cũng cho biết: "Latvia đồng ý với đề xuất của Ukraine về việc cung cấp các hệ thống phòng không và chúng tôi quyết định chuyển giao cho Ukraine toàn bộ FIM-92 Stinger mà chúng tôi có".
Bà Inara Murniece cho biết thêm, Latvia sẽ tiếp tục triển khai chương trình đào tạo quân nhân Ukraine. Mục tiêu của Latvia là tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại nước này trong năm nay so với năm 2022.
"Chúng tôi thấy rằng có thể đào tạo nhiều quân nhân hơn nữa cho Lực lượng vũ trang Ukraine ở các cấp độ khác nhau. Tôi chắc chắn rằng vào cuối năm nay, Latvia sẽ huấn luyện gần ba nghìn binh sĩ của Lực lượng vũ trang Ukraine", bà Inara Murniece nói.
Bà Bộ trưởng này nhấn mạnh rằng, Riga cùng với các đồng minh khác cũng đang nghiên cứu một sáng kiến mới để huấn luyện các binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở Latvia một cách hiệu quả hơn nữa.
Theo tờ Business Insider của Mỹ, cùng với Stinger còn có 2 loại tên lửa vác vai tối tân khác phương Tây cung cấp cho Ukraine là Javelin và NLAW đang phát huy hiệu quả cao trong cuộc chiến với quân đội Nga.
Tên lửa vác vai Stinger được Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay. FIM-92 được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp, đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải.
Stinger được coi là bước tiến lớn so với dòng FIM-43 Redeye trước đó. Tên lửa được tăng tầm bắn, khả năng đánh chặn mục tiêu bay nhanh và trang bị hệ thống nhận diện địch - ta. Mẫu FIM-92 cơ bản có tầm bắn 4,5 km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Mỹ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 8 km.
"Với tầm bắn hiệu quả 4,5 km, nó có thể bắn trúng mọi mục tiêu bay dưới 3,5 km. Đầu dò hồng ngoại có thể dẫn đường cho tên lửa đến đến mục tiêu nhờ bám bắt tín hiệu nhiệt trên phi cơ, thường là động cơ", chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou của tờ Business Insider đánh giá.
Trong khi đó, hai loại tên lửa vác vai còn lại Javelin và NLAW được coi là nỗi ám ảnh với lực lượng tăng thiết giáp Nga trên chiến trường Ukraine.
Quân đội Ukraine nhận lô Javelin đầu tiên từ Mỹ hồi tháng 3/2018, gồm 37 ống phóng và 210 quả đạn có tổng trị giá 47 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cuối năm 2019 phê duyệt lô thứ hai gồm 150 quả đạn và 10 bệ phóng.
Kể từ khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022, Mỹ đã cung cấp cho Kiev số lượng lớn Javelin với hy vọng gây thiệt hại lớn nhất có thể với lực lượng tăng thiết giáp Nga.
Javelin có tầm bắn khoảng 2,5 km, được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại tự bám bắt mục tiêu. Điều này cho phép xạ thủ ẩn nấp từ khoảng cách an toàn, khóa mục tiêu rồi khai hỏa.
Trong quá trình tên lửa tự lao tới mục tiêu, xạ thủ và người cảnh giới nhanh chóng rời khỏi trận địa, tránh được hỏa lực bắn trả của đối phương.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/toan-bo-ten-lua-stinger-da-den-diem-nong-post643900.html