Toàn cảnh con đường huyết mạch trong tay Nga (phần 1)

Ngay từ thời Trung Cổ, nhiều quốc gia đã mơ về con đường ngắn nhất từ châu Âu tới được vùng Viễn Đông và Trung Quốc, là thông qua Bắc Băng Dương. Cho đến nay, nhiều quan điểm tin rằng chỉ người Nga mới có thể biến điều đó thành hiện thực.

Tầm nhìn của người Nga cổ

Tháng 8 năm nay, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê duyệt kế hoạch phát triển Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) đến năm 2035. Đây được xem là huyết mạch giao thông, và là “quân bài tẩy” của Nga trong việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa đến các quốc gia thân thiện với Moscow, giữa bối cảnh đang bị bủa vây bởi làn sóng trừng phạt của phương Tây.

NSR đã và đang được Nga tích cực sử dụng để cung ứng hàng hóa cho các lãnh thổ của mình ở phía Bắc và Viễn Đông, cũng như để thông thương với Trung Quốc. Điều này thực sự mang lại lợi thế thương mại rất lớn, khi rút ngắn quãng đường di chuyển từ St. Petersburg của Nga đến Thượng Hải của Trung Quốc xuống còn 28 ngày, so với 50 ngày nếu đi qua Kênh đào Suez.

Bản đồ minh họa hai tuyến đường từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương thông qua NSR (đỏ) và Kênh đào Suez (xanh). Nguồn: RT

Bản đồ minh họa hai tuyến đường từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương thông qua NSR (đỏ) và Kênh đào Suez (xanh). Nguồn: RT

Nhưng ngay cả với điều kiện kỹ thuật phát triển như ngày nay, việc định hướng được ở Bắc Băng Dương vẫn là bất khả thi nếu không có một hạm đội chuyên dụng, có thể điều hướng các tảng băng và mở đường cho tàu thuyền nếu chúng bị mắc kẹt trong băng.

Bắc Cực vốn là nơi những tảng băng dày 3m ngự trị suốt 9 tháng trong năm, với nhiệt độ xuống tới âm 50 độC, và màn đêm bất tận vào mùa Đông. Bất chấp nguy hiểm chết người khi di chuyển trong điều kiện như vậy, nhiều quốc gia đã cố gắng để làm chủ tuyến đường biển này hòng tìm ra con đường nhanh nhất từ châu Âu đến Siberia và Viễn Đông, rồi từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.

Vào giữa thế kỷ 16, thủy thủ đoàn của con tàu Anh Edward Bonaventure, do Richard Chancellor chỉ huy, đã lên bờ cách TP Severodvinsk ngày nay của Nga không xa. Con tàu được công ty Muscovy có trụ sở tại London cử đi tìm “một con đường Đông Bắc đến Trung Quốc”.

Tuyến đường này được người Anh và các nước láng giềng của họ quan tâm, không chỉ vì Trung Quốc. Người châu Âu biết rằng những loại lông thú tốt nhất mà người Nga buôn bán với châu Âu - đầu tiên qua Kholmogory và sau đó là Arkhangelsk (cách Moscow khoảng 1.200km về phía Bắc) có nguồn gốc từ Siberia, và do đó họ muốn tìm cách thiết lập mối liên hệ cũng như quan hệ thương mại của riêng mình với TP Mangazeya của Siberia.

Người Pomors (nhóm dân tộc Nga cổ đại) sống ở miền Bắc nước Nga được tin là những người đầu tiên khai mở các phần của tuyến đường biển phía Bắc. Họ buôn bán với các thương gia nước ngoài và là những nhà hàng hải lành nghề ở các vùng biển này.

Đây cũng là những người đầu tiên thiết lập hoạt động thương mại với Siberia và đó là lý do tại sao trung tâm thương mại của Siberia - Mangazeya - đã hình thành. Tất cả tài nguyên trong các khu rừng ở Siberia đều chảy về đó, và từ đây chúng được gửi bằng đường biển đến Arkhangels, rồi đến phần còn lại của nước Nga hoặc châu Âu.

Hoạt động đối ngoại trong khu vực phát triển đến mức Sa hoàng Nga thời điểm đó đã phải cấm các thương nhân Nga và nước ngoài tự ý sử dụng tuyến đường biển phía Bắc, thậm chí với hình phạt cao nhất là tử hình.

Dựa trên kinh nghiệm của người Pomors, nhà ngoại giao Nga Dmitry Gerasimov vào thế kỷ 16 đã vạch ra kế hoạch đầu tiên về tuyến đường biển từ châu Âu đến Trung Quốc thông qua Bắc Băng Dương. Ông đã chia sẻ với nhà sử học người Ý Paolo Giovio về kế hoạch này.

Ý tưởng này sau đó nhanh chóng được lan truyền ở cả các nước châu Âu và Nga, nhưng vào thời điểm đó loài người không có đủ năng lực kỹ thuật để đi thuyền ở Bắc Cực, khiến nó dần rơi vào quên lãng cho đến thế kỷ 19.

Bước ngoặt: chinh phục mùa Đông Bắc Cực

Chỉ đến cuối những năm 1870, con tàu Thụy Điển Vega mới thực hiện chuyến đi biển đầu tiên. Sau chuyến thám hiểm này, vào năm 1893, người Na Uy cũng đã đi thuyền qua Bắc Băng Dương. Phải đến gia đoạn 1900 - 1902, các nhà thám hiểm người Nga trên tàu buồm Zarya mới tham gia hành trình này.

Để hiểu, Nga không phải là những người tiên phong, nhưng Liên Xô sau này lại là nước đầu tiên chứng minh được khả năng sử dụng hiệu quả tuyến đường biển phía Bắc và khai phá hàng hải trong thời tiết mùa Đông.

Giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Bắc Cực diễn ra liên quan đến việc khai phá các hòn đảo ở Bắc Băng Dương. Một đoàn thám hiểm do Georgy Ushakov chỉ huy đã đổ bộ lên đảo Wrangel vào năm 1926, đánh dấu việc một khu định cư và trạm địa cực đã được thành lập ở đó. Đến năm 1929, công cuộc khai hoang vùng đất Franz Josef bắt đầu. Cả hai vùng lãnh thổ này hiện đều thuộc về Nga.

Vài năm sau, vào năm 1933, Liên Xô là quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến đi mùa Đông tới Bắc Cực, khi một đoàn thám hiểm chở hàng hóa đến cho những người định cư trên đảo Novaya Zemlya.

Đầu những năm 1930, nhờ nỗ lực năng động của các nhà nghiên cứu khoảng chục năm về trước, tuyến đường biển phía Bắc đã có điều kiện phát triển toàn diện hơn. Các cuộc thám hiểm thường xuyên được tiến hành ở khu vực phía Tây của nó, kéo theo việc một mạng lưới các đài liên lạc vô tuyến đã được lắp đặt tại các địa điểm ven biển quan trọng, đồng thời các dự báo khí tượng và băng đã được tổng hợp cho các vùng biển Barents và Kara.

Một bước đột phá xảy ra vào năm 1932 là khi một đoàn thám hiểm dưới sự chỉ huy của Otto Shmidt trên tàu phá băng Alexander Sibirykov đã vượt qua toàn bộ tuyến đường biển phía Bắc từ Arkhangelsk đến Vladivostok chỉ trong 1 chuyến đi. Chuyến thám hiểm này thậm chí đã gặp sự cố, khi mà con tàu hơi nước đã bị mất chân vịt. Các nhà khoa học đã tạo ra một bộ cánh buồm tạm thời và đã đến đích như dự định. Tổng thời gian của chuyến đi là 2 tháng 3 ngày.

Tuy nhiên, việc di chuyển trên những vùng băng khổng lồ ở Bắc Cực vẫn là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Năm 1933, sau chiến thắng của thủy thủ đoàn Alexander Sibirykov nói trên, tàu hơi nước Chelyuskin đã ra khơi tới vùng biển Bắc Cực. Đến vùng biển Chukchi, con tàu đã bị băng đè lên và bị đẩy trôi dạt cùng toàn bộ thủy thủ đoàn trong gần 5 tháng trước khi chìm hẳn.

Vào giữa thế kỷ này, việc vận chuyển hàng hải dường như đã an toàn hơn. Năm 1953, Liên Xô bắt đầu chế tạo tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhờ đó việc di chuyển quanh năm tại Bắc Cực đã trở nên khả thi. Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên mang tên Lenin chính thức được đưa vào sử dụng năm 1959. (còn tiếp)

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/toan-canh-con-duong-huyet-mach-trong-tay-nga-phan-1.html