Toàn cảnh đường Vành đai 3 qua 4 địa phương

Dự án đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh được kỳ vọng là dự án kết nối 4 địa phương TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Từ tuyến cao tốc này, trong tương lai việc vận chuyển hàng hóa lưu thông qua các địa phương sẽ rút ngắn đáng kể thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

Phối cảnh nút Tân Vạn và nút cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3) với cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành

Phối cảnh phần đường phía dưới của đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16-6-2022, Chính phủ triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15-8-2022. Dự án có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên đường đô thị 2- 3 làn xe, cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đây là cây cầu lớn nhất đường Vành đai 3, thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Tại tỉnh Đồng Nai, Dự án đường Vành đai 3 dài hơn 11km với điểm đầu tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch nối qua TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h

Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài tuyến đường khoảng 26,6 km. Trong đó, nút giao Tân Vạn dài 2,4 km; đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km; đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km.

Dự án có 6 nút giao thông lớn, kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành, Long Thành – Dầu Giây, Tân Vạn, TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, Bình Chuẩn và Tỉnh lộ 10

Quy mô đầu tư 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Quy mô giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với phần đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Tại TP.Hồ Chí Minh, dự án có gần 13km đi qua, từ nút giao cao tốc Long Thành – Dầu Giây đến Tân Vạn

Vành đai 3 là dự án kết nối các tuyến cao tốc hướng tâm, như: TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, tạo liên kết cho cả vùng

Quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, đối với phần đường cao tốc: Đầu tư ½ mặt cắt ngang của đường cao tốc giai đoạn hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cho giai đoạn 1, tốc độ thiết kế 80 km/h, với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m; các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Cầu Bình Gởi thuộc dự án thành phần 5 từ Bình Dương bắc qua sông Sài Gòn kết nối với TP.Hồ Chí Minh đi Long An và ngược lại

Đối với phần đường song hành 2 bên được thiết kế quy mô đường song hành mỗi bên bố trí tối thiểu 2 làn xe, bố trí không liên tục, theo nguyên tắc chỉ bố trí phạm vi tuyến qua đô thị, khu dân cư. Tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án thành phần 5 (đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương) tổng chi phí xây lắp 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương) với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 13.528 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026.

Minh Duy

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/toan-canh-duong-vanh-dai-3-qua-4-dia-phuong-a299809.html