Toàn cảnh ngành thép quý II: Phân hóa mạnh, điểm sáng thuộc về Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim

Trong bối cảnh giá thép nguyên liệu ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lãi lớn trở lại trong nửa đầu năm 2024, trong khi đó 'nỗi buồn' dành cho các doanh nghiệp thương mại. Ngoài ra là những câu chuyện mới liên quan đến thuế chống bán phá giá khi 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.

Sản lượng phân hóa giữa các quốc gia lớn trên thế giới

Sản lượng thép thô toàn cầu bắt đầu đi vào quá trình phục hồi đạt 954,6 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, không thay đổi so với cùng kỳ, đến từ hầu hết các quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới. Một số khu vực có mức sụt giảm là Trung Quốc (-1%); Nga (-3%) trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các quốc gia này chưa phục hồi.

Trong báo cáo mới đây về ngành thép, Chứng khoán VCBS nhận định, thị trường có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc, nhu cầu yếu hơn dự kiến, các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu và thanh lý hàng tồn kho, Cùng đó, tình hình suy yếu tại thị trường bất động sản Trung Quốc kéo tụt nhu cầu cho các loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng, ….. (thị trường bất động sản chiếm trên 50% nhu cầu tiêu thụ các vật liệu này). Đồng thời, Trung Quốc quyết định hủy khoản hoàn thuế xuất khẩu với một số loại thép thành phẩm khi giới chức nước này muốn đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm sản lượng thép, kiểm soát ô nhiễm môi trường và tập trung vào thị trường nội địa.

Ngược lại, sản lượng sản xuất thép duy trì đà phục hồi do thị trường nhà ở, ôtô, dân dụng dần hồi phục. Tuy nhiên, giá thép HRC sụt giảm sau khi thép giá rẻ từ Châu Á tràn vào. Còn tại Ấn Độ, tăng trưởng sản lượng mạnh trong nửa đầu năm nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng và chính sách thúc đẩy chi tiêu công hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thép.

Ảnh: VCBS

Ảnh: VCBS

Doanh số thị trường nội địa ghi nhận hồi phục tích cực

Nhu cầu thị trường nội địa ghi nhận con số tích cực trong 6 tháng đầu năm. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt 3,8 triệu tấn (+4%); thép ống +3% và tôn mạ +22%. Đà phục hồi này đến từ thị trường bất động sản trong nước hồi phục tốt ở miền Bắc và miền Nam với số dự án thực hiện xây dựng đạt mức cao trong nhiều năm đổ lại nhờ môi trường pháp lý được cải thiện cũng như nền tảng lãi suất thấp kích thích nhu cầu bất động sản.

Thị trường xây dựng nhà ở của người dân cũng phục hồi mạnh mẽ do giá vật liệu xây dựng ở mức thấp tạo nhu cầu xây nhà ở cho người dân sau giai đoạn chờ đợi giá nguyên vật liệu giảm và thu nhập cải thiện sau năm 2023 khó khăn.

Lợi nhuận ngành thép phân hóa, sản xuất hồi phục mạnh

Dù được kỳ vọng phục hồi cùng ngành bất động sản, thế nhưng bức tranh kinh doanh của ngành thép có sự phân hóa khá lớn trong nửa đầu năm giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại.

VCBS đánh giá, công ty hàng đầu như HPG, NKG, HSG có kết quả kinh doanh tăng trưởng rất tốt dựa trên kết quả cùng kỳ năm ngoái ở mức rất thấp tới tiêu cực. Quan trọng, lợi thế quy mô, thương hiệu và công nghệ đã giúp các công ty này gia tăng thị phần tại nội địa, tận dụng được nhịp hồi phục của thị trường xây dựng trong nước. Nhóm dẫn đầu cũng khá nhạy bén trước cơ hội xuất khẩu, tạo ra lợi nhuận vượt dự báo, đặc biệt là trong phân khúc tôn mạ. Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào khá ổn định trong quý I được phản ánh vào giá vốn quý II.

LỢI NHUẬN MỘT SỐ DOANH NGHIỆP THÉP

Niên độ 1/1/2024 - 31/12/2024

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp

Thị trường thép khó khăn là cơ hội cho HPG tiếp tục gia tăng thị phần. HPG có lịch sử gia tăng thị phần trong giai đoạn thị trường khó khăn và bứt phá khi thị trường hồi phục. Nhờ ưu thế về chi phí, HPG thường duy trì mức biến động sản lượng tích cực hơn so với toàn ngành.

Lợi nhuận quý II của HPG tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên hơn 3.300 tỷ đồng, nâng lợi nhuận nửa đầu năm lên gần 6.200 tỷ, gấp 3,4 lần cùng kỳ.

VCBS phân tích, thị trường xây dựng nội địa hồi phục là cơ hội lớn nhất cho Hòa Phát. Tăng trưởng diện tích xây dựng tại Việt Nam được chuyên gia dự báo tăng tốc trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 3%, chủ yếu đến từ sự hồi phục của nhóm xây dựng dự án nhà ở dân dụng vốn chiếm tới 2/3 sản lượng ngành. Sự hồi phục được kỳ vọng sẽ ở mức 3% trong năm 2025 và giúp cho nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng hồi phục.

VCBS phân tích, trong dài hạn, cơ hội tới từ đại dự án Dung Quất 2 dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2025 giai đoạn 1 với công suất 2,8 triệu tấn và quý IV/.2025 giai đoạn 2 với công suất 2,8 triệu tấn giúp HPG duy trì đà tăng trưởng cao trong dài hạn.

Hiện nay mặc dù 2 nhà sản xuất nội địa là HPG và Formosa có tổng công suất là 8,2 triệu tấn HRC tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa từ 12-13 triệu tấn HRC/năm. Sau khi HPG đi vào hoạt động hết công suất dự án Dung Quất giai đoạn 2, tổng công suất thiết kế tại Việt Nam đạt 13,8 triệu tấn. VCBS cho rằng khả năng tiêu thụ được hàng của HPG phụ thuộc rất lớn vào chính sách bảo hộ chống bán phá giá (CBPG) với HRC Trung Quốc do thép Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh gắt gao với thép nội địa; Có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu sau khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động nếu thuế CBPG không được áp dụng.

Tại Tập đoàn Hoa Sen, doanh thu thuần và lợi nhuận trong quý II đều cho thấy con số tiếp tục phục hồi so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ, cả kênh xuất khẩu và nội địa. Đồng thời, tích trữ lượng lớn hàng tồn kho giá rẻ trong quý IV/2023 và quý I giúp HSG cải thiện biên lợi nhuận. Lợi nhuận trong 6 tháng của Hoa Sen gấp gần 5 lần 6 tháng 2023.

Ngược lại, Thép Tiến Lên có doanh thu 2.895 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng,, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 152 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 15 tỷ đồng.

Với SMC, doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản như Novaland, Hòa Bình…, khiến doanh thu bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2023, về mức 4.470 tỷ đồng. Đáng lưu ý, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) ghi nhận âm 340 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 455,4 tỷ đồng). Nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác đạt 429,1 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế là con số dương (65 tỷ đồng).

Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác của Đầu tư Thương mại SMC tăng đột biến là do doanh nghiệp thoái các khoản đầu tư vào cổ phiếu NKG, đồng thời bán tài sản để tái cơ cấu.

Xét theo quý, kể từ quý III/2022 đến nay, Đầu tư Thương mại SMC có 6/8 quý thua lỗ, trong đó có quý II.

Nhìn về phía hàng tồn kho, các doanh nghiệp thép niêm yết đều có xu hướng tăng tích trữ hàng tồn kho, nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nước.

“Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành thép đang dần trở lại mức cao trong giai đoạn 2021 - 2022, khi giá thép cũng như giá cả hàng hóa tăng mạnh. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành thép trong 6 tháng cuối năm 2024 khó có thể đột phá. Chúng tôi cho rằng, sang năm 2025 - 2026, thị trường bất động sản mới thực sự phục hồi để thúc đẩy ngành thép tăng trưởng”, ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB đánh giá.

GIÁ TRỊ HÀNG TỒN KHO CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP THÉP

(Đơn vị: tỷ đồng)

Ảnh: Mai Trang tổng hợptừ báo cáo tài chính các doanh nghiệp

Ảnh: Mai Trang tổng hợptừ báo cáo tài chính các doanh nghiệp

Giá thép còn nhiều biến động trong ngắn hạn

Tại thị trường nội địa, VCBS cho rằng giá thép thanh tại Việt Nam sau đà giảm liên tiếp đã đi ngang ở mốc 14 triệu đồng/tấn (thấp nhất trong nhiều năm) mặc dù thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước phục hồi đã làm vơi đi áp lực giảm giá…

 Ảnh: VCBS

Ảnh: VCBS

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng giá thép có thể sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh giá trước bối cảnh giá thép Trung Quốc giảm mạnh và tạo ra mức giảm giá lớn. Thêm vào đó là mùa mưa là thấp điểm xây dựng có thể tạo áp lực giảm giá đối với giá thép trong nước.

Theo dự báo của WSA (Hiệp hội Thép thế giới), nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023 hồi phục nhẹ ở mức 1,8% và tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở đa phần các quốc gia như Châu Âu, Châu Á, Mỹ….

Quốc gia chiếm trọng số lớn nhất và thiếu động lực tăng trưởng trong 2024 là Trung Quốc với dự phóng tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ ở mức 0%. Giả định của WSA từ tháng 4 với kịch bản nhu cầu thép Trung Quốc ở kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại đây tiếp tục suy giảm và dự báo nửa cuối 2024 chưa có triển vọng tươi sáng hơn. VCBS cho rằng mức tiêu thụ thực tế thấp hơn đáng kể so với số dự báo của WSA.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc, WB, Bloomberg, VSA, VCBS

Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc, WB, Bloomberg, VSA, VCBS

Nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia như Mỹ và EU tiếp tục duy trì khởi sắc trong bối cảnh các quốc gia này hạ lãi suất và phục hồi phát triển kinh tế. Điểm rủi ro cần lưu ý tới từ các biện pháp chống bán phá giá đối với thép Việt Nam nhằm bảo vệ cho ngành sản xuất nội địa đang phục hồi tốt cũng như việc giảm nhập khẩu do các nhà máy tại các quốc gia này đang tích cực hoạt động trở lại.

Câu chuyện mới từ thuế CBPG

Sản lượng tiêu thụ nội địa được kỳ vọng tiếp tục đà phục hồi tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam phục hồi tốt với số dự án triển khai duy trì mặt bằng cao cả ở Miền Nam và Miền Bắc và kỳ vọng trong nửa cuối năm đầu tư công đẩy mạnh tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành.

 Nguồn: GSO, CBRE Việt Nam, VCBS ước tính

Nguồn: GSO, CBRE Việt Nam, VCBS ước tính

Ngành BĐS nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể duy trì trong các quý tới. Tuy nhiên, số dự án được cấp phép mới vẫn ở mức rất thấp.

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có thể được ban hành vào tháng 10,11 tới. VCBS đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm HRC do sau khi HPG tăng công suất HRC, thị trường nội địa sẽ là thị trường tiêu thụ chính, việc áp thuế CPBG có tác động lớn khi tới 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.

Ngoài ra, VCBS cho rằng tác động của chính sách CPBG tới sản phẩm tôn mạ sẽ không nhiều như giai đoạn 2016-2017 do tỷ trọng sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc bằng 30% (mức thấp so với 100-110% giai đoạn 2016-2017) sản lượng tiêu thụ nội địa. Thêm đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể né thuế bằng cách chuyển khẩu sang các quốc gia lân cận.

VCBS cho rằng tác động sau khi áp dụng thuế CBPG với sản phẩm tôn mạ có thể giúp sản lượng nội địa tăng thêm khoảng 10-15% mức hiện tại (phần tăng thêm của sản lượng thép Trung Quốc và Hàn Quốc mất đi sau khi thuế được áp dụng).

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/toan-canh-nganh-thep-quy-ii-phan-hoa-manh-diem-sang-thuoc-ve-hoa-phat-hoa-sen-nam-kim.html