Toàn dân thi đua làm giàu

'Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ cách đây một vài ngày, chuẩn bị phát động phong trào 'Toàn dân thi đua làm giàu', phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta'. Cả hội trường Diên Hồng đã đồng loạt vỗ tay sau phát biểu này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trên các kênh thông tin phát trực tiếp hội nghị, hầu hết đều khóa tính năng bình luận, nhưng trên các diễn đàn, cộng đồng mạng vẫn nhanh chóng lan tỏa, bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Thủ tướng.

Thông tin chuẩn bị phát động phong trào “Toàn dân thi đua làm giàu” ngay lập tức cũng được các cơ quan báo chí - truyền thông trong cả nước sử dụng, trích đưa thông tin ngay khi kết thúc phần trình bày chuyên đề của Thủ tướng Phạm Minh Chính lúc khoảng 9 giờ 40 phút sáng 18-5.

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 18-5. Hội nghị trực tiếp tại hội trường Diên Hồng, kết hợp trực tuyến tới khoảng 37.000 điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề: "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".

Truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân

Đây là một hội nghị khá đặc biệt, thu hút sự quan tâm rất lớn của cán bộ và nhân dân cả nước. Bởi lẽ hội nghị được tổ chức ngay sau khi sáng qua (17-5), với 429/434 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đặc biệt bởi hội nghị đề cập đến việc xác định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, với hơn 940 ngàn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế).

Cũng vì thế, trình bày của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tư tưởng và những nội dung chính của Nghị quyết số 68 trở thành chủ đề của rất nhiều thảo luận, trò chuyện bên lề các điểm cầu dự hội nghị và trên các diễn đàn, cộng đồng mạng. Không chỉ thông tin chuẩn bị phát động phong trào “Toàn dân thi đua làm giàu”, nhiều nội dung phát biểu khác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khiến nhiều người vô cùng quan tâm và phấn khởi, như: Trong 5 kinh nghiệm rút ra thời gian qua đối với phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh nghiệm thứ 5 là “Truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân”. Đây cũng là mục tiêu Đảng, Nhà nước đang đặt ra nhằm phát triển khu vực kinh tế ngày một giữ vai trò lớn hơn này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Chúng ta cần “đổi mới tư duy nhận thức về kinh tế tư nhân”, tư duy phải theo hướng như Nghị quyết số 68 đã khẳng định, kinh tế tư nhân phải trở thành động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế và mỗi doanh nhân cũng một là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

MỤC TIÊU LỚN LAO

Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...

Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/ngàn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Sứ mệnh mới

Trong thời đại Hồ Chí Minh hôm nay, chặng đường phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam đánh dấu bằng công cuộc đổi mới năm 1986, cách nay 40 năm. Công cuộc đổi mới khi đó đã xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kém hiệu quả. Sau đó, như Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày sáng 18-5, kinh tế tư nhân có 3 lần với 3 giai đoạn tiếp theo xác định lại vai trò của kinh tế tư nhân, và mới nhất là lần này - lần thứ 5 kể từ năm 1986, bắt đầu từ đầu năm 2025 với việc xác định kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Lần thứ 5 này, như Nghị quyết số 68 khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là: “Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế…”.

Nghị quyết cũng xác định: Bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước, theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của Nghị quyết số 68 cho thấy, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đã được xác định giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Từ đó cũng cho thấy kinh tế tư nhân đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, một sứ mệnh mới trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Đây sẽ là một trụ cột quan trọng, có vai trò vô cùng lớn đối với mục tiêu tăng trưởng 2 con số của Việt Nam trong những năm tới.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172892/toan-dan-thi-dua-lam-giau