Toan tính của Hòa Phát với 2 mỏ sắt lớn nhất Việt Nam
Trước khi được Thủ tướng trao trọng trách sản xuất ray đường sắt, Tập đoàn Hòa Phát đã 'đánh tiếng' tới hai dự án mỏ sắt có tổng trữ lượng hơn 620 triệu tấn.
Tham vọng tại hai mỏ sắt lớn
Tại đại hội đồng cổ đông 2025, Tập đoàn Hòa Phát công bố sẽ tham gia cung ứng thép cho các dự án đầu tư công trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc lẫn Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cơ sở cho tuyên bố của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đến từ loạt chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân của Chính phủ. Cùng với đó là hàng loạt quyết sách, kế hoạch hành động cụ thể hỗ trợ cho ngành thép như áp thuế chống bán phá giá tạm thời cho nhiều sản phẩm thép và tôn mạ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Trong một diễn biến khác, một tháng trước khi được Thủ tướng trao trọng trách sản xuất ray đường sắt, Tập đoàn Hòa Phát “đánh tiếng” tới hai dự án mỏ sắt có tổng trữ lượng hơn 620 triệu tấn tại Lào Cai và Hà Tĩnh.
Khi ấy, tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ, tỷ phú Trần Đình Long đảm bảo cung cấp 10 triệu tấn thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt với giá thành thấp hơn nhập khẩu, nhằm phục vụ các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Trong bối cảnh toàn bộ ngành thép Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng, tương ứng khoảng 95% nguyên liệu sản xuất thép, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị cần khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) để giải quyết cơ bản bài toán nguồn nguyên liệu. Được biết, Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 500 triệu tấn.

Mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng hơn 500 triệu tấn.
Đáp lại quan tâm của tỷ phú Trần Đình Long, Bộ Công thương cho biết cả hai dự án khai thác mỏ Quý Xa và Thạch Khê đều đang trong tình trạng vi phạm hoặc nằm chờ cấp phép mới sau nhiều năm.
Lãnh đạo ngành cho biết, các doanh nghiệp liên quan sẽ phải hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ và nghĩa vụ tài chính.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mỏ Thạch Khê đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định, còn mỏ Quý Xa có trữ lượng 120 triệu tấn của tỉnh Lào Cai được đã cấp phép cho Công ty thép Việt Trung từ năm 2007 và thời hạn kết thúc là năm 2020.
Công ty này có 40% vốn của Thép Việt Trung, doanh nghiệp trong nước, 10% vốn của doanh nghiệp tỉnh Lào Cai và 45% vốn của doanh nghiệp Trung Quốc. Đến năm 2020, thời điểm cuối cùng của giấy phép, doanh nghiệp này đã khai thác 20 triệu tấn.
Đối với 100 triệu tấn còn lại, theo Quy hoạch 866 (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) thì mỏ này tiếp tục khai thác để phục vụ nhu cầu đất nước.
Nhưng theo quy định pháp luật, mỏ Quý Xa cần được làm thủ tục cấp mới, thay vì phải kéo dài thời hạn giấy phép từ đầu. Thậm chí, tư lệnh ngành công thương cũng cho biết các khâu cần xử lý ở trường hợp mỏ sắt Quý Xa.
“Doanh nghiệp này có vi phạm, phải cấp mới, mà muốn cấp mới phải đóng cửa mỏ, muốn đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp này phải hoàn tất thủ tục, nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ quyết định việc này. Sau đó Bộ Công thương sẽ phối hợp thực hiện”, Bộ trường Nguyễn Hồng Diên lưu ý với tỷ phú Trần Đình Long.
Như vậy, Hòa Phát sẽ tiếp tục phải chờ đợi vào công tác xử lý thủ tục liên quan đến hai dự án mỏ sắt nêu trên, trước khi tính tới khả năng bước vào nắm quyền khai thác nguồn nguyên liệu lớn nhất Đông Nam Á hiện hữu.
Có thể thấy, đề cập của Hòa Phát rất đúng thời điểm và ‘trúng’ điểm nghẽn tồn tại nhiều năm qua ở hai dự án khai thác mỏ sắt.
Trong đó, riêng dự án mỏ sắt Quý Xa nằm trong danh mục các dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công thương được Thủ tướng lập đề án xử lý từ năm 2017 nhưng tới nay vẫn long đong số phận.
Hòa Phát cũng là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác mỏ. Bốn năm trước, nhằm phục vụ nguyên liệu đầu vào của khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa Phát đã mua mỏ quặng sắt Roper Valley tại Úc với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Đồng thời, tập đoàn cũng không giấu giếm ý định đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của mình, tương đương 10 triệu tấn/năm.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định mối quan tâm tới mỏ sắt Thạch Khê.
Mặc dù vậy, theo ông Long, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê là mục tiêu trong dài hạn. Còn hiện tại, người mua quặng sắt đang có nhiều ưu thế hơn so với nhà cung cấp trong bối cảnh nguồn cung quặng sắt tăng mạnh thời gian gần đây.
Do việc nhập khẩu quặng về Việt Nam đang có giá rẻ hơn chi phí tổ chức khai thác mỏ nên các quặng của Hòa Phát hiện cũng chưa đi vào khai thác, bao gồm cả quặng sắt ở Úc.
Triển vọng tươi sáng
Lời khẳng định tham gia khâu cung ứng đầu vào các siêu dự án của Hòa Phát được minh chứng bằng việc đạt được hợp tác với Tập đoàn Primetals – thuộc sở hữu của Mitsubishi Heavy Industries về cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn mỗi năm, hay khả năng ký kết với Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia – Petrovietnam nhằm cung cấp thép cho các dự án ngoài khơi, dự án điện gió.
Bên cạnh lời giải công nghệ mang đến từ Primetals - đối tác lâu năm từng đảm nhận thiết kế và cung cấp dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng tại nhà máy HRC2, dự án Hòa Phát Dung Quất 2, Hòa Phát cũng cấp tập đẩy nhanh các khâu hồ sơ thủ tục thẩm định dự án sản xuất ray.
Ít ngày trước, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (VUSTA Quảng Ngãi) cùng các sở ngành, địa phương tổ chức tham vấn, lấy ý kiến phản biện về dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất.
Theo đó, dự án do Công ty CP Ray và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất (thành lập cách đây khoảng 1 tháng, do ông Mai Văn Hà – Giám đốc công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, làm đại diện pháp luật) làm chủ đầu tư, có quy mô khoảng 18ha tại khu kinh tế Dung Quất, công suất thiết kế 700.000 tấn thép/năm.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án dự kiến vận hành muộn nhất vào quý II/2028.
Kết quả buổi tham vấn cho thấy dự án cơ bản nhận được thống nhất đồng ý đề xuất của các bên tham gia.
Tập đoàn Hòa Phát vừa được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 3 dự án với tổng giá trị gần 5 tỷ USD tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, gồm cảng Bãi Gốc khoảng 24.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm 13.300 tỷ đồng; khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm 86.000 tỷ đồng.

Hòa Phát thể hiện tham vọng lớn khi tham gia vào làm thép ray đường sắt. Ảnh: Hoàng Anh
Tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát đang cho thấy tâm thế chủ động nhằm thực hiện cam kết với Thủ tướng về sản xuất ray thép đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh tín hiệu tốt về thị trường sắt nhập khẩu nêu trên, sản phẩm hiện hữu của Hòa Phát đang hưởng lợi tích cực từ việc Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc áp thuế giúp thu hẹp chênh lệch giá HRC với hàng sản xuất trong nước, qua đó gia tăng sức cạnh tranh và bán hàng cho Hòa Phát. Điều này đặc biệt quan trọng khi giai đoạn 1 dự án Dung Quất 2 dự kiến vận hành trong quý II năm nay.
Nhu cầu thép dự báo sẽ tăng nhanh nhờ các dự án đầu tư công với tổng vốn đầu tư vượt 790.000 tỷ đồng đang gấp gáp tiến độ như: 12 dự án thành phần Cao tốc Bác – Nam phía Đông, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt nội đô Hà Nội, TP.HCM.
Đồng thời, diễn biến dồn dập từ loạt dự án đầu tư công trong nước và đà phục hồi của thị trường bất động sản đang dần rõ nét, hứa hẹn đẩy cao nhu cầu tiêu thụ thép trong nước nói chung và các sản phẩm của Hòa Phát nói riêng.