Toan tính của TT Trump khi ra lệnh ám sát tư lệnh Iran
Việc tư lệnh quyền lực của Iran tới sân bay Baghdad là cơ hội để Mỹ ra tay, nhưng rõ ràng đây là quyết định từ trước của Tổng thống Trump.
Đó không thể là quyết định riêng trong buổi tối ngày 2/1 (theo giờ Mỹ), nhà báo Nick Paton Walsh của CNN bình luận.
Từ các diễn biến, rõ ràng Mỹ muốn gửi thông điệp rằng đây là vụ tấn công có chủ đích. Nhưng đây là quyết định leo thang nguy hiểm, đẩy khu vực trước bờ vực một xung đột khó lường. Mỹ đã toan tính như thế nào để kết luận rằng đây là ý hay?
Cân nhắc thiệt - hơn của Mỹ
Sáng sớm 3/1, Mỹ không kích sân bay Baghdad, tiêu diệt Tư lệnh Qasem Soleimani của Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran và một số chỉ huy cấp cao của các nhóm dân quân Iraq.
Theo phân tích của ông Walsh của CNN, Iran đã tấn công Mỹ và đồng minh nhiều tháng nay, thông qua các lực lượng do nước này hậu thuẫn. Các lực lượng này đã bị cáo buộc tấn công mỏ dầu Saudi, trước đó là máy bay không người lái Mỹ, trước nữa là tàu chở dầu ở Vùng Vịnh.
Và tuần này, Mỹ cáo buộc họ đứng đằng sau cuộc tấn công của đám đông nhắm vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Tạp chí TIME (Mỹ) bình luận rằng Iran là bên leo thang căng thẳng chủ yếu, dùng chiến lược “bất đối xứng” để thử lòng Tổng thống Trump - đối thủ dĩ nhiên là mạnh hơn về mặt quân sự. Trong bối cảnh ông Trump siết Iran về kinh tế, Iran leo thang tấn công để buộc ông Trump phải quay lại đàm phán hiệp định hạt nhân.
Nhưng cả năm ngoái, ông Trump vẫn từ chối đáp trả vũ lực. Ông nói với TIME vụ tấn công tàu chở dầu chỉ “rất nhỏ”, hủy bỏ vào phút chót kế hoạch đáp trả vụ Iran bắn hạ drone Mỹ.
Ông cũng không đáp trả sau khi nhóm thân Iran tấn công mỏ dầu của Saudi. Vụ ám sát tư lệnh Iran sáng sớm 3/1 là phản ứng quân sự đầu tiên của ông Trump, tạp chí TIME chỉ ra.
Mỹ có thể suy luận rằng dù sao phía Iran cũng đang gây hấn liên tục, và mọi phản ứng của Iran thì cũng là sự trầm trọng hơn của sự tấn công đang diễn ra.
“Cần phải chỉ ra rằng Iran không có sức mạnh quân sự để đọ với Mỹ trong một cuộc chiến truyền thống. Quan chức Mỹ có thể đã lập luận rằng họ cần gửi thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền này không do dự khi cần khai hỏa và sẽ dùng bạo lực để đáp trả bạo lực, dù Iran có phủ nhận (việc tấn công Mỹ)”, ông Walsh viết.
“Có thể họ đã quyết định rằng việc chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ, và việc ám sát ông Soleimani, nhân vật cứng rắn trong số những người cứng rắn, là cần thiết, đáng để họ chịu rủi ro trả đũa và hỗn loạn những tuần tới”.
“Iran rất chiến lược, kiên nhẫn”
Vụ tấn công này không giống vụ tấn công tiêu diệt các kẻ thù khác của Mỹ, như thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hay thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) Abu Bakr al-Baghdadi, theo tạp chí TIME.
Ông Soleimani là một quan chức được lòng người dân Iran, có thể là người được ủng hộ nhất trong một chính phủ vốn mất lòng dân. Bên trong Iran, trên mạng xã hội, ông là người đạo diễn, người kiến trúc sư trưởng cho các tham vọng ảnh hưởng khu vực của Iran.
Sau khi xác nhận cái chết của ông, truyền hình nhà nước Iran dừng các chương trình và chiếu ảnh của ông, kèm theo các câu cầu nguyện đau buồn từ kinh Quran, cho thấy tầm quan trọng bước ngoặt của sự kiện đối với người dân nước này.
Truyền hình nhà nước cũng phát sóng hình ảnh lực lượng Iran trong chiến đấu, trong chiến tranh Iran - Iraq, hay trên chiến trường ở Lebanon và Syria.
Các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp Trung Đông đã tăng cường an ninh và đại sứ quán Mỹ đã kêu gọi công dân Mỹ “rời khỏi Iraq ngay lập tức”.
Toan tính của Mỹ cũng có thể có lỗ hổng. Người Iran có thể có kế hoạch của mình. Iran đã toan tính bài bản cho Iraq, nơi mà Iran vẫn duy trì ảnh hưởng bất chấp biểu tình (phản đối chính phủ và ảnh hưởng của Iran), trong khi Mỹ không thực sự có ảnh hưởng.
Người Iran cũng có tính toán cho Syria, nơi mà Mỹ luôn muốn rút đi. Iran có đồng minh ở Yemen, Lebanon, Syria, những lực lượng đều có thể gây thương vong cho Mỹ và đồng minh. Họ cũng có thể gây thương vong cho Israel, vốn trong tầm bắn tên lửa của Hezbollah ở Lebanon.
“Iran tính toán rất chiến lược và rất kiên nhẫn”, ông Walsh viết.
Nhà Trắng thì ngược lại, thay đổi nhân sự liên tục. Quanh Tổng thống Trump không có nhiều người có kinh nghiệm sâu về Iran. Các quan chức thường được ông Trump chọn vì lập trường cứng rắn.
Brian Hook, quan chức của ông Trump phụ trách Iran, chưa hẳn là giàu kinh nghiệm, nhà phân tích của CNN bình luận.
Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan khác có đủ kinh nghiệm về Iran, nhưng uy thế của họ trong chính quyền có lẽ không ở mức cao nhất sau những hỗn loạn, tổ chức lại bộ máy, cắt giảm trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Kết quả là thế giới phải chứng kiến động thái không khoan nhượng, sẽ thay đổi cục diện.
“Mỹ thực hiện vụ ám sát và tin rằng dù không biết hậu quả, nhưng hậu quả đó có thể kiểm soát được. Nhưng một điều chắc chắn là Iran sẽ tìm cách khiến Mỹ trả giá, để buộc Mỹ phải từ bỏ sự tự tin của mình”, ông Walsh viết.