Toàn tỉnh đã gieo cấy 90% diện tích lúa mùa

Tính đến hết ngày 13-7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 65.630ha lúa, bằng 90% tổng diện tích vụ mùa năm 2020. Huyện Vụ Bản là địa phương đầu tiên hoàn thành gieo cấy lúa mùa, tiếp đó là huyện Giao Thủy đạt 97%, huyện Xuân Trường đạt 96%, huyện Trực Ninh và Hải Hậu đạt 95%, huyện Mỹ Lộc 65%, chậm nhất là thành phố Nam Ðịnh 43%. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và khuyến cáo của ngành chức năng, vụ mùa năm nay tỷ lệ gieo sạ lúa mùa tại các địa phương giảm hẳn so với vụ mùa năm ngoái. Ðến thời điểm này, huyện Giao Thủy không có diện tích lúa mùa gieo sạ, diện tích gieo sạ của huyện Trực Ninh là 2%, huyện Nghĩa Hưng là 25%... Toàn tỉnh đã có 4.670ha lúa mùa được chăm sóc đợt I.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, các huyện, thành phố cũng đã trồng được 8.395ha cây màu các loại, bằng 95% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng ngô 1.070ha, đậu tương 650ha, lạc 595ha và rau, màu khác 6.080ha.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, nắng, nóng kéo dài, có khả năng mưa to đến rất to và có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng khi lúa đang ở giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Vì vậy, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa theo kế hoạch; đồng thời tiến hành chăm bón lúa, cây màu theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chủ động phối hợp với các Công ty thủy nông rà soát, xác định rõ các vùng trũng thấp, vùng gieo cấy muộn, không chủ động tưới tiêu… để xây dựng kế hoạch, phương án chủ động tưới dưỡng và ứng phó với mưa úng. Các Công ty thủy nông theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh và lưu lượng nước ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng để chủ động, linh hoạt điều chỉnh phương án vận hành hệ thống, đảm bảo hiệu quả cao nhất khi có mưa úng xảy ra. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện bón phân chăm sóc lúa theo hướng tăng lượng phân lân, phân kali, giảm lượng phân đạm để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chống đổ tốt và hạn chế bệnh bạc lá. Quản lý tốt các đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng… ngay sau cấy; tổ chức phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, đảm bảo thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật minh bạch, không có hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng./.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202007/toan-tinh-da-gieo-cay-90-dien-tich-lua-mua-2538558/