Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên Khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Chiều ngày 22/01, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên Khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Hilarion Etong
Thưa các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Thưa các vị Nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Thưa các vị nghị sĩ, các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế,
Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một lần nữa, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo nghị viện, các vị thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ; cùng các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và các vị khách quý tham dự Phiên Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ tại Việt Nam.
Chúng ta đã có hai ngày làm việc rất thành công trong khuôn khổ Diễn đàn nghị viện về chủ đề Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình tham quan thực địa và một số hoạt động giới thiệu về những nét đặc sắc văn hóa và thành tựu phát triển nông nghiệp bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng quý vị đã có những trao đổi kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung của Diễn đàn, cũng như có những trải nghiệm đáng nhớ về đất nước và con người Việt Nam.
Thưa các quý vị đại biểu,
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, nơi tập hợp các nghị sĩ nói tiếng Pháp với mục tiêu “thúc đẩy các Chính phủ tiến lên phía trước” đã trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển. Từ mốc khởi đầu vào năm 1967 khi khi chỉ có đại diện 23 nghị viện tham dự tại kỳ họp đầu tiên của Liên Hiệp hội các nghị sĩ có sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) tại Luxembourg, đến nay đã có 91 nghị viện thành viên của APF, cho thấy sự phát triển của tổ chức cả về quy mô cũng như vị thế của APF trong Cộng đồng Pháp ngữ cũng như trên trường quốc tế.
Trong suốt quá trình này, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia và có những đóng góp hết sức tích cực đối với hoạt động chung của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, trong đó có việc giữ một số vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành, thường xuyên đăng cai tổ chức các Hội nghị của các thể chế APF, gần đây nhất là Hội nghị lần thứ 10 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (năm 2022), Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa và của Mạng lưới nữ nghị sĩ (năm 2019), Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện (năm 2014 và 2017). Sau 20 năm kể từ lần tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ tại Huế vào tháng 2/2005, một lần nữa Quốc hội Việt Nam đăng cai và được đón tiếp các Thành viên Ban Chấp hành APF tại Cần Thơ hôm nay.
Thưa các quý vị đại biểu,
Việc tham gia tích cực đối với các hoạt động của APF nói riêng và các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ khẳng định việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Quốc hội Việt Nam, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, là người đại diện cao nhất của Nhân dân. Chúng tôi đang tích cực đổi mới các hoạt động của Quốc hội theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn trên tinh thần dân chủ và pháp quyền.
Đến nay Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.
Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của trong các khuôn khổ hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.
Thưa quý vị đại biểu,
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ - cơ quan tham vấn của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - thông qua việc khởi xướng và triển khai các chương trình hợp tác liên nghị viện, thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền và quyền con người, lan tỏa việc sử dụng tiếng Pháp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện; với những đóng góp tích cực vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sĩ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là căng thẳng và xung đột địa chính trị, các thách thức toàn cầu chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết có hiệu quả…, việc Ban Chấp hành APF thảo luận chính trị về “vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trước những biến động của trật tự thế giới” là nội dung rất thời sự và quan trọng. Cùng với việc xem xét tình hình chính trị phức tạp tại một số quốc gia thành viên, thông qua Kế hoạch hành động triển khai Khung chiến lược giai đoạn 2023-2030 và những nội dung nghị sự quan trọng khác, tôi tin tưởng rằng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Cộng đồng Pháp ngữ sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, cùng các thể chế đa phương khác, với nền tảng là luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tạo khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Tuyên bố Cần Thơ về Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu được các đại biểu tham dự Diễn đàn diễn ra trong hai ngày qua thống nhất thông qua là một đóng góp quan trọng của hợp tác Pháp ngữ. Tôi trân trọng đề nghị Ban Chấp hành APF cân nhắc đệ trình của Phân ban Việt Nam trong APF, thông qua Tuyên bố Cần Thơ của Ban Chấp hành APF về Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu; báo cáo lên Đại Hội đồng APF trong kỳ họp tới đây và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chủ đề quan trọng này và các hoạt động hợp tác cụ thể trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Tôi tin tưởng rằng, APF cũng như những tổ chức liên nghị viện khác, sẽ là nơi các nghị sĩ tiếp tục thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cùng hi vọng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế hướng tới sự phát triển bền vững.
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo để đón tiếp Ban Chấp hành APF, các vị nghị sĩ và quý vị khách quý trong điều kiện tốt nhất.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị Ban Chấp hành APF sẽ thành công tốt đẹp.
Chúc các vị nghị sĩ thành công trên cương vị cao quý của mình!
Chúc toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=92383