Tối 12/5, giá Pi vào nhịp điều chỉnh, cộng đồng 'Pi thủ' vẫn than tiếc khi không mua sớm

Tiếc nuối là trạng thái dễ thấy của cộng đồng 'Pi thủ' trong ngày hôm nay...

Ghi nhận cuối ngày 12/5, giá Pi bắt đầu điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, nhiều "Pi thủ" vẫn tin rằng, nhịp giảm giá này sớm qua và Pi sẽ vào sóng tăng mới.

HỒI PHỤC NHANH CHÓNG SAU CÚ RƠI

Vào lúc 20h, Pi Coin chứng kiến cú sụt mạnh từ vùng 1,5 USD về 1,16 USD, tương đương mức giảm khoảng 20%. Đây là diễn biến khá bình thường sau khi đồng tiền mã hóa này đã tăng liền một mạch giúp nhiều nhà đầu tư nhân ba tài khoản chỉ trong vòng một tuần.

 Pi vẫn đang khẳng định sức hút trong thị trường tiền số

Pi vẫn đang khẳng định sức hút trong thị trường tiền số

Có điểm đáng chú ý đó là, sau đợt sụt giảm giá bất ngờ và mạnh mẽ, thị trường Pi đã chứng kiến một phản ứng đáng chú ý từ phía người mua. Lượng lớn lệnh mua được kích hoạt ngay sau đó, cho thấy một lực cầu tiềm ẩn và sự quan tâm đáng kể đối với đồng tiền này ở các mức giá thấp hơn. Hành động "bắt đáy" này đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, nhanh chóng đảo ngược xu hướng giảm trước đó.

Với lực mua áp đảo, giá Pi đã có một pha phục hồi, bật tăng và nhanh chóng trở lại ngưỡng 1,3 USD.

Cũng nhờ nhịp bắt đáy, tổng lượng giao dịch PI trong ngày đã đạt hơn 1,69 tỷ USD, con số thanh khoản kỷ lục trong hơn 1 tháng qua.

Hiện tại, Pi Coin đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng tiền điện tử. Việc đồng tiền này dẫn đầu danh sách xu hướng, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Bitcoin và các altcoin khác, đã đủ thấy sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư đối với Pi.

1001 ĐIỀU TIẾC NUỐI CỦA CỘNG ĐỒNG "PI THỦ"

Thời điểm xuất hiện những biến động về giá của Pi cũng là lúc phần đa người dùng trong cộng đồng này bày tỏ những sự tiếc nuối. Sau một thời gian dài thị trường Pi gần như "đóng băng", thiếu vắng cả những phát triển đáng kể trong hệ sinh thái lẫn hoạt động giao dịch sôi nổi trên các sàn, hai ngày giao dịch vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ. Chính sự tĩnh lặng kéo dài này đã khiến phần lớn cộng đồng người dùng có tâm lý chủ quan, không lường trước và do đó không chuẩn bị cho đợt tăng giá bất ngờ này.

 Giá Pi đang cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư

Giá Pi đang cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư

Tâm lý các nhà đầu tư đang rất hỗn loạn, tuy nhiên phần lớn đều thể hiện sự tiếc nuối, mà nguyên nhân dẫn đến trạng thái nuối tiếc của người dùng cũng không giống nhau.

Một bộ phần những “kẻ ngoại đạo” tiếc nuối vì không tham gia đào Pi từ 5,6 năm trước, không tin vào hệ sinh thái Pi Network và cho rằng đây là một trò lừa. Khi Pi lên sàn nhưng không có giá như kỳ vọng lại càng củng cố suy nghĩ đây chỉ là trò đùa và Pi sẽ không có giá trị. Chỉ đến khi Pi thực sự có giá và trên đà tăng liên tục thì không ít người hối tiếc. Thậm chí có người còn vội vàng ôm gom Pi trên thị trường với mong muốn chốt lời ngắn hạn.

Cùng với đó, những người đã sở hữu Pi cũng có những tiếc nuối riêng. Việc thực hiện khóa Pi theo yêu cầu của đội ngũ phát triển, với mục tiêu bảo toàn số lượng và gia tăng phần thưởng đào, đồng nghĩa với việc số Pi này chưa thể giao dịch ngay lập tức.

Trong bối cảnh giá Pi đang tăng trưởng và thị trường trở nên sôi động, những người có lượng lớn Pi bị khóa không thể tham gia vào hoạt động mua bán, có thể cảm thấy lo lắng và hụt hẫng vì bỏ lỡ cơ hội "vàng" để hiện thực hóa lợi nhuận. Tâm lý này hoàn toàn dễ hiểu khi tài sản của họ đang có tiềm năng tăng giá nhưng lại nằm ngoài tầm tay.

Thêm vào đó, không ít những người đã từng tin tưởng và nắm giữ Pi giờ đây lại cảm thấy tiếc nuối sâu sắc. Quyết định bán Pi trước đó với mức giá thấp, chốt lời non khi chưa thấy được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như hiện tại, đang khiến họ day dứt. Chứng kiến giá Pi liên tục thiết lập những đỉnh cao mới từng phút, họ có thể cảm thấy hối hận vì đã không kiên nhẫn và bỏ lỡ cơ hội thu về lợi nhuận lớn hơn. Đây là một bài học đắt giá về sự kiên trì và tầm nhìn dài hạn trong đầu tư.

Chính tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội tăng giá nhanh chóng đã thúc đẩy một số người tìm kiếm và giao dịch Pi trên các “chợ mạng”. Với hy vọng mua được Pi với giá thấp hơn để kiếm lời nhanh chóng, họ có thể trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Các giao dịch trên thị trường không chính thức này tiềm ẩn vô vàn rủi ro, từ việc mua phải Pi ảo, không có thật, đến việc bị chiếm đoạt tài sản mà không nhận được Pi.

Phải nhấn mạnh rằng, theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, hiện nay tiền ảo nói chung và đồng tiền Pi nói riêng chưa được coi là tài sản.

Những vụ việc, vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng tiền ảo, đồng Pi rất rủi ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý. Đồng thời theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán.

Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng tiền ảo nói chung, đồng tiền ảo Pi nói riêng vào hoạt động thanh toán thì sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Hà Kim

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/toi-125-gia-pi-vao-nhip-dieu-chinh-cong-dong-pi-thu-van-than-tiec-khi-khong-mua-som-post559975.html