Tôi can đảm...
Khi nghĩ về lòng can đảm, ta thường nghĩ chỉ có những chiến binh. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, lòng can đảm vẫn luôn hiện diện, ngay cả trong bản thân chúng ta.
Những người đã can đảm bước qua những ranh giới của cơm áo gạo tiền, để phụng sự cộng đồng bằng cách đối mặt với những trở ngại trong cuộc sống, kể cả nỗi sợ của bản thân.
Đó là một người phụ nữ vượt qua nỗi đau mất mát người thân để mang lại nhiều niềm vui cho những gia đình khác; là một người đàn ông có lúc bị coi là “khùng, điên” vì chọn con đường chẳng giống ai - hỗ trợ cho các vận động viên khuyết tật suốt hơn 20 năm.
Tử tế là Sống thật
Nửa đêm tháng 1/2024. Nhận được tin báo về một vụ tai nạn xảy ra tại cầu Bình Lợi, trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức (TP.HCM), đội cứu nạn giao thông thiện nguyện 911 ngay lập tức lên đường.
Dưới dạ cầu ngổn ngang sắt thép, vật liệu xây dựng. Kim Ngân - đội trưởng đội 911 thoăn thoắt sơ cứu vết thương, điều phối các thành viên trong đội ứng cứu. Người thanh niên bị mất lái tông vào thành cầu được cứu ra khỏi đống đổ nát, thoát chết trong gang tấc.
Đã hơn 6 năm, số điện thoại của Ngân thành số hotline của đội. Hàng nghìn trường hợp bị hư xe, tai nạn giao thông đã được Ngân cứu giúp. Ngân chia sẻ, vào dịp lễ hay những ngày cận Tết, đội 911 cực hơn ngày thường rất nhiều. Cao điểm, mọi người gần như không nghỉ từ 4 giờ chiều hôm trước đến tận 10 giờ trưa hôm sau. 8 vụ tai nạn liên tiếp. Ngân gần như kiệt sức.
“Đội 911 trực 24/7, tức là không có một nghỉ nào cả. Các bạn thường dành thời gian sau công việc, đến với đội khoảng 20-21 giờ, thời gian còn lại tôi là người trực chính. Không bỏ sót một ca nào. Có những quãng thời gian tôi phải một mình. Vì đây là công việc tôi đã lựa chọn nên tôi sẽ tiếp tục nó cho dù tôi có bị đau hay chấn thương. Trong 6 năm qua, có những ca khiêng băng ca đã vô tình tác động lên cột sống của tôi”.
Năm 2012, chị hai của Kim Ngân qua đời vì tai nạn giao thông mà không được hỗ trợ kịp thời. Bởi vậy mà Đội cứu nạn giao thông 911 tại TP Thủ Đức, ra đời, trên tinh thần của một cô gái tự nhận là “không còn nỗi sợ nào có thể đánh gục”.
“Sau nhiều năm làm thiện nguyện phát cơm về đêm cho những người cơ nhỡ, khó khăn, tôi vô tình biết được các đội nhóm cứu hộ, cứu nạn cho người dân; từ đó tôi đã học hỏi về mô hình của các anh chị, tự trang bị những kỹ năng cần thiết để nung nấu và thực hiện ước mơ thành lập đội cứu nạn giao thông về đêm tại TP. Thủ Đức”.
Nguyễn Phương Chiến gắn bó với Kim Ngân cùng đội 911 được hơn 4 năm nay. Chiến chia sẻ, theo Ngân riết cũng thành quen. Ban đầu còn mệt vì ngày đi làm bảo vệ, tối thức xuyên đêm, ngày hôm sau lại đi làm, nghĩ là không trụ nổi. Rồi phần lớn các vụ tai nạn giao thông nạn nhân bị say xỉn, cả đội phải vất vả vô cùng.
Nguyễn Phương Chiến chia sẻ: “Có một trường hợp chú đó say xỉn rồi tự té xe, có một vết thương trên đầu toác ra phía sau luôn. Mình có tới hỗ trợ băng bó cho chú nhưng chú xỉn, không tự chủ được hành vi, nên cứ băng được một cuộn thun rồi chú lại tháo ra, mình cũng năn nỉ chú để mình băng để không bị mất máu. Mình băng 4-5 cuộn thun mà chú nhất quyết không chịu. Xong rồi lên xe tự đội nón bảo hiểm đi tiếp. Đi khoảng 200 mét lại đụng xe tiếp. Lúc đó vết thương nặng hơn và máu ra nhiều hơn. Mình ráng gọi mấy anh bảo vệ dân phố và xe cấp cứu. Lúc đó có người nhà lên nữa thì chú mới chịu...”
“Nạn nhân đã say xỉn rồi, người đi đường cũng say xỉn nữa. Khi đó, họ bắt mình phải làm thế này, làm thế kia. Tôi chỉ làm theo đúng chuyên môn của tôi. Lúc đó có những lời lẽ không hay, rồi cố tình gây ra những hành vi thô bạo như hất vai, giật người mình ra ngoài, hoặc đánh mình chẳng hạn...”
Có một Kim Ngân yếu đuối khi nhắc đến quá khứ tuyệt vọng trong sự ra đi của người chị gái; nhưng cũng có một Kim Ngân mạnh mẽ, kỷ luật, nghiêm khắc khi cứu nạn giao thông. Bởi vậy, mà mọi người gọi Ngân là “bông hồng thép”. Ngân tôn trọng quy trình sơ cấp cứu được huấn luyện kỹ càng, tập trung vào sự sống còn của nạn nhân.
Với Ngân, mọi thao tác không được phép sai sót: “Người dân thực sự cần các bạn. Các bạn làm công việc này vì cái tâm. Các bạn có thể chịu sự la mắng từ tôi vì trong một ca tai nạn, tôi yêu cầu rất cao về kỹ năng. Các bạn đã chịu áp lực rất lớn trong thời gian vừa qua. Đến thời điểm bây giờ, các bạn cũng đã đồng hành từ 3-4 năm. Thật sự biết ơn các bạn đã cố gắng ở lại để chịu khó hỗ trợ cho những người không phải máu mủ của mình”.
Gặp Ngân bây giờ, không ai nghĩ, Ngân đã từng sợ nhìn thấy máu, sợ những ca tai nạn.... Ngân cũng từng trải qua nỗi sợ lớn nhất của cuộc đời - sợ mất đi người thân. Ngân của ngày hôm nay chẳng mong cầu điều gì lớn lao cho bản thân mình.
“Nỗi sợ lớn nhất của tôi đã không còn. Điều sợ hãi đó chắc sẽ không còn xảy ra một lần nào nữa. Tôi chỉ có một mình trên cuộc đời. Nên việc của tôi là cống hiến, cống hiến.... Người dân còn tin, mình còn làm...”, Ngân tâm sự.
Hành trình 26 năm vì một chữ 'Ráng'
Những buổi chiều cuối năm. “Kỷ lục gia thiện nguyện” Châu Thành Toàn vẫn ngược xuôi đi về miền Tây phối hợp với Hội chữ thập đỏ Sóc Trăng tổ chức các gian hàng 0 đồng, trao tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Hẹn gặp anh trong giờ làm việc thật khó, bởi 26 năm làm thiện nguyện, nhưng chưa bao giờ anh xao nhãng công việc là một điều dưỡng tại Trung tâm y tế quận 1:
“Lúc đầu mình làm thiện nguyện đâu nghĩ tới những việc khó khăn. Mình làm-làm-làm. Thương và thương. Nên cứ làm riết. Thật ra không có gì chông gai đâu, nhưng có một chút tủi thân. Vì cha mẹ sinh con ra ai cũng mong muốn con mình thành đạt ở một địa vị xã hội nào đó. Nhưng cơ duyên đã đưa tôi đến với con đường tình nguyện, cũng bởi vì chữ “Thương”.
Đây là công việc mình chọn, chứ không phải ai chọn cho mình. Nhưng tủi thân ở đây là đôi lúc 12h đêm, mọi người có thể ngủ yên giấc, còn tôi vẫn phải lên xe, rồi 4-5 giờ sáng di chuyển tới chỗ mình làm tình nguyện, rồi mình cũng không nghỉ ngơi gì cả. Xong giải đấu, về đến Sài Gòn là sáng thứ 2, chỉ kịp nghỉ ngơi 1 tiếng rồi tiếp tục công việc. Cứ ráng hoài, ráng hoài, nay đã được 26 năm”.
Bao nhiêu năm nay, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh... nơi nào cũng có dấu chân thiện nguyện của Châu Thành Toàn. Tối thứ 6 lên xe, đêm chủ nhật về đến Sài Gòn để kịp đi làm. Hơn 13 năm thành lập nhóm SV07 và gần 20 năm là tình nguyện viên cho Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, dường như thanh xuân của anh dành hết cho tình nguyện.
Đó là những ngày miệt mài vận động xin tài trợ chân giả cho các bệnh nhi ung thư xương, là những đêm Trung thu đầy ắp tiếng cười, là những cái nắm tay thật ấm áp khi đến với các cụ già neo đơn để tặng những căn nhà tình thương mà họ mơ ước cả cuộc đời, hay lặng thầm bên cạnh các vận động viên khuyết tật sau mỗi giải đấu...
Anh cùng nhóm SV07 đã quyên góp xây được gần 80 căn nhà, tặng gần 400 xe đạp tốt, lắp gần 300 chiếc chân giả, tặng hơn 100 xe lăn, xây 5 cây cầu.... đến với những vùng sâu, vùng xa: “Tôi đã làm tất cả mọi việc mà mọi người có thể làm. Tôi làm MC đám cưới cho các cặp đôi vận động viên khuyết tật, vận động các nhà tài trợ để có một đám cưới thật sự ý nghĩa; hay giúp đỡ hoàn cảnh vợ chồng Lượng – Đào “tý hon” bán vé số, tôi đã can đảm đứng ra đường hát dạo để kiếm thêm vài đồng bạc lẻ.
Nhiều cô chú anh chị thợ hồ thương mình cho mình 5 ngàn, 10 ngàn, có người thương cho nhiều hơn. Nên tôi đã quên mất cái “quê” rồi, hết tủi thân rồi, mà làm sao để duy trì năng lượng tích cực để giúp cho tất cả mọi người”.
Không thể kể hết được những tủi thân, vất vả, khó khăn mà anh đã trải qua trong suốt 26 năm làm thiện nguyện. Nhưng lúc nào anh cũng cười. Nụ cười tích cực đó cũng là tinh thần của 5 anh em SV07: Toàn, Ngọc, Nhi, Hoa, Quân.
“Các bạn chưa bao giờ biết mệt từ 6 giờ sáng cho tới 10 giờ đêm. Như giải điền kinh 2023 ở quận 8 vừa rồi, chúng tôi vừa làm nhiệm vụ đẩy xe lăn, nhặt tạ... rất nhiều việc. Nhưng thấy vận động viên vui, mình cũng vui. Chúng tôi 1 tuần lễ phơi nắng mà ai cũng vui vẻ. Sau khi vận động viên thi xong, chúng tôi cũng phải ở lại dọn dẹp các chai nước, rác sạch sẽ...”.
Hai vợ chồng vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Thu Đào và Nguyễn Văn Lượng coi Toàn như người thân. Bao nhiêu năm gắn bó với thể thao người khuyết tật, chưa một giải thi đấu nào anh vắng mặt.
“Các vận động viên khuyết tật cảm ơn anh Toàn và đội SV07 đã nhiệt tình giúp đỡ các vận động viên trong mùa giải thể thao. Thật sự chưa thấy ai mà có tấm lòng cao cả như anh Toàn. Hy sinh công việc, tiền bạc, công sức để hỗ trợ các vận động viên”.
Nhiều chuyến đi không có thù lao, anh Toàn và các tình nguyện viên vẫn sẵn lòng bỏ tiền túi. Anh chia sẻ, trước mỗi giải đấu, cả nhóm đều cầu nguyện, lên được máy bay cùng nhau là vui rồi. Vì SV07 là điểm tựa tinh thần cho các vận động viên, nên các tình nguyện viên không cho phép mình đổ bệnh. Đường đua của các vận động viên cũng giống như đường đua nghị lực mà mà anh và SV07 cũng phải rèn luyện.
Tự nhận mình còn thiếu sót khi bao năm dẫn đoàn thi đấu, ngày giỗ mẹ anh không thể có mặt ở nhà... nhưng anh tin mẹ anh sẽ dõi theo những nụ cười và niềm hạnh phúc mà anh mang lại cho cộng đồng.
“Trong cuộc sống, bạn đã từng biết ơn ai chưa? Hãy cảm ơn những người thân, cha mẹ... biết ơn những người xung quanh.
Cho tôi gửi lời biết ơn những người đã luôn đồng hành cùng SV07.
Nếu các bạn biết ơn, cuộc sống sẽ luôn hạnh phúc và “bà Tiên” sẽ luôn hiện ra....
“Cuộc sống có những lúc rất cần tình nhân ái
Hãy đón lấy những ấm áp của mọi người mang đến
Cho nhau niềm tin của sức mạnh tình yêu thương
Cái quý giá đó, là lòng biết ơn
và Bà tiên hiện ra...”
365 ngày, ngày nào cũng là ngày Tết của tôi và SV07. Vì chúng tôi làm việc thiện, nên ngày nào cũng như mùa xuân....”
Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/toi-can-dam-post1076421.vov