'Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trong đời'

Nỗi sợ hãi và hỗn loạn bao trùm bang Oregon. Đám cháy ngày một lan rộng ra nhiều khu vực hơn ở quy mô lớn chưa từng thấy.

Hàng trăm nghìn người ở bang Oregon, Mỹ đã được lệnh rời khỏi nhà vào ngày 10/9 vì cháy rừng hoành hành. Đám cháy đã gây nên sự hỗn loạn trong toàn bang vì người dân nơi đây chưa từng phải đối mặt với trận hỏa hoạn lớn như vậy. Đường cao tốc tắc nghẽn, các thị trấn hoang tàn, trống rỗng do sơ tán.

Các cuộc sơ tán quy mô lớn trong tiểu bang đã bắt đầu trong khu vực đô thị của Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon. Hạt Clackamas, nơi sinh sống của khoảng 420.000 người, đã được đặt trong tình trạng báo động cháy ở các mức độ khác nhau. Cư dân thành phố Molalla cũng được yêu cầu rời đi.

 Dòng người đi sơ tán trên đường cao tốc từ Molalla đến Oregon. Ảnh: The Guardian.

Dòng người đi sơ tán trên đường cao tốc từ Molalla đến Oregon. Ảnh: The Guardian.

Những con đường chật cứng người sơ tán

Đầu giờ chiều 10/9, dòng xe cộ dài tít tắp trên tuyến đường 213 nối đuôi nhau đổ về phía bắc. Làn đường hướng từ Molalla đến thành phố Oregon chật kín xe nhà lưu động, xe kéo, xe tải chất đầy đồ đạc, hành lý, xe đạp, và cả ngựa.

Trong khi đó, trên các làn đường hướng ngược lại, hàng chục xe tuần tra của cảnh sát các cấp địa phương, xe cứu hỏa, cứu thương chạy vội về phía thị trấn và phía hai vụ cháy lớn đang diễn ra gần đó. Đám cháy Riverside đã thiêu rụi hơn 50.000 ha về phía đông Mollala, trong khi đám cháy Beechie Creek càn quét gần 74.000 ha chủ yếu ở hạt Marion, cướp đi sinh mạng của ít nhất hai người và phá hủy thị trấn Detroit.

Các cơ quan cứu hỏa lo ngại rằng hai đám cháy này sẽ kết hợp với nhau sau khi nhân viên cứu hỏa buộc phải rời khỏi khu vực Riverside vào lúc 14 h theo giờ địa phương, do tình hình quá nguy hiểm. Khi đó, đám cháy chỉ cách thành phố Estacada hơn 3 km và cách phía đông nam Molalla 24 km.

Khi lệnh sơ tán được đưa ra, ngay cả sở cứu hỏa Molalla cũng buộc phải rời đi. Trước 15h, các nhân viên đã tập trung tạm thời tại một trường học cách thành phố 8 km. Lực lượng tình nguyện viên và cảnh sát tuần tra bang Oregon cũng lần lượt tập trung về đây.

Trong khi lính cứu hỏa và cảnh sát bàn luận căng thẳng về các kế hoạch cứu hộ và đối phó hỏa hoạn, tình nguyện viên và sĩ quan đôn đáo cung cấp nước cho các nhà hảo tâm và người dân địa phương đi ngang qua khu vực trường học để sơ tán.

 Tình nguyện viên phân phát đồ cứu trợ cho Molalla. Ảnh: Getty.

Tình nguyện viên phân phát đồ cứu trợ cho Molalla. Ảnh: Getty.

Tony Mann, giám đốc của trường học này nhận được yêu cầu giúp đỡ từ lực lượng cứu hỏa chỉ một giờ trước khi họ đến. Dù đã sơ tán khỏi khu vực, ông vẫn sẵn lòng quay lại giúp lực lượng chức năng tiếp cận trường học. Ông chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng làm mọi cách để giúp đỡ cộng đồng của mình”. Tự nhận đã sống cả đời tại hạt Clackamas, ông cũng khẳng định: “Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trong đời”.

David Scuito, một lính cứu hỏa của Molalla, đồng ý: “Chúng tôi đã từng đối phó với những đám cháy nhỏ hơn theo mùa, nhưng chưa bao giờ vật lộn với hỏa hoạn ở quy mô lớn thế này”.

Nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch bao trùm các thành phố

Cũng như ở các thành phố phía tây khác, nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch đã bao trùm Molalla trước thời điểm sơ tán.

Trong những ngày trước đó, các trang mạng xã hội liên quan đến thành phố tràn ngập tin đồn về những kẻ cướp bóc và các cuộc đột kích của antifa. Trên trang Facebook của cảnh sát Molalla, họ liên tục phải trấn an người dân và kêu gọi họ báo cáo về các thông tin đáng ngờ. Một bài đăng viết: “Không có antifa nào trong thành phố kể từ khi bài này được đăng vào lúc 2h. Xin mọi người hãy bình tĩnh và suy nghĩ lý trí”.

 Bầu trời thành phố Molalla biến thành màu cam do ảnh hưởng của các đám cháy gần đó. Ảnh: AFP.

Bầu trời thành phố Molalla biến thành màu cam do ảnh hưởng của các đám cháy gần đó. Ảnh: AFP.

Những thông tin sai lệch này ít nhiều đã để lại tác động có khả năng gây nguy hiểm cho người dân.

Chiều 10/9, ba nhà báo bị một số người có vũ trang AR-15 chặn hỏi và yêu cầu rời khỏi Molalla. Một trong số họ - phóng viên của đài truyền hình công cộng Oregon cho biết những người này có vẻ là thường dân. Họ đưa lệnh mà không có một lời giải thích hay giấy tờ nào.

Xa hơn một chút, vài người khác có động thái tương tự có vẻ đang tuần tra và tỏ ra rất cảnh giác. Không chỉ vậy, dọc đường nối giữa Molalla và Oregon, người dân cũng có thể bắt gặp nhiều tài xế có cùng biểu tượng. Họ đều mang cờ có sọc xanh biểu tượng của các thành viên phong trào cánh hữu - phe đối đầu phong trào antifa tại Mỹ.

Những tin đồn về antifa đã vô tình tập hợp thành viên của phong trào chính trị cực đoan đối lập với nó. Những người này liên tục để ý tới khuôn mặt và biển số xe của người đi đường với thái độ thận trọng.

Thêm nhiều khu vực báo động khẩn cấp

Đến chiều muộn, thêm nhiều khu vực tại hạt Clackamas, bao gồm các khu vực phía nam của thành phố Oregon, tiếp nhận lệnh sơ tán. Dù trước đó người dân ở Mulino và thành phố Molalla đã sơ tán gần hết, các đường cao tốc và cầu dẫn qua sông Willamette vào Portland vẫn kẹt cứng vào khoảng 17h, vì một phần lớn người dân hạt Clackamas chạy trốn khỏi đám cháy rừng.

Trong khi đó, Thị trưởng của Portland, ông Ted Wheeler, tuyên bố rằng thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp về hỏa hoạn. Ông ra lệnh đóng cửa toàn bộ các khu vực ngoài trời thuộc thành phố, đồng thời mở các địa địa điểm sơ tán cho các nạn nhân hỏa hoạn.

Động thái của ông Wheeler vào tối 10/9 nhấn mạnh thực tế rằng đám cháy đã thiêu rụi hoàn toàn một số thị trấn ở nông thôn, vùng núi, và đang lan sang các thành phố lớn nhất phía tây.

Bầu trời chuyển sang màu cam vì cháy rừng lan rộng ở Mỹ Đoạn video ghi lại vụ việc xảy ra ở Newberg, Mỹ vào ngày 8/9. Video cho thấy bầu trời đã chuyển sang màu cam rực rỡ vì đám cháy rừng lan rộng.

Hồng Ngọc
Theo The Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-chua-tung-thay-dieu-gi-nhu-vay-trong-doi-post1130511.html