Tối đa hóa hiệu quả vốn nhà nước

Việc xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển DN thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban) có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 6862/VPCP-ĐMDN ngày 18/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, giao Ủy ban xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (Chiến lược), ngày 9/9/2020, Chủ tịch Ủy ban đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBQLV thành lập Tổ công tác xây dựng Chiến lược.

Báo cáo tại cuộc họp của Tổ công tác xây dựng Chiến lược, mới đây, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) - cho biết: Hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước là các DN nhà nước lớn với tổng tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng; hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh quan trọng và được giao quản lý, khai thác nhiều nguồn tài nguyên trọng yếu của đất nước.

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghệ - Hạ tầng Ủy ban, việc xây dựng Chiến lược là cần thiết, theo đó, ngoài chức năng là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu của nhà nước, Ủy ban có thêm một chức năng lớn được Chính phủ kỳ vọng đó là việc xây dựng chính sách phát triển tổng thể cho công tác quản lý, bảo toàn cũng như phát triển vốn nhà nước tại DN.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban - khẳng định, việc xây dựng Chiến lược có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng với hướng tiếp cận quản lý vốn DN. Chiến lược cần phân tích thêm vai trò các hoạt động đầu tư - kinh doanh đối với sự phát triển của DN, trong đó nhiệm vụ của Ủy ban là đầu tư vốn.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thành - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) - nêu ý kiến, Ủy ban được nhà nước giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN nhà nước nên cần xây dựng chiến lược để tối đa hóa hiệu quả số vốn được giao, dựa trên cơ sở chiến lược kinh tế - xã hội tổng thể của quốc gia. Việc đánh giá thực trạng mối liên kết giữa các DN trực thuộc Ủy ban là vấn đề cần ưu tiên để có thể xác định ưu điểm, nhược điểm trong việc kết nối giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của các DN.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cho rằng, Ủy ban cần có những định hướng cụ thể trong chiến lược tổng thể, nhất là lộ trình thoái vốn của nhà nước để các DN có cơ sở tham khảo trong việc xây dựng chiến lược riêng bên cạnh các quy định của pháp luật nhà nước.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/toi-da-hoa-hieu-qua-von-nha-nuoc-149917.html