Tôi đã 'tập kết' ra Bắc theo Hiệp định Genève như thế nào?
Tôi được sinh ra tại Thanh Hóa trong đợt cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đầu năm 1955. Ba mẹ tôi một năm sau đó công tác ở Báo Nhân Dân và sống ở Hà Nội. Từ đó tôi vẫn luôn hướng về Thanh Hóa nơi tôi được sinh ra bằng những tình cảm đặc biệt đối với nơi chôn rau cắt rốn.
Sau này mỗi lần đi tàu hỏa qua cầu Hàm Rồng tôi luôn cố gắng chụp vài tấm hình kỷ niệm. Bạn bè đồng nghiệp thân thiết của tôi có nhiều người xứ Thanh.
Có lần họp mặt cộng tác viên báo Thanh Hóa ở phía Nam, mọi người giới thiệu tôi là một người con được sinh ra ở Thanh Hóa. Sau này tôi đi dạy các lớp báo chí tôi cũng hay tụ tập "chát chít" với sinh viên quê Thanh Hóa.
Tôi yêu chữ Xứ. Phải hội tụ nhiều tinh hoa giá trị kinh tế xã hội truyền thống lâu năm mới được gọi là Xứ, như: xứ Nghệ, xứ Đoài, xứ Thanh... Tôi đi qua Thanh Hóa thì nhiều nhưng thực sự được đến và ở lại Thanh Hóa rất ít.
Năm 1995, tôi đến Thanh Hóa có chủ đích là đi thăm bệnh viện, nơi mình được sinh ra. Tôi và một anh bạn đi xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng xe gắn máy. Nhờ thế tôi mới đến được tận bệnh viện để chụp hình. Một số nhân viên bệnh viện thấy tôi chụp hình cái cổng bệnh viện thì có vẻ ngạc nhiên lắm.
Năm 1954 có sự kiện 140.000 cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Trong số đó có 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, chiến sĩ, 5.922 học sinh, sinh viên, 1.443 gia đình cán bộ. Họ đã được các tàu của Ba Lan, Liên Xô đưa ra tập kết ở Thanh Hóa.
Địa điểm đầu tiên tập kết là cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn). Các cán bộ miền Nam sau mấy ngày hải trình mệt lả vì say sóng đã được đồng bào Thanh Hóa đón tiếp nồng hậu và chu đáo. Cán bộ tập kết được chia ra ở nhà dân hay ở các lán dài hàng trăm mét, được phát chăn bông, thuốc men, đường sữa.
Trong thời gian này họ được học tập và sau đó chia về các ngành, các tỉnh trong khắp nước, trở thành một lực lượng bổ sung cho đội ngũ cán bộ các ngành để vài năm sau trở lại chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Tôi cũng là con em cán bộ miền Nam tập kết nhưng không hề được nằm ở bất cứ mục nào trong danh sách đó.
Đơn giản là vì tôi khi ấy đang còn trong bụng mẹ. Mẹ tôi tập kết trên chuyến tàu sớm nhất dành cho cán bộ, cho phụ nữ và những người mang bầu, mẹ tôi vừa dắt anh trai tôi lúc đó mới 3 tuổi, vừa ì ạch mang cái bầu (trong đó là tôi) rất vất vả. Khi đến Sầm Sơn mấy tháng sau thì mẹ tôi chuyển dạ. Mọi người phải cáng võng mẹ tôi lên bệnh viện ở thị xã Thanh Hóa.
Nhưng hai ba ngày sau mẹ tôi mới lên bàn đẻ. Người đỡ đẻ sau này là vợ một thứ trưởng Bộ Y tế. Còn người hộ lý hồi đó sau này là mẹ vợ một người bạn thân của tôi . Những người miền Nam tập kết ở Thanh Hóa khi ấy đa số đều sinh nở ở nhà thương thị xã Thanh Hóa, sau này là Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa.
Sau này mẹ tôi kể lại đó là một đêm tháng 3 rất lạnh, không điện, không đồng hồ nên không biết chính xác là mấy giờ sinh tôi. Mấy mẹ con tôi ở Thanh Hóa một năm trời, trong khi ba tôi đi tập kết chuyến tàu cuối cùng thì ra thẳng báo Nhân Dân ở Hà Nội. Những ngày ở Thanh Hóa, trong lúc chờ phân công công tác, mẹ tôi đi học bổ túc văn hóa. Mỗi khi đi tranh thủ đi học, mẹ cột chân tôi vào thành giường cho khỏi ngã.
Cả khi đi thi vấn đáp, mẹ tôi cũng xin được vào thi đầu tiên để vội vã về với hai anh em tôi. Thế mà cuối cùng mẹ tôi cũng thi đậu với số điểm cao nhất. Sau khi ra Hà Nội, gia đình tôi được bố trí ở ngay trong trụ sở của Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống. Báo tổ chức mở lớp Đại học báo chí, mẹ tôi lại xin đi học.
Thế là bên cạnh vốn liếng tiếng Pháp ít ỏi thời nhỏ, nay mẹ tôi có thêm chút tiếng Anh và có thêm cái bằng Đại học Báo chí tại chức. Mẹ tôi được phân công về phòng tư liệu rồi về Ban Thống nhất. Sau 1975 khi về Nam thì công tác ở báo Đại Đoàn Kết cho tới khi nghỉ hưu.
Mãi đến tận bây giờ, bà vẫn có đam mê làm thơ, đọc báo. Tôi có một niềm vui là hàng tuần cũng cấp báo cho mẹ tôi đọc, dù năm nay bà đã 93 tuổi. Bà theo dõi các hoạt động và các bài viết của tôi rất chặt chẽ và góp ý khá tinh tế.
Ba tôi hồi trai trẻ ở Bến Tre cũng học giỏi, từng đứng đầu tỉnh trong một kỳ thi tốt nghiệp và được thưởng một chuyến đi Vũng Tàu. Ba tôi thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp nên sau được cử làm Tổng Biên tập báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tôi biết ơn ba mẹ tôi vì trong hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa cũng đã nuôi dưỡng truyền thống ham học cho cả đại gia đình. Cả gia đình ai cũng tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp ổn định nhờ học hành đến nơi đến chốn. Đại gia đình của tôi có hai phó giáo sư, mấy người có hai bằng đại học, có 9 người từng làm báo, 5 người làm ngành y dược, 5 người làm trong lĩnh vực du lịch…cũng là nhờ truyền thống ham học đó.
Nhưng điều lớn nhất của ba tôi để lại chính là tình yêu quê hương đất nước.
Hồi đó, trong số hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra đi tập kết, lòng đầy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhưng sự thật cũng rất nhiều người nghĩ rằng không đời nào kẻ thù chịu nghiêm túc thực hiện hiệp định. Ba tôi đã mang theo một nhúm đất nơi ông bà nội tôi hy sinh trên quê hương trong quân trang ra Bắc tập kết, để ông nhớ về quê hương và qua đó giáo dục con cháu mình luôn hướng về quê hương.
Có người thắc mắc về chuyện đi ở thì được giải thích: Đi hay ở cũng là vì Tổ quốc. Đi thì được gần với Trung ương, miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ở thì gắn bó với quê hương tiếp tục chiến đấu. Đi là để trở về chứ không phải để chia ly. Ai cũng mong mỏi ngày chiến thắng để trở về và họ đã làm tất cả để trở về.
Ba tôi làm công tác báo chí đối ngoại, đi nước ngoài nhiều, nhưng ngay sau khi thống nhất đất nước, ba tôi lập tức đưa cả nhà về quê ngay.
Có thể nói từ sự kiện tập kết ra Bắc này mà có một đội ngũ học sinh miền Nam trở thành cán bộ, chiến sĩ cốt cán, một số đã trở về Nam chiến đấu. Nhiều người đã hy sinh có nhiều người trong lớp chiến sĩ tập kết ngày ấy được nhân dân miền Nam giao trọng trách: "Con ra thưa với Bác Hồ, Việt Nam chỉ một lá cờ vàng sao" nay đã đảm đương những trọng trách của đất nước.
Các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc có nhiều gắn bó thân thương với nhau.
Năm 1972, khi nhà tôi bị bom Mỹ đổ sập, mấy anh em tôi cũng đến ở nhờ nhà của mấy gia đình miền Nam tập kết. Và khi tụ họp, ai cũng nhắc những kỷ niệm đầy vui buồn khi đặt chân ra xứ Thanh lạnh giá mà ấm áp tình người đầu năm 1955.
Vừa rồi, nhân dịp tôi ra Thanh Hóa dạy lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà báo Thanh Hóa tổ chức, tôi mới có dịp về lại nơi tôi sinh ra. Người Thanh Hóa có chút Bắc chút Trung, tinh tế và thanh tao.
Hôm đi máy bay từ Sài Gòn ra Thanh Hóa, tôi ngồi gần mấy người quê Thanh Hóa, tôi có hỏi họ "đặc tính của người Thanh Hóa là gì?". Họ nghĩ một lúc rồi trả lời: "là … cái gì cũng có một tí"… Nói xong họ cười phá lên, vui vẻ, hòa đồng.
Tôi được bạn bè hướng dẫn ra tận Cảng Hới Sầm Sơn - nơi những chiếc tàu Ba Lan đưa cán bộ miền Nam tập kết cập bến năm xưa.
Cảng Hới bây giờ cũng thuyền vào tàu ra tấp nập như sông Đốc Cà Mau. Nhưng tại Cảng Hới hôm nay đã có một điểm nhấn mới. Đó là cụm tượng đài Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có quy mô hơn 40.000m2. Khu A của công trình có diện tích gần 13.600m2, gồm: tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, cùng nhà trưng bày hiện vật...
Tôi đã được đến Cảng Hới vào một chiều hoàng hôn vừa tắt, lúc Sầm Sơn vừa lên đèn lung linh. Trong lòng tôi rưng rưng xúc động. Thế là hôm nay tôi đã đến được cả hai nơi điểm đầu là sông Đốc Cà Mau và điểm cuối là Sầm Sơn Thanh Hóa, những nơi diễn ra sự kiện tập kết lịch sử của cán bộ miền Nam tập kết năm 1954.
Sắp tới, tôi được mời ra Thanh Hóa dự cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm tập kết.
Tôi ra Thanh Hóa về sẽ kể lại cho mẹ tôi những thay đổi của Thanh Hóa mà mẹ tôi vì lý do sức khỏe chưa một lần được thăm lại sau khi tập kết năm 1955.