Tôi đến Myanmar sau động đất
Tôi chưa từng đi Myanmar, lần chạm chân đầu tiên lại là khi đất nước này vừa trải qua trận động đất mạnh nhất thế kỷ. Đứng trước mất mát, nụ cười của người dân vẫn vô tư và hiền hòa.

Khi trở về nhà, tôi vẫn còn xúc động khi xem lại những hình ảnh trong chuyến đi Myanmar.
Quay về cuối tháng 3, trận động đất mạnh nhất trong vòng 100 năm qua san phẳng nhiều công trình lịch sử và văn hóa của Myanmar.
Tôi từng nghĩ còn rất lâu mới có thể đến được đất nước này vì việc di chuyển gắt gao. Song, đến ngày 29/4, ngồi trên xe cùng đoàn Phật giáo Việt Nam, vượt qua từng chốt chặn bằng giấy thông hành, tôi có mặt tại thành phố Mandalay và Bagan của Myanmar.
Đây là 2 thành phố nằm cạnh nhau, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ trận động đất. Nhưng có lẽ, Bagan - cái nôi của Phật giáo - khiến tôi sốc về mức độ hoang tàn, gần 10.000 ngôi chùa gần như bị xóa sổ. Mọi thứ chưa thể phục hồi, dù đã một tháng trôi qua. Tôi là Tài Phạm, blogger du lịch đang sống tại TP.HCM, vừa trở về sau 4 ngày 3 đêm ở Myanmar.




Người dân mất trắng nhà cửa và công việc, việc họ có thể làm là chờ viện trợ.
Màn trời chiếu đất
"Không nghĩ là khủng khiếp đến vậy" - đây là câu tôi vẫn hay nói khi có ai hỏi về những gì tôi chứng kiến trong chuyến đi. Nhà cửa, đền, chùa hóa thành những đống gạch ngổn ngang. Số khác có cấu trúc kiên cố hơn cũng xô nghiêng hoặc gãy cột. Người dân mỗi ngày vẫn lui tới ngôi nhà cũ, lặng lẽ nhặt những viên gạch còn nguyên vẹn để tái xây dựng, chính họ cũng không biết khi nào mới thoát ra khỏi tình cảnh này.
Khu tôi đến có một hố ga ngầm, khi lòng đất rung chuyển, hố ga phát ra cú nổ lớn và những ngôi nhà lân cận chỉ còn lại nền gạch. Để ngủ tạm, người dân dựng tấm bạt xanh che nắng mưa, đồ đạc treo kín xung quanh. Thế nhưng, hình ảnh này vẫn chưa ám ảnh bằng trại lánh nạn và bệnh viện quân đội.
Trong một công viên rộng lớn, mặt cát nóng ran, hơn 1.000 người cùng sống trong 3-4 chiếc lều lớn được dựng lên, ánh mắt mong chờ viện trợ từ quốc tế khi không còn công việc để mưu sinh. Vài tuần trước, một số đoàn viện trợ của Việt Nam cũng đã đến và hỗ trợ chi phí. Mỗi ngày, dưới cái nắng gay gắt ở trại lánh nạn, người dân đều xếp hàng dài, trên cổ đeo số thứ tự chờ lấy thức ăn từ UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.




Cuộc sống ở Bagan khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Người dân bị thương nặng được đưa vào bệnh viện quân đội. Phòng bệnh khá tối vì không có đèn, khi tôi bước vào, ánh sáng từ cửa sổ hắt lên giường. Trước mắt tôi là những người đã mất tay chân, đang quấn băng trắng, người chằng chịt vết kim truyền dịch. Một số sư cô bật khóc khi thấy tôi đến, cảm giác vừa sợ vừa thương. Tôi đứng lặng, người run rẩy và chực khóc, còn họ chợt nhoẻn miệng cười như trấn an.
Tôi có nghe kể lại, vào ngày 28/3, 300 sư thầy đang trong một kì thi Phật học. Trong phút chốc, ngôi chùa rung lắc dữ dội và đổ sập, giấy tờ văng lên không trung. Tất cả sư thầy đều qua đời khi tay còn đang cầm bút. Những sư thầy khác ở thành phố Bagan may mắn sống sót sẽ được đưa đến những ngôi chùa không bị dư chấn của động đất. Bất kể sáng hay chiều, nhiều đoàn sư vẫn miệt mài thu gom gạch, ráp lại những tượng Phật đã đứt làm đôi.

Người dân Myanmar nụ cười vẫn nở trên môi. Đây là cách họ tìm niềm vui khi "đòn giáng" đã đi qua.
Vực dậy
Song, điều khiến tôi bất ngờ nhất là tinh thần lạc quan của người dân Myanmar. Họ hiền lành và thật thà, cười đùa như chưa từng trải qua nghịch cảnh. Thậm chí, những đứa trẻ vô tư đến mức giơ tay chào, miệng cười rộng khi tôi chụp ảnh, sẵn sàng lấy ô che nắng cho tôi. Đất nước này vốn tôn sùng đạo Phật và lòng biết ơn, khi tôi cho tiền, họ sẽ quỳ xuống lạy tạ.
Ngày tôi lên xe rời thành phố Bagan, người dân từ trong trại lánh nạn đến bên đường đồng loạt vỗ tay, hô vang "chúc mạnh khỏe và thượng lộ bình an". Đây được xem là câu chào tạm biệt thay cho lời cảm ơn.
Cuối chuyến đi, tôi cùng đoàn đến Yangon, hay còn gọi là Rangoon - thành phố lớn nhất Myanmar. Tôi nghĩ thành phố này hợp lý cho du lịch bởi đường phố hiện đại, nhiều công trình mang tính nghệ thuật cao, dù đã hằn các vết nứt sau trận động đất. Thỉnh thoảng, khi đi trên đường vẫn có thể bắt gặp những đoàn khất thực đặc trưng của vùng đất của Phật.




Các công trình Phật giáo tại Myanmar là yếu tố thu hút khách du lịch.
Điểm tôi tham quan là ngôi chùa Shwedagon trăm năm tuổi. Ngôi chùa này biểu trưng cho thánh địa của các tín đồ Phật giáo, hàng triệu lượt khách đến viếng thăm mỗi năm chỉ để ngắm kiến trúc lộng lẫy, dát bởi 90 tấn vàng và hàng nghìn viên kim cương, đá quý.
Đi từ xa có thể thấy những tòa tháp vàng óng. Khi lại gần, kiến trúc càng trở nên hùng vĩ với hàng trăm bậc thang dựng đứng, kéo dài lên những tòa tháp cao. Đến đây, người dân Myanmar sẽ tìm ngôi miếu tương ứng với ngày sinh của mình để chiêm bái, dâng hoa vàng và tưới nước trong bồn lên tượng Phật một cách đầy tôn kính.
Với tôi, lần đến Myanmar này không đơn thuần là du lịch hay tham quan như bao chuyến đi trước. Tôi lan tỏa sự đồng cảm, hỗ trợ từ Việt Nam sang Myanmar trong khoảng thời gian nhiều khó khăn. Là một người yêu du lịch, tôi mong đất nước này sớm phục hồi và lại nhộn nhịp du khách.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-den-myanmar-sau-dong-dat-post1551603.html