'Tôi không còn tự ti vì mình là người khuyết tật'
Vượt qua mọi khó khăn, Thạc sĩ Lê Thị Nhật trở thành Quản lý dự án Chương trình Phục hồi chức năng vận động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Lê Thị Nhật sinh năm 1983 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Đại học Công đoàn và học cao học ngành Nghiên cứu phát triển tại Đại học Melbourne , Australia . Chị là người khuyết tật và từng trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn để tiến về phía trước.
Nhật cho biết, khi mới lên 2, chị bị sốt và sau đó bị liệt hoàn toàn 1 chân. Để đến được trường học từ lớp 1, chị đã trải qua nhiều thách thức. "Ngày ấy, khi gia đình nộp hồ sơ cho tôi vào trường tiểu học, nhà trường đã từ chối bởi không biết xử lý thế nào đối với học sinh bại liệt, không thể tự mình di chuyển. Vì khát khao được đến trường của tôi, gia đình đã cố gắng thuyết phục nhà trường. Nhưng đó mới chỉ là gian khổ bước đầu", Nhật tâm sự.
Sau đó, trong suốt những năm con học tiểu học, bố chị là người kiên trì đưa đón và bế con lên tận lớp học. Suốt 3 năm đầu, do lớp học nằm ở tầng 3 của tòa nhà, những hoạt động thể chất Nhật đều không thể tham gia, nhà trường cũng không có phương án nào dành cho học sinh khuyết tật lúc đó. Cô bé chỉ biết ngồi nhìn bạn bè chơi đùa trong sự khát khao.
Không chỉ có thế, những lời trêu ghẹo của bạn học đối với Nhật là không đếm nổi. Chị nhớ lại: "Khi tôi còn bé, bố đã phải cõng tôi hàng ngày từ nhà đến lớp học. Ngoài thời gian đi học thì hầu như tôi chỉ ngồi ở nhà hoặc ngồi trước cửa nhà nhìn các bạn cùng tuổi chơi các trò chơi".
Những khó khăn này khiến Nhật thiếu tự tin vào bản thân, đến lúc tốt nghiệp đại học đi xin việc, chị còn không đủ tự tin vào năng lực bản thân và luôn nghĩ: "Ai sẽ tuyển dụng một người đi lại khó khăn như mình? Bố hay gia đình không thể giúp được mình nữa".
Thế rồi, cơ duyên đến với chị khi Hội Chữ thập đỏ tuyển dụng nhân sự. Chị đã nộp hồ sơ ứng tuyển và cũng từ đây, chị được Chính phủ Australia trao cơ hội học tập. Đó là một bước ngoặt lớn của cuộc đời chị, bởi học lên Thạc sĩ vốn chỉ là trong mơ đối với một cô gái khuyết tật như chị.
Khi học ở Australia , cuộc sống của Nhật như bước sang trang mới bởi trải nghiệm được sống như một người bình thường. Chia sẻ về cảm giác lúc đó, chị cho biết: "Khi đi lại bằng nẹp đeo chân trên đường phố, tôi không hề gặp phải ánh nhìn thắc mắc của mọi người chứ đừng nói những từ thiếu thiện cảm mà bạn bè trước đây từng gọi... Khi sử dụng phương tiện công cộng, mọi người đối xử với tôi bình đẳng như những người bình thường khác. Họ chỉ giúp khi tôi mở lời nhờ. Ban đầu, tôi thật sự bất ngờ với cư đối xử như vậy. Sau đó, tôi đã quen dần và nhận ra rằng, tôi có đủ khả năng làm mọi việc từ đi lại, đi học, đi chơi, đi chợ mua đồ… Tôi không còn tự ti vì mình là người khuyết tật như trước kia nữa".
Vì cộng đồng người khuyết tật
Chia sẻ về công việc hiện tại, Nhật cho biết, chị muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và kể cả người khuyết tật về vấn đề khuyết tật. Người có khiếm khuyết chức năng khi không có rào cản về vật lý, thái độ, môi trường, quyền… thì hoàn toàn sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường. Người khuyết tật nỗ lực rất nhiều để sống độc lập.
Minh chứng cho điều này, chị cho hay, 2 năm học tập ở Australia, chị hoàn toàn sống độc lập và có thể đi bộ nhiều cây số hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Đến bây giờ, nẹp chân là một thiết bị bất ly thân của chị. Nhật cho rằng, người khuyết tật nên biết tới phục hồi chức năng (PHCN) vận động càng sớm càng tốt.
Theo chị Nhật, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ PHCN vận động. Ví dụ ở tuyến Trung ương có Trung tâm PHCN Bạch Mai, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện PHCN TPHCM. Ở tuyến tỉnh thì hầu hết các tỉnh, thành phố đều có khoa, trung tâm, bệnh viện PHCN. Chưa kể đến mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng ở Việt Nam là rất lớn và rộng, phổ biến tới tuyến xã. Bộ Y tế cùng với các cơ quan chính phủ khác vẫn đang nghiên cứu mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế cho dịch vụ phục hồi chức năng.
"PHCN cho người khuyết tật là tiên quyết nhưng chưa đủ. Để người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống, sống độc lập, sống có đóng góp và cống hiến thì các dịch vụ khác cũng cần tiếp cận được với người khuyết tật. Các dịch vụ như học tập, việc làm, đào tạo, vui chơi, thể thao, nghệ thuật… không nên phân biệt là dành cho hay không dành cho người khuyết tật, bởi người khuyết tật có nhu cầu như tất cả mọi người", chị Nhật nói.