Mỗi mét lò, mỗi tấn than không chỉ là thành quả của những giờ lao động miệt mài mà còn mang theo những ước mong của chúng tôi về cuộc sống, tiếp nối tinh thần 'kỷ luật và đồng tâm' của người thợ vùng than.
Chúng tôi là những người thợ mỏ hầm lò của Công ty Than Hòn Gai - TKV (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Làm việc ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, công việc của chúng tôi có những điều đặc biệt mà không phải ai cũng biết đến và thấu hiểu.
Ngày làm việc của thợ mỏ không có bắt đầu, không có kết thúc, bởi 3 ca 8 tiếng phải tiếp nối nhau liên tục xuyên suốt 24/24 giờ. Khi nhiều người còn chưa thức giấc thì chúng tôi đã có mặt ở khai trường mỏ Thành Công, sẵn sàng vào ca 1.
"Sản xuất phải an toàn !", "An toàn ! An toàn ! An toàn", mọi người đồng thanh hô vang khẩu lệnh sau khi nghe quản đốc phân công, nhận nhiệm vụ. Mỏ nào cũng vậy, thợ nào cũng thế, "Tuân thủ đúng các nội quy, quy định an toàn", "Không biết không làm", "Không hiểu thì hỏi", "Bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội" là những nguyên tắc kỷ luật mà chúng tôi phải thuộc nằm lòng.
Nhận đầy đủ trang thiết bị là đèn và bình tự cứu, qua cửa kiểm soát, các công tác kiểm tra sẽ được thực hiện nghiêm ngặt một lần nữa trước khi xuống lò. Đơn vị chúng tôi có khoảng 3000 thợ mỏ, chỉ là 1 phần nhỏ trong gần 9 vạn công nhân đang làm việc trong ngành than tại Quảng Ninh.
Từ mặt bằng +25m, chúng tôi đi vào lòng đất bằng hệ thống tời tựa như "cáp treo". Hiện nay mỏ Thành Công đang khai thác từ mức -200m lên mức -120m, điều kiện địa chất khu vực rất phức tạp, khó áp dụng tự động hóa, hiện đại hóa như nhiều mỏ đã và đang làm.
Tuy vậy, việc sử dụng tời hay xe song loan để vận tải người, thiết bị đã giúp thợ lò di chuyển hàng km trong lò một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức rất nhiều so với giai đoạn vất vả trước kia. Lò chợ cũng chống giữ bằng công nghệ giá thủy lực di động liên kết xích thay vì gỗ, sắt như nhiều năm trước.
Ánh đèn trên mũ xuyên màn tối, đưa các tốp thợ tỏa đi theo các nhánh lò "xương cá", "tiến quân" vào lò chợ nơi sản xuất. Các vị trí làm việc trong lò đều trang bị camera giám sát, thiết bị đo truyền lên trung tâm điều hành, giúp nâng cao hiệu quả công tác sản xuất và an toàn.
"Công việc quen thuộc của tôi khi bắt đầu ca là củng cố đường lò, cuốc nóc, lên xà, dựng vì chống, xúc dọn than sạch sẽ, đảm bảo đường lò luôn rộng, thoáng và an toàn. Ngoài ra, tôi còn là một an toàn viên, là "biển báo di động" với nhiệm vụ nhắc nhở anh em đồng đội tuân thủ đúng các quy định, quy trình khai thác" - thợ lò Đỗ Văn Tuấn.
"Là chỉ huy trưởng nổ mìn, tôi luôn tập trung ra hiệu lệnh để phân công anh em thi công khoan đúng hộ chiếu, nạp nổ đúng quy trình, kiểm soát khí trước và sau khi nổ mìn sao cho chính xác và an toàn cao. Sau tín hiệu còi báo an toàn, thợ lò mới có thể tiếp tục khấu giá, sang giá, tải than. Năm vừa qua, tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng công việc vẫn rất ổn định. Những tháng cuối năm, để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, các đơn vị ngành than đều được giao thêm sản lượng khai thác, phát động thi đua với khí thế hồ hởi" - thợ lò Cao Văn Vinh.
"Gương than lấp lánh lộ ra sau mỗi mũi khoan, dưới sự phối hợp ăn ý giữa tôi và thợ phụ. Tôi sinh năm 1997 nhưng đã có 6 năm làm việc ở mỏ. Chọn học nghề mỏ sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi vẫn thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Ở tại khu tập thể công ty, tôi đang ấp ủ dự định trong 2 năm tới sẽ có thể đón vợ con từ quê nhà Thái Nguyên về đây, mua đất, xây nhà" - thợ lò Ngô Văn Quân.
"Không có nhiều kinh nghiệm như các anh em trong phân xưởng, tôi mới chỉ làm thợ hơn 2 năm nay. Từ Bắc Kạn xuống vùng than, tôi cũng có rất nhiều bỡ ngỡ khó khăn, may mắn được anh em, chú bác kèm cặp rồi chỉ bảo rất nhiều. Không chỉ có tôi là người Tày, đơn vị có tới 20 dân tộc khác nhau từ Hà Giang tới Kiên Giang cùng tề tựu về đây. Có nhiều dịp, Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức các giải văn nghệ, thể thao truyền thống vùng cao, anh em rất hào hứng tham gia" - thợ lò Ma Ngọc Hòa.
"Hiện tại, thu nhập của tôi từ 18-20 triệu/tháng, ngoài chi cho sinh hoạt thì phần lớn gửi về cho gia đình. Dịp lễ ngày truyền thống Công nhân vùng mỏ - truyền thống Ngành than 12/11 sắp tới này, công ty bố trí xe cho anh em về tận quê dù xa dù gần, yên tâm phòng tránh dịch. Năm nay do dịch nên không được đi tham quan ở nước ngoài, các anh em đang lần lượt thay nhau đi nghỉ dưỡng trên vịnh Hạ Long" - thợ lò Đoàn Văn Chiến.
"Mỏ chúng tôi cũng là nơi hiếm hoi còn mang cơm hộp vào tận nơi sản xuất, ăn chắc dạ hơn bánh mỳ mỏ. Gần 12 giờ, anh em nghỉ ăn giữa ca, trò chuyện tếu táo. "Kỷ luật và Đồng tâm", truyền thống của người thợ mỏ có lẽ đã được xây dựng từ những ngày tháng đoàn kết gắn bó, những câu chuyện sẻ ngọt sẻ bùi như vậy" - thợ lò Trần Văn Thiên.
"Dù đã có thâm niên 23 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thôi xúc động khi chứng kiến những dòng than đen nhánh - thành quả lao động của anh em - ào ạt nối nhau theo băng tải đưa lên mặt đất. Tôi là người Nam Định nhưng đã yêu nghề mỏ, để rồi chọn lập nghiệp, lập gia đình ở vùng than. Con trai tôi là thế hệ "sinh ra trên đất mỏ", chắc chắn sẽ nối nghiệp cha với những sáng kiến hiệu quả hơn cho sản xuất trong tương lai - thợ lò Trần Văn Thiên.
"Nghề mỏ quả thực nhiều vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm độc hại nhưng qua mỗi năm, với bao nỗ lực, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ mới, điều kiện làm việc đã ngày một tốt hơn, tăng năng suất và hiệu quả gấp 3-4 lần trước kia, nâng cao thu nhập cho người thợ. Niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy nụ cười của các anh em khi tan ca, khi được nâng bậc, giành danh hiệu thợ giỏi, an toàn viên xuất sắc" - Phó Phòng An toàn Đoàn Đức Toản.
"Sản xuất than như quân đội đánh giặc", "Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!". Chúng tôi tự hào là những người thợ nối tiếp và phát huy truyền thống của cha anh mình, tiếp tục đóng góp sức mình, làm giàu cho Tổ quốc hôm nay./.