Tôi lập kế hoạch chi phí cho hạnh phúc
Tôi lập kế hoạch về chi phí hạnh phúc cố định, như một phần thưởng dành riêng cho bản thân về những nỗ lực trong cả cuộc sống lẫn công việc.
Tôi nghĩ không nhất thiết phải tiết kiệm tiền bằng mọi giá. Nếu làm như vậy sẽ biến việc đầu tư tài chính trở thành “một dạng bài tập” hoặc là “một việc nhàm chán”. Có nhiều cách để chúng ta không còn cảm thấy như vậy. Đó chính là lập ra “chi phí hạnh phúc”.
Khi lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, hãy thử đặt “chi phí hạnh phúc” vào mục chi phí cố định, tương tự như việc dự trù chi phí cố định khác như tiền ăn, chi phí đi lại. “Chi phí hạnh phúc” là khoản chi phí bạn phải trả cho việc tiêu dùng khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
Điều đầu tiên cần làm ở bước lập kế hoạch chi tiêu là thiết lập các tiêu chuẩn tiêu tiền. “Hãy chi tiêu cho một số thứ, ngoài ra đừng chi tiêu cho những thứ khác.” Bạn phải luôn có tiêu chuẩn này trong đầu.
Nếu bạn phân chia cho khoản chi phí hạnh phúc là 200.000 won (khoảng 4 triệu VNĐ) mỗi tháng, trong trường hợp chỉ được chi tiêu cho những chi phí thiết yếu như thực phẩm, đồ trang sức và đi lại, bạn muốn chi tiêu số tiền đó như thế nào? Chắc hẳn là sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Tôi thích đi du lịch đến mức tôi sẽ dành 150.000 won (khoảng 3 triệu VNĐ) mỗi tháng trong số tiền đó để đi du lịch và số tiền còn lại tôi dành để gọi món tokbokki phô mai hai tuần một lần.
Tôi thực sự hạnh phúc khi vừa thưởng thức món tokbokki phô mai vừa xem thứ gì đó hấp dẫn. Tôi lập kế hoạch về chi phí hạnh phúc cố định, như một phần thưởng dành riêng cho bản thân về những nỗ lực trong cả cuộc sống lẫn công việc. Tuy tiết kiệm tiền cũng khó khăn đó, nhưng hãy thử suy nghĩ về những tháng ngày được tiêu tiền trong hạnh phúc rồi cũng sẽ sớm đến thôi, như vậy bạn sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu.
Tôi có đọc một cuốn sách về đầu tư, trong đó nói rằng bạn không nên bắt đầu tận hưởng ở độ tuổi 20, nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến đó. Chẳng hạn, có rất nhiều lễ hội âm nhạc hấp dẫn được tổ chức ngoài trời cả ngày lẫn đêm. Lễ hội này không được tổ chức hàng tháng mà chỉ diễn ra vào mùa hè, nên việc tham gia một hoặc hai lần sẽ không ảnh hưởng lớn đến tài chính của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn có tư duy “tiết kiệm tiền” thì lúc này, việc mua vé tham gia lễ hội âm nhạc sẽ trở thành một vấn đề lớn. Trong trường hợp này, hãy thử nghĩ đến khoản chi phí hạnh phúc. Tôi cho rằng không nhất thiết phải từ bỏ tất cả niềm hạnh phúc hiện tại chỉ vì mục đích đầu tư tài chính.
Bởi mục đích cuối cùng của việc kiếm tiền chính là giúp cuộc sống của chúng ta thêm ấm no, hạnh phúc, cho nên, bạn không thể bỏ quên hiện tại mà chỉ hướng đến tương lai được. Có những cảm xúc chỉ có thể được cảm nhận ngay tại giây phút ấy, nên chỉ có cách tự thưởng cho mình những khoảng thư giãn với một mức chi tiêu hợp lý, bạn mới có thể đi đến cuối cùng.
Những người thấy nhanh chán ở bước này là do họ thắt chặt chi tiêu một cách quá mức và đột ngột, chẳng hạn khoán chi phí ăn uống hàng tháng trong phạm vi vài chục nghìn won (khoảng vài trăm nghìn đồng).
Nếu làm như vậy, thời gian tích lũy được số tiền vốn mục tiêu của họ có thể được rút ngắn hơn một chút, nhưng đầu tư là một cuộc chiến trường kỳ nên không cần thiết phải quá khắc nghiệt như thế. Thay vào đó, bạn nên kiểm soát chi tiêu một cách hợp lý, đồng thời tìm hiểu về các bước tiếp theo, điều này sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều.
Nguồn Znews: https://znews.vn/toi-lap-ke-hoach-chi-phi-cho-hanh-phuc-post1507923.html