Tội phạm công nghệ cao: Chủ động đi trước để đấu tranh hiệu quả

Trong xu thế bùng nổ thông tin như hiện nay, điều người dân bất an, lo sợ nhất chính là bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chỉ cần một phút bất cẩn, thiếu tỉnh táo, người dân dễ bị thao túng tâm lý dẫn đến 'sập bẫy' của các đối tượng lừa đảo.

 Người dân đến Công an TP. Huế trình báo bị các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

Người dân đến Công an TP. Huế trình báo bị các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

“Ma trận” thông tin

Chính sự tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng đã đưa người dân vào “ma trận” thông tin. Nghĩa là, người dân không thể nhận biết đâu là thực, đâu là giả dù đã rất cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo của các đối tượng sử dụng công nghệ cao.

Để thực hiện hành vi của mình, các đối tượng đã lập ra các trang website, lập thông tin giả trên mạng xã hội nhưng nhìn giống như thật của các cơ quan chức năng Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp có uy tín. Do trình độ hạn chế, lại ít am hiểu, thậm chí không am hiểu về công nghệ, nên người dân lầm tưởng, dẫn đến bị các đối tượng chiếm đoạt thông tin, tài khoản của mình với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, lợi dụng việc ngành thuế trên địa bàn tỉnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử phục vụ người nộp thuế, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ, kỹ thuật để mạo danh cán bộ, công chức thuế, cơ quan thuế, lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế. Từ đó, các đối tượng giả danh cán bộ thuế gọi điện, gửi tin nhắn đe dọa, yêu cầu người dân thực hiện các bước theo hướng dẫn của chúng và sau đó đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

Không những thế, các đối tượng còn giả mạo trang website có giao diện gần giống trang website của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang website của đơn vị cung cấp. Giả mạo tin nhắn SMS của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả, cung cấp các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại, máy tính, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Hiện nay, lợi dụng việc cài đặt sinh trắc học của người dân, các đối tượng đã sử dụng công nghệ cao, tìm cách để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. Các đối tượng liên hệ khách hàng bằng các hình thức gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, bọn chúng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

3 giải pháp căn cơ

Thông thường các đối tượng lừa đảo chủ yếu có đường dây ở nước ngoài, dưới sự điều khiển của các tổ chức lừa đảo công nghệ cao quốc tế. Vì vậy, lực lượng nghiệp vụ đấu tranh với loại tội phạm này gặp không ít khó khăn, nếu không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn về công nghệ thông tin, công nghệ cao để đáp ứng với tình hình thực tế.

Chủ động đi trước, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ luôn là yếu tố rất cần và quan trọng đối với những lực lượng nghiệp vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Qua các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng bằng công nghệ cao xảy ra thời gian qua cho thấy, các chiêu trò lừa đảo trên mạng liên tục thay đổi, việc cơ quan chức năng ngăn chặn hoàn toàn các chiêu trò lừa đảo là rất khó. Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là: Thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Lực lượng chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo đến người dân về phương thức, thủ đoạn và cách phòng, tránh các đối tượng lừa đảo công nghệ cao, nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin “sập bẫy” lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, nếu người dân không nâng cao cảnh giác và trang bị những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, qua bất kể hình thức nào. Việc người dân để lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng công an toàn tỉnh đã khởi tố 33 vụ, với 98 bị can phạm tội về trật tự xã hội liên quan đến công nghệ cao. Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau. Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài lực lượng công an, còn các lực lượng khác; trong đó, người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi người dân hãy cẩn thận, tỉnh táo để không “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao.

Có 24 thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao để người dân nhận biết và nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lừa đảo. Đó là, gọi điện, giới thiệu là cán bộ của các cơ quan Nhà nước; đăng bài quảng cáo trên các mạng xã hội; đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin; đăng tin có nội dung tuyển dụng việc làm online; lập công ty chứng khoán, website tổ chức kinh doanh; giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen; hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ; giả danh là nhân viên của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn; gửi thông báo cho người may mắn trúng thưởng…

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/toi-pham-cong-nghe-cao-chu-dong-di-truoc-de-dau-tranh-hieu-qua-143254.html