Tội phạm Hungary đã tạo lập đường dây buôn người sang Canada như thế nào?
Gần 10 năm bị trục xuất về nước cùng 18 nạn nhân khác trong đường dây buôn người của tổ chức tội phạm Domotor-Kolompar, cuộc sống của Tomas Miko đã ổn hơn rất nhiều. Và sau nhiều năm sống ẩn dật, anh quyết định xuất hiện trước báo giới để một lần nữa vạch trần tội ác của những kẻ buôn người và cảnh báo những ai ôm giấc mộng đổi đời nơi đất khách.
Tomas Miko cho hay, năm 2009, anh là một trong số 19 người Hungary bị dụ dỗ vào đường dây buôn người lớn nhất trong lịch sử Canada thời bấy giờ. 5 năm sau, anh bị Chính phủ Canada trục xuất và có cơ hội được trở về quê nhà Hungary. “Tôi đã vỡ òa trong niềm vui vì được về nhà. Tôi không sợ tổ chức tội phạm Domotor-Kolompar mà chỉ lo sẽ bỏ mạng nơi đất khách và phải sống cuộc sống chui lủi mà thôi”, Tomas Miko nói. Năm đó, Bộ trưởng Bộ An ninh công cộng Steven Blaney đã thông báo về việc trục xuất 20 người về Hungary, trong đó có cả nạn nhân và thành viên của tổ chức Domotor-Kolompar. “Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thích nghi lại với cuộc sống bình thường vốn có của mình. Thật khó có thể tưởng tượng được là có những thời điểm mà tôi không thể tin được ai nữa vì quá đau đớn và khổ sở”, Tomas Miko nhớ lại.
Cũng theo lời kể của Tomas Miko thì năm 24 tuổi, anh đã mất nhiều tháng để tìm kiếm một công việc ổn định sau khi nhà máy sản xuất dây cáp mà anh đang làm việc bị đóng cửa. Một người quen của gia đình đã giới thiệu Tomas Miko với gia đình Ferenc Domotor để tìm đường sang Canada làm việc với lương cao. Thời điểm đó, vì còn trẻ người non dạ nên khi nghe những lời đề nghị đường mật của Ferenc Domotor, Tomas Miko đã nhận lời luôn. Gia đình cũng ủng hộ và đã mua cho anh một vé máy bay sang Canada. Tháng 8/2009, Tomas Miko đến sân bay quốc tế Pearson ở Mississauga, Ontario. Vợ chồng Ferenc Domotor đón anh rồi đưa về nhà của họ trên một con phố nhỏ yên tĩnh ở ngoại ô Ancaster, Hamilton, Ontario. Ở đó, Tomas Miko được sắp xếp ngủ trên một tấm nệm ở tầng hầm cùng với sáu người đàn ông khác. Một trong số những người này ngay tối hôm đó đã nói với Tomas Miko rằng, những lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ không thành hiện thực.
Những người đàn ông trong ngôi nhà đó phải thức dậy trước 6h sáng để được đưa đến nơi làm việc và kết thúc công việc vào lúc 23h. Mỗi ngày, họ chỉ được cho ăn một bữa và việc trốn thoát là không thể bởi các cửa sổ và cửa ra vào của ngôi nhà đều được gắn chuông báo động. “Họ đã hứa với tôi mọi thứ, cả về số tiền lương 3.000-4.000 USD/tháng khi làm việc trong ngành xây dựng. Nhưng thay vào đó, chúng tôi lại bị giữ trong các tầng hầm, buộc phải làm việc từ sáng đến tối (khoảng 14-16 tiếng/ngày) và chỉ được ăn những mảnh vụn bánh mì. Tôi đã tự dằn vặt mình là tại sao lại đến đây và sẽ phải làm gì để tự cứu mình”, Tomas Miko kể. Mà kể cả có trốn được, Tomas Miko cũng chẳng có nơi nào để đi bởi vợ của Ferenc Domotor đang giữ hộ chiếu của anh và anh không nói được tiếng Anh. Đó là chưa kể chuyện tổ chức Domotor-Kolompar đã đe dọa anh và những người khác rằng, sẽ bạo hành gia đình ở quê nhà nếu họ trốn đi.
Chưa hết, mỗi ngày, các thành viên trong tổ chức Domotor-Kolompar đều nhắc đến khoản phí 600.000 forint (khoảng 2.700 USD) mà gia đình Ferenc Domotor đã trả cho các cộng sự ở Hungary để tuyển Tomas Miko. Vì vậy, chúng bảo anh phải làm việc để trả món tiền đó rồi mới được nhận lương. Câu chuyện này cũng tương tự đối với các công nhân khác. Một số người trong số họ đã làm việc cực nhọc hơn hai năm, sống trong tầng hầm ngôi nhà mà không bao giờ trả được “nợ” của mình. Một số người làm việc trực tiếp cho cơ sở kinh doanh của tổ chức, trong khi những người khác làm việc cho các công ty khác, bao gồm một công ty sản xuất gỗ và một nhà thầu ốp lát. Họ được lệnh thực hiện các yêu cầu gian lận về phúc lợi và lập tài khoản ngân hàng. Các thành viên băng đảng đã lấy thẻ ghi nợ của họ… Nhiều người còn bị buộc phải dọn dẹp nhà cửa của những kẻ đang bắt giữ họ. Nạn nhân nữ duy nhất của băng đảng là Erzsebet Szailaine Ban đã bị Jozsef Domotor, anh trai của Ferenc Domotor, sử dụng làm người giúp việc không công, dọn dẹp xe và chăm sóc con gái nhỏ của hắn ta.
Sau này, khi được Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) giải cứu, một nạn nhân tên là David Bogdan có kể rằng, vào một ngày hè năm 2008, Ferenc Domotor đã đánh đập ông và 3 công nhân ở công trường khiến họ bị rách miệng và chảy máu tai. Một công nhân khác tên là Janos Farkas, khai với cảnh sát rằng, Attila Kolompar, anh rể của Domotor, từng tát vào mặt ông vì làm việc không đủ nhanh. Cú đánh đã làm rơi kính và khi ông Janos Farkas cúi xuống nhặt thì Attila Kolompar lại đánh.
Trong khi các nạn nhân sống khổ sở, đói khát thì các thành viên của băng đảng lại sống một cuộc sống thượng lưu. Mùa thu năm 2009, Ferenc Domotor và Gyula Domotor chuyển đến nhà mới trị giá gần 500.000 USD, cách nhau một con phố ở Ancaster. Ferenc Domotor luôn lái chiếc Mercedes màu đen và trả bằng tiền mặt cho các chuyến du ngoạn sang trọng cùng gia đình. Trên các tài liệu ngân hàng, con trai lớn của Ferenc Domotor, lúc đó mới 19 tuổi - đã liệt kê tổng thu nhập hàng năm của mình là 142.000 USD.
Sẽ chẳng có ai biết đến chuyện này nếu như không có việc Sandor Simon, một người đàn ông 51 tuổi sống dưới tầng hầm nhà chị gái của Attila Kolompar, khi được đưa đến văn phòng phúc lợi, đã kể cho các quan chức biết chuyện gì đang xảy ra. Đó là vào tháng 12/2009 và Sandor Simon là một trong những công nhân mới được đưa từ Hungary sang Canada được 2 tuần.
Cùng lúc đó, Tomas Miko tâm sự với một nhà thầu tại công trường mà anh đang làm việc về những gì đang xảy ra và người đàn ông này đã gọi điện cho RCMP. Vào một buổi sáng đầu tháng 1/2010, nhà thầu này đến đón Tomas Miko đi làm và khi họ vừa vào xe thì cảnh sát ập đến. Tomas Miko ngay lập tức được RCMP đưa đến một nơi an toàn để tránh nguy cơ bị thành viên tổ chức Domotor-Kolompar truy đuổi. "Tôi đã rất ngạc nhiên và hỏi nhà thầu là phải làm gì. Anh ấy nói 'Đi, đi, đi’. Rồi chúng tôi được đưa tới một nhà an toàn ở St.Catharines, Ontario", Tomas Miko hồi tưởng.
Nhưng ngay cả sau khi những công nhân trốn thoát, họ vẫn bị tổ chức Domotor-Kolompar truy lùng. Trong những tháng tiếp theo, cảnh sát chuyển các nạn nhân từ ngôi nhà an toàn này sang ngôi nhà an toàn khác, nhưng dù họ đi đâu, Ferenc Domotors và các cộng sự dường như đều có thể tìm thấy họ. Một nạn nhân kể về việc bị anh họ của ông Ferenc Domotor tiếp cận khi đang hút thuốc bên ngoài một nơi trú ẩn. Một số người khác thì khai với cảnh sát rằng người nhà họ đã bị thành viên tuổi teen của băng đảng gọi điện, ghé thăm và dọa giết…
Riêng với Tomas Miko thì người thân của Ferenc Domotors ở Hungary đề nghị trả tiền cho gia đình nếu anh rút lại lời khai. Khi họ từ chối, cha của Tomas Miko đã bị gọi điện đe dọa liên tục và bị nhiều kẻ đến nhà tấn công, dọa giết. Mọi chuyện trở nên tồi tệ đến mức gia đình Tomas Miko cuối cùng phải bỏ nhà ra đi vào lúc nửa đêm. Cảnh sát chở họ đến Budapest, nơi một tổ chức phi chính phủ đưa họ đến một địa điểm an toàn.
Tháng 10/2010, RCMP đã buộc tội 9 người về tội buôn người và triệt phá băng đảng Domotor-Kolompar. Tháng 8/2012, 12 thành viên khác của băng đảng Domotor-Kolompar đã nhận tội. Tám người trong số họ đã bị kết tội âm mưu buôn người. Gyula Domotor, được mô tả là cấp dưới của anh trai mình và bị kết án 7,5 năm tù giam, mức án nghiêm khắc nhất vào thời điểm đó ở Canada cho tội danh này. Sau này, vợ chồng Ferenc Domotor cũng ra tòa cùng với con trai lớn và bị kết án 9 năm tù giam.
Đối với Tomas Miko, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Kể từ khi thoát khỏi đường dây buôn người, anh lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng ở Canada. Tomas Miko đã thử qua rất nhiều nghề, vừa làm quản gia, vừa học nốt trung học nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh. Có thời điểm, anh làm việc rửa bát trong một nhà hàng Ấn Độ và chỉ kiếm được 25 USD cho một ca làm việc kéo dài 14 tiếng. Dần dần, anh thông thạo tiếng Anh hơn và nộp đơn xin nhập cư rồi tìm được công việc ổn định là dọn dẹp phòng khách sạn. Nhưng cuộc sống xa quê chả bao giờ yên, cuối cùng anh quyết định trở về Hungary, làm lại cuộc đời.
“Tôi cảm thấy như mình được tái sinh khi thoát ra ngoài. Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều - chỉ vì tôi không phải quay lại địa ngục đó nữa”, Tomas Miko nói và cho biết thêm rằng, anh quyết định xuất hiện trên báo chí để giúp người dân hiểu hơn về nạn buôn người và cảnh tỉnh những ai đang nuôi mộng làm giàu nơi đất khách.
Theo nguồn tin từ RCMP, tổ chức Domotor-Kolompar là một đường dây buôn người kiểu gia đình đến từ Papa, Hungary và định cư ở Hamilton, Ontario, Canada. Từ năm 2008, tổ chức Domotor-Kolompar đã dụ 19 người từ Papa đến Hamilton và sử dụng họ làm lao động không tự do, buộc họ làm công việc xây dựng mà không trả tiền. Cảnh sát Hoàng gia Canada đã đưa ra khoảng 60 cáo buộc chống lại các thành viên của tổ chức này. Sau khi vụ án được phá, Michael Csoke thuộc Đơn vị Bắt giữ người chạy trốn của Cảnh sát Hamilton, người tham gia cuộc điều tra ban đầu về các hoạt động của tổ chức, đã chỉ trích luật nhập cư của Canada quá lỏng lẻo. Sau vụ án liên quan đến tổ chức Domotor-Kolompar, Canada cũng đã siết chặt hơn nữa luật nhập cư và các hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh.