Tội phạm trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, cần phối hợp ngăn chặn
Năm 2023, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại của các vụ việc lên đến hơn 2.487 tỷ đồng.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì lừa đảo trên không gian mạng
Chia sẻ tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” diễn ra ngày 13-5, Trung tướng Nguyễn Minh Chính- Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, tại Việt Nam, số lượng người dùng Internet đang phát triển mạnh với hơn 77 triệu người (chiếm 79% dân số), số lượng người dùng mạng xã hội hơn 70 triệu người (chiếm 70% dân số), trung bình mỗi người Việt Nam dành hơn 6 tiếng sử dụng Internet mỗi ngày.
Cùng với việc khai thác tối đa những giá trị to lớn của khoa học công nghệ, không gian mạng đem lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước thì không gian mạng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hoạt động của các loại tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, trong năm 2023, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.
Trong đó, các vụ lừa đảo liên quan đến tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiếm 44,7%; Phát tán các mã độc, tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo chiếm 17,3%;
Gọi điện giả danh lực lượng chức năng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng, viễn thông... chiếm 11,6%; Tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán chiếm 13,2%; Giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền chiếm 8,5%; Một số hình thức lừa đảo khác chiếm 4,7%.
“Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Số đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, chúng thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng, như: Lào, Campuchia, Myanmar... để hoạt động phạm tội tại Việt Nam.
Mặt khác, các đối tượng thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, hoàn hảo, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm”- Trung tướng Nguyễn Minh Chính nói.
Ông Phạm Tiến Dũng- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Có người bạn tôi từng làm ngân hàng cũng bị lừa đảo trực tuyến vì thủ đoạn ngày càng vô cùng tinh vi. Trong tuần qua, tôi đã nhận thông tin về 3 trường hợp giả mạo người thân để vay tiền”.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, lừa đảo trực tuyến hiện diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó nổi lên 3 hình thức chính là: Thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định; Hai là chiếm dụng máy của người sử dụng và làm tiếp công việc chuyển tiền đi; Ba là lấy thông tin đó cài sang thiết bị khác và tiếp tục chuyển tiền.
Ông Trần Quang Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT-TT) cho rằng, lừa đảo trực tuyến bùng nổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc rất nhiều người dân lo ngại khi cài các ứng dụng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại thoải mái cài đặt các ứng dụng của các nền tảng xuyên biên giới, mà các ứng dụng này có nhiều nội dung xấu không được chặn, lọc.
“Chúng ta áp dụng nhiều biện pháp công nghệ để chống lừa đảo trên không gian mạng nhưng công nghệ lại luôn thay đổi, từ AI lên Deepfake, các đối tượng sẽ tận dụng chính công nghệ mới để có cách thức mới để lừa đảo. Do đó, luôn cần xác định có giải pháp giữa công nghệ với công nghệ, con người với con người để không bị tụt hậu”- ông Trần Quang Hưng nêu quan điểm.
Cũng theo đại diện Bộ TT-TT, nhiều ứng dụng lừa đảo trực tuyến đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn ứng dụng thật nên người dùng khó phân biệt. Hiện nay, việc tạo fanpage, group và profile trên không gian mạng rất đơn giản. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục an toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng bị giả mạo trên các nền tảng xuyên biên giới nên lừa đảo trực tuyến vẫn phức tạp.
Phối hợp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng
Để ngăn chặn, giảm thiểu lừa đảo trên không gian mạng, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, gắn với thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, thực tiễn hiện nay chưa có lý luận, quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai về thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nên chưa hình thành hệ thống, mô hình, quy trình và quy chế thực hiện đồng bộ, thống nhất; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai.
Thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng;
Triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân triển khai hiệu quả, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo;
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng các bộ phim ngắn về một số phương thức, thủ đoạn tội phạm công nghệ cao để lan tỏa tuyên truyền trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
Xác định an toàn thông tin với lĩnh vực ngân hàng là then chốt, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng,Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới yêu cầu người chuyển khoản trên 10 triệu/ lần phải xác minh thông tin là rất cần thiết để góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến.
Có ngân hàng đã yêu cầu khách hàng khi chuyển máy điện thoại khác thì phải cài ứng dụng ngân hàng có xác nhận của người dùng cũ, nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền từ thiết bị khác.
“Phải làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ kết hợp với xác thực theo quyết định 2345, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ công an để làm sạch thông tin.Không có giải pháp hoàn chỉnh, chỉ có giải pháp phù hợp, trong đó mình Ngân hàng sẽ không làm được, mà cần sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ TT-TT…”- ông Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Còn ông Tô Dũng Thái- Chủ tịch Tập đoàn VNPT thì cho hay, để phòng chống lừa đảo, nhà mạng có trách nhiệm định danh mỗi người dùng dịch vụ viễn thông khi đăng ký sử dụng thông qua các thủ tục đăng ký dịch vụ viễn thông; Loại bỏ các sim số rác, truy cập hạ tầng viễn thông không có định danh...