Tội phạm vị thành niên, vấn đề lộ, lọt dữ liệu làm 'nóng' nghị trường
Vấn đề gia tăng tội phạm ở trẻ chưa thành niên và việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận sáng 26-11.
Tiếp tục chương trình làm việc sáng 26-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Quốc hội cũng thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.
Một số vấn đề “nóng” trong thời gian qua, như tình trạng tội phạm là trẻ vị thành niên gia tăng; lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo… được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, trong đó nhiều em là học sinh, sinh viên, rất báo động.
“Để ngăn ngừa tội phạm là trẻ vị thành niên, học sinh, sinh viên, đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn, có giải pháp đồng bộ, chế tài mạnh mẽ để kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội”, đại biểu Dương Khắc Mai lưu ý.
Đây cũng là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề cập. Theo đại biểu, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên rất đáng lo ngại. Nhiều vụ án thủ đoạn và hậu quả vô cùng lớn, gây rúng động dư luận xã hội.
“Thực tế này đòi hỏi có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn mang tính phòng ngừa và răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội và có nguy cơ phạm tội”, đại biểu Việt Nga kiến nghị.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho biết, năm 2024, lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị mua bán vẫn phổ biến trên không gian mạng, gây ra hậu quả khó lường, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.
“Cử tri đặt kỳ vọng vào Luật Dữ liệu và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cho các ngành chức năng tích cực tìm giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này”, đại biểu Thanh Hương nêu.
Góp ý về công tác xử lý khiếu nại, tố cáo, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và niềm tin của người dân.
Vì vậy, đại biểu đề xuất ban hành quy định rõ ràng cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp.
Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát. Ngoài ra, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo tập trung kết nối dữ liệu giữa các cơ quan để giám sát toàn bộ quy trình xử lý từ tiếp nhận đến giải quyết...
Trả lời và làm rõ kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phân tích, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng tội phạm, nhất là trẻ vị thành niên, là sự suy thoái về đạo đức xã hội, tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội.
Biểu hiện của việc này là tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao những năm gần đây.
Ngoài ra, hiệu quả phòng ngừa chung, nhất là phòng ngừa xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả…
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, dự báo tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật tiếp tục có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Do vậy, nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sự chủ động, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công an đang tiếp tục kiến nghị xây dựng các quy định pháp luật để làm tốt việc quản lý, đấu tranh với hành vi lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao vi phạm pháp luật.