'Tôi tập sống xanh, nhưng các công ty lại xả ra 71% khí thải carbon'
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện tại không những cần sự tham gia của từng cá nhân mà còn nỗ lực của tập thể để có thể tạo ra sự thay đổi.
Ở một đất nước mà hầu hết mọi người không hề đắn đo trong việc mua sắm quần áo mới như Singapore, anh Leow Yee Shiang đã không mua một bộ quần áo nào trong hai năm qua.
Anh Leow đang thực hành cái mà anh gọi là “lối sống tối giản”. Công chức 31 tuổi này hiếm khi mua sắm. Anh chỉ mua bốn món đồ cho mình trong năm nay - một bình nước, vớ, tròng kính cho kính râm và biển số xe máy, anh Leow nói với Channel NewsAsia.
Điều gì đã khiến anh Leow đưa ra quyết định này? Anh Leow cho biết việc này xảy ra đầu năm ngoái khi đang thu dọn đồ đạc để trở về Singapore từ Australia, nơi anh đã sống và làm việc trong vòng 2 năm qua.
“Tôi thấy hơi chán nản khi thu xếp hành lý. Có rất nhiều thùng đồ. Tôi đã rất tức giận với chính mình đến nỗi tôi bắt đầu vứt mọi thứ”, anh Leow cho biết.
Trong số những món đồ anh Leow quyết định vứt đi có cả ảnh cưới của anh cũng như những bức thư tình giữa anh và vợ khi họ đang hẹn hò. “Điều này có nghĩa là bây giờ tôi có thể tập trung vào việc trân trọng mối quan hệ của mình”, anh Leow cười nói.
Bên cạnh anh Leow, ông Tan Hang Chong cũng đang cố gắng để giảm lượng khí thải carbon của mình bằng các biện pháp có vẻ cực đoan.
Ông Tan là người đồng sáng lập Foodscape Collective, một cộng đồng được lập ra nhằm nâng cao nhận thức về việc lãng phí thực phẩm. Ông Tan không bật đèn trong nhà, kể cả vào ban đêm. Thay vào đó, ông dùng ánh sáng chiếu vào từ các hành lang hoặc căn hộ lân cận. Ông Tan thậm chí còn tắm trong bóng tối.
Tan nói rằng ý tưởng về lối sống theo cách này xuất hiện sau khi ông bắt đầu suy nghĩ về những cách để giảm hóa đơn tiền điện của mình vài năm trước. “Tôi nhận ra rằng trong khi tôi luôn suy nghĩ về ô nhiễm ánh sáng và tác động của nó đối với động vật hoang dã thì tại sao không cố gắng giảm ô nhiễm ánh sáng?”, ông Tan nói với Channel NewsAsia.
Những cá nhân nỗ lực sống xanh
Ngày càng có nhiều người nỗ lực để làm gì đó cho môi trường như ông Tan và Leow. Họ chọn sử dụng ống hút có thể tái sử dụng và mang túi đựng riêng của mình khi đi mua sắm.
Phong trào phản đối ống hút nhựa đã nổi lên mạnh mẽ vào năm ngoái. Ngay cả thương hiệu cà phê khổng lồ Starbucks cũng tuyên bố rằng họ sẽ loại bỏ ống hút nhựa và các vật dụng dùng một lần khác ra khỏi các cơ sở kinh doanh của mình.
Doanh số của ống hút có thể tái sử dụng đã tăng lên nhanh chóng, bên cạnh những nỗ lực bảo vệ môi trường thời thượng khác như sử dụng túi vải. Loại túi này có lúc được xem là phương án thay thế thần kỳ cho túi nhựa và được phát miễn phí tại một số cửa hàng bán lẻ hoặc siêu thị để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Những phương án như vậy xuất hiện khi những tác động của biến đổi khí hậu có thể được nhìn thấy trên khắp thế giới với cường độ ngày càng tăng, từ các kiểu thời tiết thất thường đến sự tan chảy của sông băng và việc mực nước biển dâng cao.
Bên cạnh những cá nhân cố gắng thay đổi thói quen của mình để góp sức vào việc chống lại biến đổi khí hậu, vẫn nhiều người hoang mang liệu bản thân họ có thể thật sự mang lại sự thay đổi.
Anh Ho Xiang Tian, 23 tuổi, người đồng sáng lập LepakInSG, một nhóm quan tâm đến việc phát triển bền vững, kể lại với Channel News Asia rằng anh đã từ chối dùng ống hút tại một quán ăn. Ngay sau đó, nhân viên thu ngân vô tình làm rơi toàn bộ ống hút xuống sàn và khiến chúng thành “rác”.
“Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng tôi có thể từ chối dùng ống hút 100 lần, nhưng người thu ngân có thể phủi bỏ mọi nỗ lực của tôi chỉ trong ba giây”, anh Ho nói.
Cần phải có nỗ lực tập thể
Trong khi chúng ta bận rộn “sống xanh”, các tập đoàn sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang khiến những nỗ lực này không có ý nghĩa. Theo Guardian, chỉ cần lượng khí thải của 100 công ty trong số đó đã chiếm 71% lượng khí thải carbon của thế giới từ năm 1988. Bạn cố gắng giảm túi nhựa và những công ty này sẽ tiếp tục phá hủy hành tinh của chúng ta.
Nguyên nhân của việc này là do sự thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do của cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Chủ nghĩa này theo đuổi việc phá bỏ mọi rào cản đối với việc thực thi quyền lực của tư nhân và trao cho các công ty quyền tự do vô hạn.
Các chính sách về tư nhân hóa, bãi bỏ các quy định, cắt giảm thuế, các thỏa thuận thương mại tự do đã cho phép các tập đoàn tích lũy lợi nhuận khổng lồ và xem môi trường của chúng ta như nơi chứa chất thải, Martin Lukacs viết trên Guardian.
Cũng theo Martin Lukacs, nếu chúng ta muốn giảm khí thải nhanh chóng, chúng ta sẽ cần phải vượt qua tất cả các trở ngại trên thị trường tự do. Những trở ngại này gồm việc đưa ra quy định buộc các tập đoàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng thuế để trả cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho biến đổi khí hậu và đầu tư vào năng lượng tái tạo, giúp cho ai cũng có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Các nghiên cứu cho thấy những người lớn lên trong thời đại này thực sự đã trở nên cá nhân và tiêu dùng nhiều hơn. Trong một nền văn hóa khiến chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng thay vì một công dân, tự chủ thay vì phụ thuộc lẫn nhau, không có gì lạ khi chúng ta đối phó với một vấn đề mang tính hệ thống bằng những nỗ lực cá nhân, không hiệu quả.
Nếu phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu, mọi người sẽ đi lại bằng phương tiện cá nhân. Nếu thực phẩm hữu cơ địa phương quá đắt, họ vẫn sẽ mua ở những chuỗi cửa hàng có mức thải carbon cao. Nếu hàng hóa giá rẻ được sản xuất không ngừng, chúng ta sẽ tiếp tục mua không nghỉ.
Chỉ có các phong trào quần chúng có khả năng thay đổi quỹ đạo của cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này đòi hỏi chúng ta trước tiên phá vỡ tinh thần chủ nghĩa tự do mới: ngừng suy nghĩ như những cá nhân.
Hành động của cá nhân vẫn rất cần thiết
Mặc dù vậy, các chuyên gia môi trường và các nhà hoạt động luôn phải nhắc lại tầm quan trọng của hành động cá nhân. Sau tất cả, các phong trào xã hội lớn đều bắt đầu từ niềm tin của một số ít người trước khi bùng phát thành một phong trào được nhiều người hưởng ứng.
Ông Michael Broadhead, thành viên hội đồng quản trị tại Trung tâm phi lợi nhuận môi trường Vì một tương lai có trách nhiệm và người sáng lập EarthFest Singapore cho biết: “Thế giới sẽ đi vào con đường dẫn đến thất bại nếu chúng ta không tin vào nỗ lực cá nhân”.
“Bất kỳ thay đổi xã hội nào đều bắt đầu bằng việc một vài người tạo ra sự thay đổi. Họ làm điều đó bởi vì họ thấy một cách làm tốt hơn và họ nhiệt huyết với điều đó”, ông Broadhead nói. “Cuối cùng, những người này truyền bá nhận thức đó và giáo dục nhiều người hơn để ý tưởng đó trở thành một phong trào chủ đạo”.
Các hành động của cá nhân có thể tạo ra động lực đủ để dẫn đến những thay đổi trong chính sách kinh doanh và chính phủ, ví dụ như sự lớn mạnh của phong trào phản đối ống hút nhựa. Starbucks đã tuyên bố vào năm ngoái rằng họ sẽ loại bỏ ống hút nhựa vào năm 2020. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s cũng đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng họ sẽ loại bỏ ống hút khỏi một số cửa hàng nhất định.
Những sự thay đổi này cho thấy rằng nếu các cá nhân có thể thay đổi lối sống của người khác, họ có thể cùng nhau tạo ra một tác động hữu hình trong việc bảo vệ môi trường.
Vì vậy, đã đến lúc ngừng ám ảnh với cách mỗi cá nhân “sống xanh” như thế nào mà hãy cùng lan truyền ý tưởng này để có thể tạo ra sự thay đổi.